Phó Chủ tịch TPHCM: Hoàn thành tốt chiến dịch tiêm chủng lịch sử
(Dân trí) - Gần 732.000 người đã được tiêm chủng, thành phố cơ bản hoàn thành chiến dịch quy mô chưa từng có - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh trong buổi họp chiều 28/6.
Chiều 28/6, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã chủ trì cuộc họp báo thông tin về hoạt động chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo ông Đức, trong tuần qua, thành phố đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ: Kết hợp phòng chống đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta; thực hiện đợt tiêm chủng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử.
Theo ông Đức, số lượng người được tiêm đến thời điểm này (đợt dịch thứ 4) là 731.984 người. Có 96.198 người sau khi khám sàng lọc phải tạm hoãn tiêm vì lý do sức khỏe.
Thành phố đã lập danh sách trên 900.000 người tiêm, tuy nhiên có một số nhóm chưa tiêm; một số người chưa muốn tiêm lần này; người yếu thế đến điểm tiêm ít nhất vì nhiều người đã về quê - ông Đức thông tin.
Phó Chủ tịch TPHCM đánh giá đến nay chiến dịch tiêm chủng ở TPHCM đã thành công, đảm bảo an toàn cho người đến tiêm, dù một hai ngày đầu có những vướng mắc chưa đồng bộ do thời gian chuẩn bị ngắn.
Trong quá trình tiêm, có 2 trường hợp sốc phản vệ mức độ nặng, nhưng các bác sĩ thành phố đã cứu sống bệnh nhân. Những ngày gần đây, tốc độ tiêm chủng diễn ra rất nhanh với sự phối hợp kịp thời của các cơ quan ban ngành.
Về tình hình chống dịch, ông Đức cho biết, thành phố đang kiên định những phương án của Ban chỉ đạo đề ra, với phương châm thần tốc truy vết, bao phủ trên diện rộng, cách ly trong diện hẹp, tập trung để phù hợp với địa bàn rộng, dân đông. Thành phố đang áp dụng biện pháp linh hoạt để đảm bảo đời sống, sinh hoạt, sản xuất của bà con nhân dân.
Ngành y tế đã tầm soát, test trên diện rộng và test có trọng tâm, trọng điểm, lấy mẫu 100% ở những nơi có nguy cơ cao; lấy tầm soát ngẫu nhiên ở nơi có nguy cơ; tầm soát tại nơi người dân đến khám tại các bệnh viện; sàng lọc, phân luồng từ các bệnh viện thực hiện rất sớm để phát hiện ca bệnh đưa đi chữa trị.
Thời gian tới, thành phố sẽ phân loại các địa phương theo mức độ nguy cơ, như quy định của Bộ Y tế. Cụ thể, TP sẽ phân loại theo 3 nhóm: Nguy cơ cao, rất cao, có nguy cơ.
Thành phố yêu cầu các địa phương căn cứ theo quy định để xây dựng biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Bản thân các địa phương phải tự đánh giá để có biện pháp với tình hình đang diễn ra.
Các địa phương được yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ thị 10 đã được Chủ tịch Nguyễn Thành Phong ban hành, với những nội dung cụ thể căn cứ trên hai chỉ thị 15 và 16.
Đây là tuần hết sức quan trọng, thành phố đang đôn đốc các địa phương làm tốt hơn Chỉ thị 10. Cần làm tốt công tác xét nghiệm để tăng tốc, nhanh chóng đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới - ông Đức thông tin.