1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bí thư TPHCM:

"Phía sau những tấm gương tận tụy vẫn còn những né tránh, ngại khó"

Quang Huy

(Dân trí) - Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá, công tác phòng, chống dịch thời gian qua đã giúp địa phương nhìn rõ hạn chế, bất cập của bộ máy, cán bộ từng nơi, từng cấp, từng lĩnh vực mà bình thường khó thấy.

Chiều 1/12, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì Hội nghị lần thứ X, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XI.

Trong 1,5 ngày làm việc, các đại biểu sẽ xem xét, thảo luận, thông qua các nội dung trọng tâm liên quan tới vấn đề phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, quy hoạch, thu chi ngân sách, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, dân vận trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, hội nghị này có thể coi là bước khởi đầu cho giai đoạn bình thường mới của thành phố. Tại hội nghị, các đại biểu cần thảo luận sâu, cụ thể để đưa ra những định hướng lâu dài cho thành phố, gắn liền với công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Dịch bệnh giúp nhìn rõ hạn chế mà bình thường khó thấy

"Qua công tác phòng, chống dịch bệnh, chúng ta có thể nhìn rõ những hạn chế, bất cập của bộ máy và cán bộ từng cấp, từng nơi, từng lĩnh vực mà bình thường khó thấy. Phía sau những người dũng cảm vì mọi người vẫn còn người hèn nhát, ích kỷ, phía sau những tấm gương tận tụy vẫn còn những né tránh, ngại khó", Bí thư Thành ủy TPHCM thẳng thắn nêu.

Phía sau những tấm gương tận tụy vẫn còn những né tránh, ngại khó - 1

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ X, khóa XI khai mạc chiều 1/12 (Ảnh: K.H.).

Với những nhận định trên, người đứng đầu Đảng bộ thành phố yêu cầu các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến về việc đẩy mạnh xây dựng, chính đốn Đảng và hệ thống chính trị. Những định hướng được Bí thư TPHCM đưa ra là cần chỉ rõ những hạn chế, bất cập, biểu hiện tiêu cực, suy thoái đã xuất hiện thời gian qua.

Qua đó, thành phố cần có giải pháp, biện pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đảng viên.

Nhìn nhận những mặt tích cực trong quãng thời gian TPHCM là tâm điểm của dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Nên cho biết, toàn hệ thống chính trị đã thật sự trở thành khối đoàn kết, thống nhất về chủ trương và hành động. Những chập chờn, do dự, lúng túng ban đầu đã được nhắc nhở, uốn nắn, điều chỉnh.

TPHCM tăng trưởng âm lần đầu tiên trong lịch sử

Ông Nguyễn Văn Nên nhắc lại, năm 2021 là năm đầu tiên, TPHCM triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ thành phố lần thứ XI và là năm thực hiện chủ đề: "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư". Với tính chất đó, thành phố khởi đầu năm 2021 với nhiều niềm tin, kỳ vọng nhưng toàn địa bàn đã phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, biến chủng Delta bùng phát rất nhanh.

Trước tình hình đó, thành phố buộc phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân lên hàng đầu. Sau gần 5 tháng, TPHCM đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và từng bước chuyển sang trạng thái "bình thường mới" vào cuối tháng 9.

Phía sau những tấm gương tận tụy vẫn còn những né tránh, ngại khó - 2

Lần đầu tiên trong lịch sử, TPHCM có tăng trường âm hơn 6% do giãn cách xã hội kéo dài (Ảnh: Hữu Khoa).

"Chúng ta đã gánh chịu nhiều tổn thất hết sức nặng nề, nhiều người không thể vượt qua được dịch bệnh, các mặt của đời sống kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 trong nước và thế giới vẫn diễn biến phức tạp", Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá.

Ông Nguyễn Văn Nên phân tích, trong quý I, tình hình kinh tế xã hội của TPHCM đã phát triển đồng đều và ổn định. Khi đánh giá 6 tháng đầu năm, nhiều chỉ số của địa phương bắt đầu tụt giảm nghiêm trọng bởi đại dịch.

"Đây là lần đầu tiên trong lịch sử từ sau giai đoạn đổi mới, thành phố có tăng trưởng âm 6,78%. Trong khi đó, thành phố đề ra kế hoạch tăng trưởng 6%", Bí thư Thành ủy TPHCM nêu rõ.

Tổ chức thực hiện là khâu yếu của TPHCM

"Chúng ta có nhược điểm là chủ trương, nghị quyết, chương trình hành động không thiếu, song khâu tổ chức thực hiện luôn là khâu yếu. Thành phố cần tìm ra phương cách, cơ chế tổ chức, điều phối đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo các nhiệm vụ, giải pháp đi vào thực tiễn", Bí thư Nguyễn Văn Nên quán triệt về việc thực hiện các kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Người đứng đầu Đảng bộ thành phố đề nghị các đại biểu cần tập trung thảo luận về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025. Các ý kiến thảo luận cần làm rõ phương hướng của thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều rủi ro, phức tạp, nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới.

Phía sau những tấm gương tận tụy vẫn còn những né tránh, ngại khó - 3

Bí thư Thành ủy TPHCM nêu rõ những điểm yếu trong chỉ đạo, điều hành của địa bàn (Ảnh: H.K.).

Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 là căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển cho thành phố ngắn hạn và dài hạn. Nhiệm vụ quy hoạch cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng TPHCM trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, văn hóa, là đầu tàu kinh tế, trung tâm tài chính, thương mại, khoa học, công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.

Đưa ra định hướng cho năm 2022, Bí thư Nguyễn Văn Nên gợi ý, thành phố có thể xác định chủ đề năm là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm