Phó Chủ tịch Quốc hội: "Tăng trưởng rơi đột ngột sẽ tạo cảm giác bất an"

Hoài Thu

(Dân trí) - "Không phải đến quý I tăng trưởng mới giảm đột ngột, rơi từ 8,2% xuống 3,3%, mà từ cuối quý III, đầu quý IV/2022 đã có xu hướng giảm", ông Trần Quang Phương đề nghị đánh giá đúng biểu đồ tăng trưởng.

Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ liên quan tình hình kinh tế xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thẳng thắn chia sẻ: "Tôi cảm giác báo cáo này rất nhiều màu hồng. Phần phân tích về tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chưa rõ".

Người dân, doanh nghiệp đang bị "bào mòn"

Để minh chứng cho nhận định của mình, ông Phương dẫn kết quả tăng trưởng năm 2022 và đề nghị Chính phủ đánh giá đúng, thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước.

"Thực ra không phải đến quý I/2023 tăng trưởng mới giảm đột ngột, rơi từ 8,2% xuống 3,3%, mà từ cuối quý III, đầu quý IV đã có xu hướng giảm. Khi đánh giá đúng biểu đồ này thì không cảm thấy đột ngột, chứ tăng trưởng từ 8,2% rớt còn 3,3% thì cảm giác bất an", Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Tăng trưởng rơi đột ngột sẽ tạo cảm giác bất an - 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông Phương cũng nhắc đến việc báo cáo Chính phủ nêu đầu năm 2023, dù có nhiều khó khăn, những biện pháp tháo gỡ ban hành từ đầu năm đã tạo chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn dòng tiền cho nền kinh tế…

Nhưng khi làm việc với chuyên gia và nhà khoa học, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết dòng tiền vẫn còn nghẽn, chưa phát huy tác dụng. Ông cho rằng nếu đánh giá quá lạc quan, việc xác định biện pháp điều hành tới đây sẽ rất khó.

Bên cạnh đó, ông lưu ý cần xem lại sở hữu chéo, sân sau của ngân hàng là các doanh nghiệp thân thuộc, kể cả các ngân hàng thương mại.

Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, Chính phủ nêu rõ "đạt nhiều kết quả tích cực". Song Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: "Nhiều có đúng không, hay chỉ nêu đạt một số kết quả tích cực? Vì tăng trưởng rất thấp so với chỉ tiêu và khả năng của nền kinh tế".

Nhắc đến vấn đề nội tại của nền kinh tế, ông Phương cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ những tồn tại, yếu kém liên quan thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự yếu kém của ngân hàng chưa được xử lý dứt điểm.

Ông Phương đánh giá khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế trước tác động bên ngoài còn rất hạn chế, chỉ cần biến động nhỏ của thế giới cũng tác động lớn.

"Tuy nền kinh tế của chúng ta là kinh tế mở, nhưng nếu bên trong tốt sẽ giảm thiểu được tác động bên ngoài", ông Phương phản ánh thực tế bên trong, doanh nghiệp, người dân đang bị bào mòn sức lực.

Qua tiếp xúc cử tri, ông chia sẻ nhiều doanh nghiệp đã nói rất thẳng thắn về việc họ phải dùng những đồng dự trữ cuối cùng để trang trải cho 2 năm vừa qua, bây giờ không còn dư địa nào để làm. 

Ổn định kinh tế vĩ mô trước những "cú sốc" lớn

Góp ý thêm vào báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá trong quý IV/2022, kinh tế đối diện nhiều cú sốc từ bên trong và bên ngoài khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhiều lần tăng lãi suất, trong nước chứng kiến cú sốc liên quan Ngân hàng SCB. Dù vậy, Việt Nam vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá và lạm phát, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là nỗ lực rất lớn.

Ông đề nghị báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra nhấn mạnh khía cạnh này.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Tăng trưởng rơi đột ngột sẽ tạo cảm giác bất an - 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: Phạm Thắng).

"Năm ngoái khi xảy ra vấn đề, anh em chúng tôi lo lắm, không ngủ được, nhưng chúng ta vẫn giữ vững ổn định vượt qua được cho thấy nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô trước những cú sốc lớn", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là việc đáng ghi nhận.

Song nhìn từ thực tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các thị trường xuất hiện tình trạng khó khăn từ tài chính, tiền tệ tới bất động sản. Ông Huệ đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn tình hình năm 2023 để có kịch bản ứng phó kịp thời.

Với mức lạm phát 3,15% năm 2022, theo Chủ tịch Quốc hội, là điểm sáng, nhưng theo các chuyên gia thì "điều hành quá chặt" khiến bỏ lỡ nhiều cơ hội điều chỉnh dịch vụ công. Lạm phát thấp nhưng lãi suất lại cao khiến doanh nghiệp khó khăn.

Bên cạnh đó, việc điều hành chính sách tiền tệ, nới room tín dụng (giới hạn cho vay) quá muộn trong những ngày cuối năm 2022, khiến room tín dụng mở ra không dùng hết.

Năm 2023, Chủ tịch Quốc hội đánh giá 4 tháng đầu, các cân đối lớn nền kinh tế cơ bản giữ ổn định, nền tảng tốt cho điều hành. Nông nghiệp tăng trưởng cao, tổng mức bán lẻ tăng 12,8% so với cùng kỳ 2022 và tăng hơn 26% so với trước khi có dịch Covid-19 (4 tháng đầu năm 2019).

Nhưng một số chỉ tiêu giảm nhanh, như chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng giảm 1,8% cùng kỳ (năm ngoái tăng 7,8%); số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25% và gần bằng số lập mới - tức không có tăng trưởng về doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần nhận diện rõ thực trạng này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để có giải pháp giải quyết các tồn tại. Trong đó, cần tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ cương hành chính, công vụ.

"Cần khắc phục một bộ phận lẩn tránh, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.