Phó Bí thư Đồng Nai: "Vì dân vì nước, bị kỷ luật cũng phải chịu thôi"
(Dân trí) - Chia sẻ thực tế khi dự án bồi thường xây sân bay Long Thành rất chậm, Phó Bí thư Đồng Nai nêu nhiều vướng mắc. Ông nói tỉnh thậm chí đã làm nhiều việc "về luật là sai" nhưng phải chấp nhận.
Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Sốt ruột vì tiến độ dự án
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh đề cập sự lãng phí nguồn lực của dự án làm ảnh hưởng tới tiến độ giai đoạn 1 dự án.
Theo nữ đại biểu, số hộ dân chưa được phê duyệt tái định cư trên 1.200 hộ là tỷ lệ cao, chiếm đến 31%, nhất là hàng trăm hộ đã xét nhưng không đủ điều kiện bố trí.
Bà Chinh cho rằng những nội dung đang được kiến nghị điều chỉnh cũng cho thấy có vấn đề về kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện quy định của luật về ngân sách và đầu tư công, khi còn nguồn vốn không được giải ngân kịp thời và vắt qua nhiều năm, giờ đã hết niên độ.
Ủng hộ việc kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2024 vì sự cần thiết tạo cơ sở pháp lý cho triển khai giải ngân và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị nguồn giải ngân tách thành 2 phần. Trong đó, nguồn vốn của giai đoạn 2016-2020 cần hủy dự toán vì không phù hợp quy định pháp luật.
Nữ đại biểu cũng "sốt ruột" khi công tác chuẩn bị nguồn lao động đáp ứng nếu dự án đi vào khai thác từ 2025, bởi hiện tại con số đăng ký đào tạo nghề rất khiêm tốn.
Những vấn đề trên, bà mong các đại biểu đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cung cấp thêm thông tin.
Ông Bùi Xuân Thống (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) chia sẻ một số lý do khiến việc thực hiện dự án bồi thường, tái định cư sân bay Long Thành bị chậm.
Theo ông, sân bay Long Thành là dự án quy mô lớn nhất nên việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư cũng cần thời gian dài hơn.
Bên cạnh đó còn có lý do khách quan do tác động của đại dịch Covid-19 trong hai năm khiến công việc đóng băng.
Một nguyên nhân khác, theo ông Thống, do dự án quy hoạch hơn 20 năm nên trong thời gian chưa triển khai, người dân có nhu cầu vẫn sang nhượng, mua bán qua nhiều người dẫn đến công tác đo đạc, kiểm đếm gặp khó khăn. Nếu không làm cẩn thận, dễ dẫn đến khiếu nại.
"Chúng tôi đi giám sát, khảo sát cũng rất sốt ruột vì thấy rất chậm trong khi Nghị quyết của Quốc hội chỉ cho đến cuối năm 2021 phải xong", ông Thống nói.
Về đào tạo nghề, chuẩn bị lao động, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng nói thấy "sốt ruột" vì tỉnh triển khai quyết liệt nhưng còn phụ thuộc ý chí chủ quan của người lao động trong lựa chọn.
"Đồng Nai đang đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện vì nếu không chuẩn bị tốt thì năm 2025 khi sân bay đi vào hoạt động sẽ không đáp ứng được", theo lời ông Thống.
Hàng nghìn đơn khiếu nại phải giải quyết
Cung cấp thêm thông tin, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Quản Minh Cường cho biết, còn 64ha chưa thu hồi nhưng chủ yếu nằm bên ngoài, không thuộc trung tâm dự án nên việc giải phóng mặt bằng tiếp theo không ảnh hưởng thi công sân bay.
"Không có cách nào khác, 2 năm dịch không làm kịp nên hết niên độ. 20 năm quy hoạch không biết khi nào thực hiện nên quản lý vô cùng khó, luật không cấm dân chuyển nhượng đất đai, thực tế cũng có hơn 2.000 đơn khiếu nại, phải giải quyết theo trình tự", Phó Bí thư Đồng Nai chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông giãi bày thêm thực trạng giá nguyên vật liệu tăng, nhà thầu rời bỏ dù chịu nộp phạt, bản thân doanh nghiệp cũng chịu thiệt hại khi đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng làm nhưng vì làm tiếp sẽ lỗ nên họ không làm nữa. Trong khi đó, tỉnh phải bỏ ra cả trăm tỷ đồng để làm trường học.
"Về luật là sai đấy, nhưng Ban thường vụ họp và qua HĐND tỉnh, vì dân vì nước thì bị kỷ luật cũng phải chịu thôi. Không làm trường, khai giảng cháu không học được, người dân ra tái định cư rồi mà không cho các cháu đi học không được", ông Cường chia sẻ.
Ông thẳng thắn nói rằng dù Quốc hội có bấm nút thông qua chủ trương kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2024, cá nhân ông cảm nhận "chưa chắc đã hoàn thành". Bởi thực tế, còn hơn 1.000 trường hợp chưa đủ căn cứ xem xét phê duyệt tái định cư, và nhiều trường hợp cũng "không thể không xem xét".
Chia sẻ với Đồng Nai, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho rằng quy định pháp luật là vậy nhưng thực tế nhiều khó khăn phát sinh.
Theo ông, Dự án cảng hàng không Long Thành đặc biệt quan trọng nên buộc phải hoàn thành càng sớm càng tốt để phục vụ chung cho lợi ích quốc gia. Do đó, ông ủng hộ để tiếp tục triển khai.