1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Ngày thứ 11 xử vụ buôn lậu lá thuốc lá:

Phó Chủ tịch Kim thắng thế ngay tại tòa

(Dân trí) - Phần thẩm vấn nhân vật được quan tâm nhiều nhất trong vụ án buôn lậu thuốc lá, Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai Nguyễn Ngọc Kim, bất ngờ được đẩy lên giữa buổi chiều 12/3. Trước những biện giải cụ thể, chắc chắn của bị cáo, VKS vất vả xoay trở trong thế... vỡ trận.

Dư sức “tiếp chiêu”

Khi nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Ngọc Kim được đưa lên phòng xử án lúc 14h30 là tòa làm liền mạch đến hết buổi. Ông Kim bước đến trước vành móng ngựa với vẻ thoải mái, tự tin hơn rất nhiều so với hình ảnh trong ngày khai mạc phiên tòa.

Không văn bản, không một chút giấy tờ tài liệu, người từng giữ cương vị Phó Chủ tịch tỉnh đã bước sang tuổi 60 trả lời rành rọt từng con số, nói không vấp một lô văn bản đầy đủ nội dung, ngày ký.

Bắt ngay vào những căn cứ để Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Kim có thể ký 14 văn bản cho phép 5 doanh nghiệp nhập khẩu hàng chục nghìn tấn lá thuốc lá qua các lối mở trên đường biên giới giáp với Hà Khẩu (Trung Quốc), bị cáo liệt kê gần chục văn bản.

Phó Chủ tịch Kim thắng thế ngay tại tòa - 1
  

Ông Kim đã bình tĩnh, tự
tin hơn nhiều trước khi
bước vào phần thẩm vấn.
(Ảnh: P.Thảo)

Ông Kim dẫn ra nội dung các cuộc họp của lãnh đạo tỉnh từ tháng 11/2004 đến năm 2006 với các thông báo số 1906 (ngày 10/5/2005), số 2009 (ngày 4/7/2005), số 2084 (ngày 8/8/2005) của thường trực Tỉnh ủy Lào Cai; báo cáo số 1127 (ngày 22/6/2005) của UBND tỉnh... đều khẳng định cho phép tiếp tục nhập khẩu hàng qua 6 lối mở trên địa bàn tỉnh.

Các lối mở này, theo ông Kim, đã được thành lập từ những năm 1994 theo quyết định số 194 của UBND tỉnh Lào Cai sau khi có thỏa thuận với tỉnh bạn để tăng cường giao thương 2 nước.

Bị cáo phân tích, việc này phù hợp luật Hải quan về vấn đề địa bàn quản lý cũng hoàn toàn phù hợp với quyết định 252 ra sau vài năm (năm 2003) của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện thành lập cửa khẩu thông thương hàng hóa. Ông Kim cho rằng, việc cáo buộc của Viện về vấn đề lối mở trái với các luật trên là không đúng.

Về việc 14 văn bản “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp nhập khẩu được đóng dấu “mật”, ông Kim biện giải, từ năm 2004, nghe ngóng thông tin Trung Quốc hạn chế xuất một số loại nguyên liệu chiến lược như than cốc, phôi thép, lá thuốc lá... văn phòng UBND tỉnh khi trình giấy tờ cho ông ký đã đề nghị thế để giữ tình hòa hảo vùng biên giới. Dù là “mật”, các văn bản đều được chuyển tất cả các cơ quan chức năng liên quan.

“Hóa giải” tiếp một chứng cứ buộc tội - thông báo 32 của thường trực UBND tỉnh cho rằng Phó Chủ tịch Kim ký các văn bản đó mà không bàn bạc trong thường trực, bị cáo phân tích, không thể có việc lãnh đạo tỉnh không biết vì quy định làm việc, các văn bản đều được văn phòng sao, gửi tận tay từng đồng chí trong thường trực Ủy ban.

“Nút thắt” khó gỡ khác đẩy trước mặt Nguyễn Ngọc Kim: văn bản cuối cùng (số 1179) bị cáo ký ngày 9/6/2006, cho phép công ty Thành Sơn của Nguyễn Huy Tần nhập 234 tấn lá thuốc nguyên liệu trong khi vừa trực tiếp dự cuộc họp của thường trực Tỉnh ủy quyết định dừng việc cho nhập khẩu mặt hàng này qua các lối mở.

Ông Kim hít một hơi dài trước khi trình bày: trước đó 1 tháng, Thành Sơn có văn bản đề nghị cho nhập nốt số hàng nằm trong lô hàng 500 tấn mà công ty đã làm xong thủ tục hải quan và chuyển về nội địa được quá nửa. Nhập xong 234 tấn hàng đó, công ty mới có thể hoàn 1,4 tỷ đồng tiền thuế hải quan. Ký quyết định đó, theo ông Kim là vẫn nằm trong thời hiệu cho phép vì lô hàng của Thành Sơn đã hoàn thành trước “giờ cấm” (tháng 6/2006) khá dài lại vừa đảm bảo được lợi ích của Nhà nước vừa tôn trọng lợi ích của doanh nghiệp.

Điểm mắc “khó nói” duy nhất của vị Phó Chủ tịch tỉnh là nội dung cáo buộc, sau mỗi lần ký văn bản đều nhận tiền của doanh nghiệp với tổng số 85 triệu đồng. Ông Kim chỉ thừa nhận có cầm tiền của Nguyễn Ngọc Liên và Nguyễn Huy Tần 6 lần, tổng số 60 triệu đồng nhưng đó là “quan hệ bạn bè anh em”.

Lần lượt từng nội dung được biện giải chặt chẽ, sắc sảo gần như đã thuyết phục được HĐXX. Vấn đề nhận tiền, tòa cũng cho rằng, không có chứng cứ buộc tội nào ngoài những bản khai mà các bị cáo đồng loạt phản cung suốt hơn 10 ngày qua. Trong khi đó, dù công tố viên trở đi trở lại, các “đòn thế” lại gần như “đốt lưới nhà”, tạo nên phản ứng từ luật sư và từ chính các “quan tòa”.

Viện buộc, Tòa bác

Cuối buổi làm việc chiều, Viện “hạ đòn” quyết định đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Kim. Công tố viên tung ra 8 văn bản của Cục Hải quan Lào Cai với nội dung “cảnh báo” lãnh đạo tỉnh là việc cho nhập hàng qua lối mở là không đúng quy định hiện hành.

Bị cáo cũng dẫn ngay các cuộc họp giao ban trong thời gian từ tháng 11/2004 đến năm 2006, hải quan đều tham dự và có báo cáo về tình hình nhập khẩu phát triển tốt. Tháng 12/2006, hải quan, biên phòng thậm chí còn có báo cáo khẳng định chủ trương này không có gì trái so với luật.

Đại diện VKS lập tức trích đọc một số báo cáo của Cục Hải quan Lào Cai gửi UBND tỉnh. Kiểm sát viên vừa dứt lời, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bảo vệ cho Phó Chủ tịch Kim) lập tức “khai pháo” bằng việc đề nghị HĐXX yêu cầu Viện trích dẫn văn bản đầy đủ, chính xác. Ông Thiệp cho rằng, không có văn bản kiến nghị nào của Hải quan nói rằng việc nhập khẩu thuốc lá là trái quy định.

Đề nghị được tòa chấp nhận. Viện lập tức trích đọc lại một đoạn dài báo cáo số 12 (ngày 20/11/2005) của Cục Hải quan Lào Cai. Đợi Viện kết thúc việc đọc, ông Thiệp tiếp tục nhấn nhá, chỉ ra trong báo cáo đó, phần công tố viên trích dẫn chỉ là nhận xét tình hình, còn quan điểm kiến nghị lên UBND tỉnh chỉ có ở 2 dòng cuối trong văn bản: “... Do đó, tỉnh cần nghiên cứu và cho ý kiến kịp thời cho từng chuyến hàng nhập”.

Phòng xử án vỡ trong tiếng cười, dù cố nén.

Phó Chủ tịch Kim thắng thế ngay tại tòa - 2
  

Nguyên cục trưởng Hải quan
Lào Cai - Đinh Bá An.
(Ảnh: P.Thảo)

Cục diện “căng” cho cơ quan cống tố ngày càng rõ trong suốt mấy ngày qua. Giữa buổi sáng, phần thẩm vấn Cục trưởng hải quan Đinh Bá An, chủ tọa đã nhiều lần phải cắt ngang, nhắc đại diện VKS chỉ điểm lại những tài liệu cần thiết để chứng minh tội phạm vì không có thời gian để chờ công tố viên đọc hết bản cung này với tờ khai khác mà bị cáo đã đòi khai lại.

Đến khi luật sư Huỳnh Phương Nam đang gợi thân chủ nêu những lý lẽ cho rằng bị ép cung, Viện lại bị “thổi còi” lần nữa vì đưa ra đề nghị tòa cắt phần hỏi “rầy rà” của luật sư. Trước yêu cầu đó, vị chủ tọa gạt bay: “Không chấp nhận yêu cầu. Câu hỏi đạt mục đích, luật sư tiếp tục”.

Ngày mai, phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Ngọc Kim tiếp tục hứa hẹn nhiều đột biến.

VKSND tối cao vi phạm tố tụng?

Trong quá trình thẩm vấn nguyên Chi cục trưởng Hải quan Bát Xát - Phạm Xuân Thường, một sai phạm trong về thủ tục tố tụng lộ ra, VKSND tối cao đã dùng kiểm sát viên chính (không đủ thẩm quyền) hỏi cung các bị can.

Một văn bản được tìm thấy trong hồ sơ vụ án, ông Văn Danh Hồng, Vụ trưởng Vụ 1 có quyết định số 35/VKSNDTC-V1 (ngày 28/12/2005) quyết định phân công ông Hoàng Công Huấn, chức vụ kiểm tra viên chính thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án.

Ông Huấn đã tiến hành hỏi cung và làm biên bản hỏi cung tới hơn 10 bị can trong vụ án trong nhiều thời gian khác nhau. Những biên bản hỏi cung này đều được đóng dấu của VKSND tối cao với 1 chữ ký “đảm bảo” không ghi rõ họ tên và chức danh người ký.

Theo Đ33 - Bộ luật tố tụng hình sự, việc làm này đã vi phạm các quy định về thẩm quyền của những người tiến hành tố tụng.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm