Quản lý báo chí: Những gì cao đẹp, hữu ích sẽ tồn tại!
(Dân trí) - Cái gì cao đẹp và hữu ích thì tự thân nó sẽ tồn tại. Báo chí cũng vậy, tự bạn đọc có sự sàng lọc; nhưng sự quản lý đúng định hướng, chính thống, đa diện của Nhà nước sẽ là cơ hội cho các tờ báo thực sự phát triển.
Quy hoạch tốt chứ không cấm
Hội nghị Truyền thông và Phát triển được tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại thành phố Hạ Long hôm nay, 31/1. Hội thảo này diễn ra sau buổi ký kết thành công giữa Quảng Ninh và 29 cơ quan báo chí khác về kế hoạch hợp tác truyền thông.
Tham gia hội nghị có lãnh đạo Bộ Truyền thông, lãnh đạo Cục Báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và đông đảo các lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí trên cả nước. Hội nghị diễn ra xoay quanh hai chủ đề đang được xã hội quan tâm về công tác phát triển cũng như vai trò của báo chí với người dân. Đó là công tác quy hoạch báo chí và xã hội hóa lĩnh vực này.
Nói về vấn đề quản lý báo chí, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và truyền thông, nêu quan điểm: Chúng ta không có báo tư nhân. Tư nhân tham gia đầu tư kinh phí để xã hội hóa báo chí là cần thiết nhưng phải quản lý đúng quy định, hướng báo chí đến thông tin hữu ích, chính thống.
Tại hội nghị đã diễn ra cuộc thảo luận sôi nổi về các vấn đề nóng bỏng mang tính thách thức và cơ hội đối với nền báo chí hiện nay. Tham gia buổi tọa đàm có ông Bùi Thế Đức - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Hoàng Hữu Lượng, nhà báo Vũ Văn Phúc - Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản và nhà báo Phạm Tuấn Anh - Phó Tổng biên tập báo điện tử Dân trí.
Quản lý quy hoạch lại báo chí để phát triển có chiều sâu hơnHiện nay cả nước có 845 cơ quan báo in với 1.118 ấn phẩm báo chí; 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương; số lượng các kênh chương trình phát thanh truyền hình quảng bá là 179 kênh; 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội; gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Về mặt thông tin, Đảng và Nhà nước rất cởi mở, hướng đến thông tin toàn cầu bởi nhu cầu về thông tin của người dân cũng quan trọng như cơm ăn, nước uống.
Buổi tọa đàm nêu câu hỏi: Quản lý báo chí như thế nào? Chúng ta nên định hướng thông tin báo chí cho người dân theo hình thức chính thống, toàn diện chứ không nên thấy khó quản thì cấm. Cần đưa thông tin khách quan, giúp người dân hiểu được đâu là những thông tin bịa đặt, đâu là sự thật.
Nhà báo Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu quan điểm: Cần phải quy hoạch lại báo chí bởi hiện nay, một sự kiện có quá nhiều kênh, nhiều báo đồng loạt đưa tin vào cùng 1 thời điểm, gây lãng phí rất lớn. Muốn làm được việc này cần phải tập trung xây dựng những tờ báo chính thống, đa phương tiện, lấn át các trang mạng xã hội không chính thống.
Quan điểm này cũng được ông Bùi Thế Đức chia sẻ: Về việc quy hoạch báo chí, cái gì dân cần thì chúng ta khyến khích. Ví dụ tạp chí Hán Nôm, toán học ngôn ngữ là hữu ích thì khuyến khích. Còn một ấn phẩm tạp chí về gia đình mà toàn đưa chuyện vợ chồng cãi nhau, con hư, án mạng... thể hiện sự xuống cấp đạo đức mà không hề nói về chuyện hạnh phúc, cách dạy con cái... Một tờ cho thanh niên nhưng không nói chuyện học hành, lập nghiệp mà chỉ nói chuyện hàng hiệu, làm đẹp... thì nên quản lý chặt.
Một câu hỏi được chuyển đến nhà báo Phạm Tuấn Anh - Phó tổng biên tập báo Dân trí: Báo Dân trí là một tờ báo mạng mạnh nhất hiện nay, bằng cách nào để tờ báo duy trì được sự phát triển ổn định?
Nhà báo Phạm Tuấn Anh cho biết: "Chúng tôi xác định rất rõ vai trò cũng như tôn chỉ mục đích của tờ báo Dân trí. Với mục đích là hướng tới giá trị nhân văn, nhân ái và nhân bản, báo Dân trí viết về các hoàn cảnh khó khăn, ghi nhận những tấm lòng nhân ái và các vấn đề xã hội văn hóa, giáo dục, chính trị, thời sự thiết thực khác nhằm đưa thông tin chính xác, nhanh, đa chiều đến bạn đọc một cách trung thực nhất. Chúng tôi xa rời các vấn đề mang tính giật gân câu khách để hướng đến giá trị nhân văn, nhân ái của tờ báo và vì thế chúng tôi có được bạn đọc, có được sự phát triển bền vững".
Xã hội hóa báo chí: cơ hội đầy thách thức
Thực hiện chính sách xã hội hóa một phần hoạt động báo chí là theo xu thế chung của thời đại, cũng là để giảm bớt nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, đồng thời gia tăng hiệu quả kinh tế hướng tới ngành truyền thông đa phương tiện.
Quan điểm của chúng ta là không có báo tư nhân nhưng lại khuyến khích tư nhân đầu tư xã hội hóa vào hoạt động báo chí. Các nhà đầu tư vào báo chí có hai mục đích: lợi nhuận kinh tế và xã hội. Trong đó yếu tố lợi nhuận được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Xã hội hóa báo chí nhưng để tờ báo tồn tại phát triển được, không xa rời mục đích tôn chỉ dẫn đến chạy theo lợi nhuận trước mắt là một đòi hỏi khắt khe cho lãnh đạo của các tờ báo.
Quảng Ninh được đánh giá cao trong công tác quản lý, định hướng và "tận dụng" sức mạnh truyền thông trong bối cảnh hiện nayĐể cụ thể vấn đề này, hội nghị trở lại với Báo Dân trí với nhiều ghi nhận tích cực trong kết quả xã hội hóa báo chí hiện nay. Nhà báo Phạm Tuấn Anh khẳng định: "Dân trí không được đầu tư từ ngân sách mà là bằng xã hội hóa. Tuy nhiên để tờ báo có vị thế được như ngày hôm nay, chúng tôi luôn luôn đặt trách nhiệm quản lý tờ báo lên hàng đầu. Về góc độ đơn vị chúng tôi quản lý chặt chẽ phối hợp xuyên suốt với các nhà đầu tư bên ngoài. Trách nhiệm cuối cùng, cao nhất thuộc về tờ báo trong việc xây dựng, đăng tải thông tin cũng như các hoạt động khác".
Lãnh đạo tờ báo phải là người chịu trách nhiệm cao nhất và cuối cùng trong việc quản lý có sự xã hội hóa trong báo chíHiện nay, sức cạnh tranh giữa các thông tin thiếu lành mạnh. Điều này đòi hỏi sự chọn lọc và sự quản lý sâu hơn trong lĩnh vực báo chí hiện nay.
Ông Hoàng Hữu Lượng nêu quan điểm: Nền báo chí hiện đại đang chứng minh cho một thực tế: Cái gì cao đẹp, hữu ích thì sẽ tồn tại. Chẳng hạn báo Dân trí đăng tải một bài văn hay của học sinh, lượng bạn đọc đông hơn rất nhiều so với thông tin về các vụ "cướp, giết, hiếp" mang tính câu khách.
Như vậy người làm báo hay nhà quản lý báo chí cần phải có cái tâm và cái nhìn nhạy bén về xã hội trong xu thế hội nhập. Cho phép xã hội hóa đang là một cơ hội nhưng quản lý và định hướng tờ báo đúng tôn chỉ, mục đích nhằm mang lại hiệu quả xã hội cũng như tính báo chí cao thì rõ ràng lại đặt chúng ta trước một thách thức lớn - ông Lượng kết luận.
Thu Hằng