Người tiêm chủng cần lưu ý gì sau tiêm vắc xin Covid-19?

Vân Sơn Phạm Nguyễn

(Dân trí) - Ngày 9/5 thông tin từ ngành y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, trong chiến dịch tiêm chủng vừa qua, trên địa bàn đã ghi nhận 4 trường hợp bị phản ứng phản vệ ở độ 2, độ 3.

TS.BS Lê Quốc Hùng phân tích các vấn đề phản vệ khi tiêm vắc xin Covid-19.

Các trường hợp này được can thiệp y tế kịp thời, hiện đã ổn định sức khỏe.

Chia sẻ thông tin chuyên môn liên quan đến các vấn đề phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 đang gặp phải tại Việt Nam, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Vắc xin là một loại rất khác biệt so với thuốc chữa bệnh thông thường bởi các loại thuốc dùng để trị bệnh còn vắc xin sử dụng để bảo vệ cơ thể trước nguy cơ dịch bệnh. Ngoài ra những người xung quanh người đã chích vắc xin cũng được bảo vệ vì người chích vắc xin không mang theo mầm bệnh lây lan cho người khác".

Người tiêm chủng cần lưu ý gì sau tiêm vắc xin Covid-19? - 1
Vắc xin là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 nhưng không thể thay thế hoàn toàn các biện pháp 5K (ảnh: Phạm Nguyễn).

Theo TS.BS Quốc Hùng, nếu chích vắc xin đồng loạt với tỷ lệ khoảng 70 đến 80% thì sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng, bảo vệ người dân trước nguy cơ dịch bệnh. Tuy nhiên, vắc xin không thể thay thế được các phương án để phòng chống Covid-19 bởi tính hiệu quả chỉ khoảng 75% đến 95% trên tổng số người chích có kháng thể để phòng ngừa bệnh.

Số lượng còn lại từ 5% đến 25% số người dù đã được chích vắc xin nhưng vẫn có nguy cơ nhiễm vì cơ thể không tạo đủ lượng kháng thể để chống lại sự tấn công của bệnh. Điều này không phụ thuộc vào chất lượng vắc xin mà là do yếu tố cơ địa của mỗi cá thể.

Người tiêm chủng cần lưu ý gì sau tiêm vắc xin Covid-19? - 2
Vắc xin Covid-19 đang được chích ngừa cho những nhóm ưu tiên nơi tuyến đầu chống dịch trên cả nước (ảnh: Phạm Nguyễn).

TS.BS Quốc Hùng nhấn mạnh: "Vắc xin không phải là tất cả để phòng chống dịch Covid-19. Việt Nam đang cho thấy tính hiệu quả trong cuộc chiến chống Covid-19 bằng phương pháp 5K (khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tụ tập đông người, khai báo y tế). Đây là phương pháp rẻ tiền, có sẵn và ai cũng có thể thực hiện được kết hợp với vắc xin sẽ mang lại tính hiệu quả cao nhất trong phòng chống dịch".

Đề cập đến những phản ứng sau tiêm chủng, TS.BS Quốc Hùng cho biết: "Vắc xin cũng như các loại thuốc khác khi đưa vào cơ thể con người đều có nguy cơ dẫn tới phản ứng không mong muốn. Trong đó các phản ứng thông thường là tình trạng đau tại chỗ chích, sốt, đau cơ, đau người, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi như bị cảm cúm. Với các phản ứng này mức độ có thể khá nặng cần sử dụng thuốc nhưng không gây nguy hại cho tính mạng mà tự hết sau 2 đến 3 ngày sau khi chích".

Người tiêm chủng cần lưu ý gì sau tiêm vắc xin Covid-19? - 3
Cộng đồng cần chủ động hợp tác với nhân viên y tế trong sàng lọc để tránh nguy cơ phản vệ sau tiêm (ảnh: Phạm Nguyễn).

Để tránh phản ứng phản vệ, ông khuyến cáo người đi chích cần phải hợp tác với nhân viên y tế về các yếu tố bệnh sử như dị ứng, ngứa, các bệnh đang điều trị… nhằm giảm thiểu các khả năng có thể xảy ra phản vệ với người có tiền căn bệnh cấp tính hoặc các thuốc đang điều trị bệnh khác không tương thích với vắc xin. Tuy nhiên, việc sàng lọc không thể loại bỏ được 100% các bệnh nhân trong nhóm nguy cơ.

Vì vậy, sau khi chích ngừa cần lưu lại nơi chích từ 30 phút đến 1 giờ để xử lý kịp thời khi các biểu hiện bị phản ứng phản vệ có thể xảy ra.

"Có thể, một số người sau khi chích, phản ứng phản vệ không xuất hiện ngay lập tức mà xảy ra trễ hơn rất nhiều, đây là tình trạng hiếm gặp, bệnh nhân có thể đối mặt với sốc phản vệ trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau chích. Để tránh các mối nguy hiểm, trong vòng 3 ngày sau khi chích vắc xin Covid-19 nếu có bất kỳ triệu chứng nào quá bất thường, người bệnh cần mang theo phiếu chích ngừa đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, can thiệp kịp thời", TS.BS Quốc Hùng chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm