1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn:

Phát triển báo chí cần đi đôi với quản lý tốt báo chí

Năm 2014, trong bối cảnh kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, ngành Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị và kế hoạch công tác, góp phần cùng đất nước hội nhập với thế giới.

Nhân dịp năm mới 2015, được sự uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, ngày 1/2, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã có cuộc trao đổi với báo chí về những thành tựu nổi bật của ngành trong năm 2014 cũng như những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2015.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. (Ảnh:
Vietnam+)
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. (Ảnh: Vietnam+)

Phóng viên: Xin Thứ trưởng điểm lại những thành tựu nổi bật của ngành Thông tin và Truyền thông trong năm 2014 vừa qua cũng như những điểm hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Năm 2014, công tác quản lý Nhà nước về Thông tin và Truyền thông được tăng cường trên tất cả các lĩnh vực: báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin… và đạt được một số thành tựu nổi bật.

Trước hết, Bộ đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề như : Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020 ; Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin và truyền thông các vùng biên giới biển, vùng biển, đảo Việt Nam đến năm 2020 ... Trong năm 2014, Bộ cũng đã ban hành 20 thông tư và phối hợp ban hành 2 thông tư liên tịch; xây dựng và trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 27 đề án, trong đó có dự thảo Luật An toàn thông tin, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Thứ hai, các cơ quan báo chí, xuất bản đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, sự kiện chính trị lớn của đất nước; thường xuyên cập nhật, đưa tin chính xác, phản ánh đầy đủ và kịp thời tình hình chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội; phản bác hiệu quả những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội; củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, được nhân dân đồng tình.

Trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Bộ đã chủ động, linh hoạt và thường xuyên có định hướng, chỉ đạo các địa phương, các cơ quan báo chí tập trung thông tin, phản ánh chân thực, toàn diện, khách quan về cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sự kiên cường, dũng cảm của các lực lượng và của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo để nhân dân trong nước và quốc tế hiểu rõ hơn tình hình thực tế, góp phần động viên khích lệ tinh thần yêu nước, cả nước cùng đồng lòng hướng về Biển Đông.

Trong lĩnh vực viễn thông, công tác quản lý nhà nước về viễn thông ngày càng được tăng cường, tạo điều kiện cho thị trường viễn thông phát triển bền vững. Các doanh nghiệp viễn thông trong nước tiếp tục giữ vững vị thế và thị phần áp đảo trên thị trường và từng bước vươn ra đầu tư ở nước ngoài. Công nghệ thông tin tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng và hiệu quả cao, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng GDP của đất nước.

Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn, tồn tại mà ngành cần tiếp tục khắc phục. Vấn đề tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo gia tăng và còn nhiều bất cập trong công tác quản lý các đầu số thông tin di động; công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đang phải đối mặt với các vụ tấn công ngày càng phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn tăng cường lợi dụng môi trường internet để tuyên truyền, chống phá Đảng và nhà nước; kích động, xúi giục nhân dân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Một số báo, trang thông tin điện tử hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, chạy theo việc đưa tin giật gân, câu khách, đưa tin chưa được kiểm chứng, vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí gây bức xúc trong dư luận, đã bị xử phạt, thậm chí tước giấy phép hoạt động, thu hồi ấn phẩm sai phạm. Sự khó khăn trong hoạt động kinh doanh của nhiều nhà xuất bản; hiện tượng làm sách giả, sách lậu và in lậu vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó là tình trạng một số nhà xuất bản chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng sách liên kết với các đơn vị ngoài dẫn đến phải thu hồi và tiêu hủy các bản sách có nội dung không chính xác, gây ảnh hưởng không tốt cho xã hội, nhất là sách giáo dục.

Phóng viên: Vậy trong năm 2015 Bộ sẽ thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì để giải quyết những điểm tồn tại, hạn chế vừa nêu, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Cùng với triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trên tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2015, Bộ sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: chỉ đạo các cơ quan báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các sự kiện trọng đại, các lễ kỷ niệm lớn của đất nước như: Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9; 40 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, tiếp tục thông tin, tuyên truyền làm cho các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội nhận thức sâu sắc về tình hình thế giới, trong nước, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch, xây dựng lòng tin của nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Bộ tăng cường công tác thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trên nguyên tắc không có "vùng cấm" để làm trong sạch môi trường báo chí, xuất bản, viễn thông, internet. Công tác thanh tra, kiểm tra cần được tổ chức bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn trong điều kiện lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng.

Nhằm phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt trái của internet, thông tin trên mạng, Bộ sẽ tăng cường làm việc và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, hiệp hội và doanh nghiệp để thực hiện các biện pháp liên ngành, tổng hợp hơn, đa dạng hơn. Đặc biệt, chú trọng các biện pháp phát triển nội dung, giáo dục và hướng dẫn người sử dụng internet trong thời gian tới. Bộ cũng sẽ hoàn thiện bộ máy tổ chức, đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin; hình thành hệ thống các bộ phận chuyên trách về phòng chống tấn công mạng, khắc phục sự cố mạng, trước hết ở các cơ quan, tổ chức quan trọng để có lực lượng sẵn sàng ứng cứu tại chỗ và hỗ trợ lẫn nhau khi có các sự cố lớn.

Bộ cũng tiếp tục tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp; chỉ đạo các doanh nghiệp bám sát yêu cầu tổ chức mô hình hoạt động tinh gọn, phương thức quản trị tiên tiến, chú trọng đến chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư...

Phóng viên: Sự phát triển của công nghệ thông tin đã tạo ra các hình thức thông tin, truyền thông mới, Thứ trưởng có thể đánh giá các hình thức truyền thông này sẽ tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức như thế nào trong quản lý ngành của Bộ?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Sự phát triển mạnh mẽ và hội tụ của công nghệ đã xóa nhòa khoảng cách giữa các chủ thể cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông. Công nghệ mới với hạ tầng viễn thông băng rộng hiện đại, cung cấp đa dịch vụ và phát triển rộng khắp đất nước đã tạo nên cơ hội to lớn để thu hẹp khoảng cách số trong xã hội, đưa thông tin và phương tiện trao đổi thông tin đến với người dân không chỉ ở các vùng thành thị mà còn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, nhiều thách thức đã đặt ra trong công tác quản lý Nhà nước là: nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin cũng là thách thức lớn; nhiều nội dung thông tin độc hại, trái với thuần phong mỹ tục, trong một số trường hợp đi ngược lại với lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật Việt Nam, chống phá nhà nước và chế độ cũng được phát tán trên môi trường mạng. Không chỉ vậy, các dịch vụ mới phát triển và sử dụng tự do, chưa có quy định quản lý cũng gây ra phiền phức cho người sử dụng, ví dụ như việc quảng cáo không đúng quy định, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân. Phương án quản lý để đảm bảo các dịch vụ mới và truyền thống cùng phát triển, cạnh tranh song vẫn bổ trợ cho nhau là thách thức đặt ra cần phải giải quyết.

Với các dịch vụ mới như OTT, Uber, mạng xã hội là một số ứng dụng điển hình đang dần đi vào cuộc sống, tạo nên những trải nghiệm mới, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, cho xã hội, về quan điểm, Bộ Thông tin và Truyền thông ủng hộ và tiếp tục có những giải pháp thúc đẩy, phát huy các mặt tích cực mà các công nghệ, dịch vụ mới đã mang lại. Tuy nhiên, các công nghệ, dịch vụ mới xuất hiện sẽ phát sinh ảnh hưởng đến một số khía cạnh xã hội cần quan tâm. Bộ đang xây dựng văn bản quản lý dịch vụ OTT để đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhà cung cấp hạ tầng dịch vụ viễn thông, các công ty cung cấp dịch vụ OTT, tạo nên một thị trường cạnh tranh bình đẳng, cùng phát triển và trên hết là quyền lợi của người sử dụng.

Phóng viên: Tại Hội nghị Trung ương 10 (Khóa XI), Ban chấp hành Trung ương đã khẳng định sự cần thiết phải sớm ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, Thứ trưởng có thể cho biết một số định hướng lớn trong Quy hoạch này?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Về quan điểm, báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí, nhất là trong bối cảnh bùng nổ của truyền thông xã hội. Phát triển báo chí theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Nhà nước cần phải có cơ chế tài chính, đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.

Đến nay, cả nước có 845 cơ quan báo chí in với 1.118 ấn phẩm báo chí; 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương; số lượng các kênh chương trình phát thanh truyền hình quảng bá là 179 kênh; 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội ; có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo đang hoạt động trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc và ở nước ngoài .

Thực tiễn hiện nay cho thấy, số lượng các cơ quan báo chí và ấn phẩm tăng nhanh trong những năm qua nhưng cơ cấu chưa thật hợp lý. Một số bộ, ngành, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, địa phương có nhiều cơ quan, ấn phẩm báo chí. Một số báo có nhiều ấn phẩm phụ với nội dung không phù hợp với tôn chỉ mục đích. Hệ thống đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh, thành phố được đầu tư về khả năng phát sóng vượt xa so với khả năng sản xuất chương trình.

Theo định hướng, phát triển báo chí phải phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ và xu thế phát triển thông tin, truyền thông thế giới; kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Những cơ quan báo chí hoạt động không hiệu quả sẽ được xem xét sắp xếp và tổ chức lại cho phù hợp với quy hoạch và tình hình thực tế.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Việt Hà
Dangcongsan/TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm