1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phí BOT - Muốn giảm phải chờ... đàm phán

(Dân trí) - ​Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, do hợp đồng dự án BOT đã ký nên muốn giảm phí phải đàm phán. Sau khi giảm mức phí cho người dân khu vực trạm thì sẽ tiếp tục giảm giá phí chung. Dự kiến, việc đàm phán giảm phí xong của 54 dự án BOT sẽ xong trong tháng 10/2017.

Việc giảm phí các dự án BOT sẽ được thực hiện sau khi cơ quan quản lý Nhà nước đàm phán với nhà đầu tư
Việc giảm phí các dự án BOT sẽ được thực hiện sau khi cơ quan quản lý Nhà nước đàm phán với nhà đầu tư

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ GTVT chiều 28/9, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết, Tổng cục đang rà soát lại mức phí tại các trạm của 54 dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) để tiến tới đàm phán giảm phí đường bộ.

Theo ông Huyện, hiện Bộ GTVT đã chấp thuận phương án giảm phí tại 10 trạm BOT sau rà soát và đang tiếp tục xem xét phương án giảm phí tiếp tại 3 trạm khác.

“Việc đàm phán dựa trên nguyên tắc về thời gian thu phí, tổng mức đầu tư, giá trị quyết toán và được các tổ chức tín dụng xem xét.” - ông Huyện cho hay.

Cũng theo ông Huyện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lên kế hoạch đàm phán đến hết 30/10 với các trạm còn lại, vấn đề giảm giá cơ bản được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) - thông tin thêm: Việc rà soát là quá trình mất thời gian. Việc điều chỉnh mức phí dựa trên quyết toán của 54 dự án BOT từ năm 2017 trở lại đây.

Hiện trên cả nước có 88 trạm thu phí, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm, 15 trạm thu phí do các địa phương quản lý, 70/88 trạm đang thu phí.

Về vị trí, có 58 trạm có khoảng cách lớn hơn 70km, 10 trạm khoảng cách 60 - 70 km, 20 trạm có khoảng cách dưới 60 km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT. Theo ông Huy, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ về việc rà soát vị trí trạm thu phí.

“Do hợp đồng đã ký nên muốn giảm phải đàm phán. Sau khi giảm mức phí cho người dân gần đó qua trạm thì tiếp tục giảm giá phí chung” - ông Huy nói.

Đối với trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), trả lời câu hỏi tại sao Bộ GTVT không tính tới các phương án mua lại trạm này để giảm gánh nặng cho người dân, ông Huy cho biết: “Để trả lời câu hỏi này trước hết ta phải đặt câu hỏi tại sao phải làm BOT? Lý do là vì ngân sách khó khăn, do đó không có phương án mua lại trạm”.

Theo rà soát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mức phí cho phương tiện có lộ trình Bắc - Nam có hành trình từ Lạng Sơn đến Bạc Liêu qua 29 trạm thu phí trên quốc lộ 1 cũ phải nộp mức phí tối đa là 4.540.000 đồng/xe, trong khi lộ trình cao tốc mức phí là 4.805.000 đồng/xe.

Châu Như Quỳnh