1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phiên chợ xuân ở xã vùng biên Na Mèo

(Dân trí) - Chợ biên giới Na Mèo - phiên chợ vùng biên là nơi tụ họp, giao thương của đồng bào các dân tộc huyện Quan Sơn và người dân nước bạn Lào.

Chợ Na Mèo bắt đầu từ cuối năm 1989, ban đầu, chỉ là một khu chợ nhỏ lẻ của đồng bào dân tộc Thái, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn. Cùng với sự phát triển kinh tế và Cửa khẩu Na Mèo được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế thì chợ Na Mèo ngày càng nhộn nhịp hơn, hàng hóa phong phú hơn, lượng người giao thương cũng ngày một nhiều hơn.

Chợ Na Mèo thu hút ngày càng đông người tham gia.

Nơi đây không chỉ là điểm giao thương của đồng bào các dân tộc vùng biên huyện Quan Sơn mà còn là nơi giao lưu buôn bán của các bạn Lào. Chợ chỉ nằm cách cột mốc biên giới Việt - Lào khoảng 300m. Nét đặc trưng của chợ là mỗi tuần chỉ họp một phiên duy nhất vào sáng thứ 7.

Hàng hoá chủ yếu là các sản vật địa phương được nhân dân quanh khu vực của hai nước Việt - Lào mang đến để trao đổi, buôn bán như: hàng gia dụng, giày dép, quần áo, xà phòng, cá biển, cơm nếp... của người Việt Nam. Bên cạnh đó là các mặt hàng của người Lào như chuột rừng phơi khô, chuột rừng nướng, nhím, dúi, cá suối nướng, vải thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, măng rừng, rau, cơm nắm, thịt bò…

Phiên chợ Tết Na Mèo thu hút đông người và hàng hóa hơn so với các phiên trong năm. Từ tờ mờ sáng, đồng bào các dân tộc Mông, Thái từ khắp các bản làng xa xôi như Mùa Xuân, Xía Nọi, bản Khà... vượt suối, băng dốc để xuống trung tâm Na Mèo cho kịp phiên chợ.

Những phụ nữ Viêng Xay - Lào cũng có mặt tại phiên chợ, người mua hàng, người mang hàng hoá sang chợ bán như rau, củ vườn nhà với hy vọng sẽ bán được giá. Nét độc đáo nữa của chợ phiên Na Mèo là có 2 loại tiền đồng thời cùng được lưu hành là tiền Việt Nam đồng và tiền Kíp Lào. Dù nhiều người chưa hiểu hết ngôn ngữ của nhau, nhưng ai cũng có thể mua hàng hóa mình cần, vì chỉ cần ra dấu hiệu là muốn mua mặt hàng này, thì ngay lập tức, người bán sẽ giơ ngón tay để ra giá của sản phẩm.

Điều đặc biệt tại chợ Na Mèo là không có việc mặc cả, trả giá. Dù mỗi tuần chỉ họp có một phiên nhưng không xô bồ, chen lấn. Thuận mua, vừa bán, không nói thách, nói quá lên, mọi người tham gia phiên chợ đều rất vui vẻ.

Thượng tá Nguyễn Quang Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Na Mèo cho biết: “Chợ Na Mèo là trung tâm phục vụ buôn bán, đời sống nhân dân, sản xuất của địa phương. Đây còn là nơi giao lưu, đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào. Năm 2012, tại Cửa khẩu Na Mèo có hơn 34.000 lượt người và gần 10.000 lượt phương tiện xuất nhập cảnh…”.

Bà con nhân dân đi chợ trong tiết trời xuân rộn ràng khi cây mơ, cây đào bung nở, mùa màng trên nương đã thu hoạch xong báo hiệu mùa xuân đến. Những cô gái Mông, gái Thái sặc sỡ trong những bộ váy áo truyền thống của dân tộc càng khiến cho phiên chợ xuân Na Mèo thêm rực rỡ.

Duy Tuyên