1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phát tán thông tin bịa đặt về người khác có thể bị phạt 40-60 triệu đồng

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 40-60 triệu đồng, đối với hành vi làm ra và phát tán thông tin có nội dung thông tin bịa đặt, sai sự thật, xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.

Bộ Công an vừa công bố dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Theo thống kê của Bộ Công an, mạng xã hội là nơi thường xuyên diễn ra tình trạng đăng tải thông tin xấu độc, sai sự thật. Chỉ tính riêng tình hình dịch Covid-19, cơ quan công an đã xử lý hàng trăm trường hợp tung tin sai sự thật, tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong dư luận, có xử phạt vi phạm hành chính nhưng mức độ chưa đủ sức răn đe.

Tính đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép hoạt động cho 455 mạng xã hội trong nước. Một số mạng xã hội bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý, bảo mật, kiểm duyệt, kiểm soát thông tin công cộng, để cho người dùng đăng tải thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Phát tán thông tin bịa đặt về người khác có thể bị phạt 40-60 triệu đồng - 1

Bộ Công an đề xuất mức phạt nặng hành vi phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng hoặc thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác (Ảnh minh họa).

Hiện có khoảng 200 trang thông tin điện tử không phép, đăng ký "ẩn danh", máy chủ đặt tại nước ngoài hoạt động như tờ báo tư nhân trá hình, mạo danh các cơ quan, tổ chức trong nước đăng tải thông tin không chính thống từ nhiều nguồn, tin giả, tin sai sự thật.

Nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội có lượng thành viên lớn, đăng các bài viết bịa đặt, bình luận tiêu cực về các vấn đề chính trị, xã hội, sự kiện "nóng" trong nước, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc tin tức "giật gân".

"Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn nước ngoài né tránh thực hiện các quy định pháp luật về an ninh mạng, đáp ứng hạn chế các yêu cầu từ phía cơ quan chức năng Việt Nam, trong một số trường hợp không đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, hoạt động tán phát thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật vẫn diễn ra thường xuyên trên các nền tảng dịch vụ của Facebook, Youtube"- Bộ Công an cho hay.

Đề xuất nhiều mức phạt nặng

Từ đó, dự thảo nghị định đề xuất phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối hành vi phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự; phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật về chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng…

Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng hoặc thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; giả mạo trang thông tin điện tử, mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Mức phạt tiền từ 40-60 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi làm ra và phát tán thông tin có nội dung thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thiết lập các trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoặc tài khoản, chuyên trang trên mạng xã hội, diễn đàn điện tử để đăng tải, hướng dẫn thực hiện việc làm ra, đăng tải thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm, làm nhục, vu khống, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Điều 11 dự thảo nghị định đề xuất hàng loạt mức phạt đối với hành vi làm ra, phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng tới trật tự xã hội

Cụ thể, phạt tiền từ 20-40 triệu đồng với hành vi phát tán, tàng trữ thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Phạt tiền từ 40- 60 triệu đồng với hành vi đưa lên không gian mạng thông tin thuộc bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 60- 80 triệu đồng với hành vi không triển khai các biện pháp kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; không ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em;

Việc đăng tải, phát tán, chia sẻ, lưu trữ, trao đổi, sử dụng thông tin, hình ảnh, âm thanh có nội dung khiêu dâm, đồi trụy, bạo lực liên quan đến trẻ em hoặc kích động, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em theo dõi, chia sẻ, phát tán thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em cũng bị xem xét phạt tiền 60-80 triệu đồng...

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện, tài liệu vi phạm hành chính; cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh mạng.

Bộ Công an cho biết, sẽ lấy ý kiến đóng góp về dự thảo nghị định trên trong thời gian 2 tháng.