1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phát sinh hơn 110.000 vụ khiếu nại, tố cáo năm 2010

(Dân trí) - Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2010, cả nước phát sinh hơn 110.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo; tăng so với cùng kỳ năm trước 17%. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, UB Pháp luật của Quốc hội nhận định: tình hình khiếu nại tố cáo vẫn diễn biến phức tạp.

Báo cáo của Chính phủ trình bày tại Thường vụ Quốc hội sáng nay 27/9 cho biết, về khiếu nại, cả nước phát sinh gần 380.000 lượt đơn khiếu nại với gần 99.000 vụ việc, so với cùng kỳ năm 2009 tăng gần 30% số đơn và hơn 19% số vụ việc. Về tình hình tố cáo, cả nước phát sinh gần 23.000 lượt đơn tố cáo, với tổng số hơn 13.000 vụ việc, so với cùng kỳ năm 2009 tăng 29,3% đơn và tăng 4,8% số vụ việc.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Pháp luật, Nguyễn Văn Thuận cho rằng, tình hình khiếu nại, tố cáo không giảm và vẫn diễn biến phức tạp, phát sinh trên nhiều lĩnh vực, ở hầu hết các địa phương, trong đó, nhiều trường hợp khiếu nại kéo dài, vượt cấp, gay gắt. “Đó là vấn đề rất đáng phải suy nghĩ để tìm ra câu trả lời đích thực”, ông Thuận nói.

Góp ý với các báo cáo, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, ông rất băn khoăn khi tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khá cao, đời sống của người dân được cải thiện, nhưng số đơn khiếu kiện vẫn tăng trên 29%.

Cũng theo ông Hiển, bộ máy các bộ, địa phương cũng như chi phí cho sự vận hành của bộ máy, lương của cán bộ, công chức đều tăng, nhưng thực tế, hiệu quả lại không đi cùng.

Từ thực tế trên, ông Hiển đặt vấn đề, phải chăng quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh, phải chăng tăng trưởng kinh tế cao, nhưng việc giải quyết các vấn đề xã hội chưa thỏa đáng?

Đi vào một vấn đề cụ thể là trình độ quản lý, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, đội ngũ công chức chưa bắt kịp tình hình. Tại cấp xã, cán bộ chủ yếu mới phổ cập THCS nên nhiều khi làm sai vẫn không biết mình sai.

Cán bộ cấp xã chưa giải quyết được các vấn đề kinh tế, đất đai của địa phương, cán bộ cấp huyện cũng còn hạn chế nên khiếu nại, tố cáo tích tụ lại dồn lên các cấp bên trên. “Chúng ta chưa giải quyết được vấn đề con người để có thể xử lý theo cơ chế thì cũng rất khó”, ông Hiển nhấn mạnh.
 
Phát sinh hơn 110.000 vụ khiếu nại, tố cáo năm 2010 - 1
Ông Trần Thế Vượng: điều chỉnh cơ chế, chính sách cũng không giảm được khiếu nại

Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lại lập luận, nói cán bộ xã chưa được đào tạo nhiều cũng không sai, nhưng vấn đề ở chỗ, khiếu nại chủ yếu ở lĩnh vực đất đai (gần 70%) mà vấn đề đất đai là do cán bộ huyện giải quyết.

Nhưng nếu xét về cơ chế, chính sách, ông Vượng cũng nhìn nhận, không phải việc thay đổi, điều chỉnh chính sách trong lĩnh vực đất đai có thể giải quyết được vấn đề. Thực tế, sau mỗi lần tăng chế độ, chính sách cho đền bù giải phóng mặt bằng, số lượng khiếu nại lại tăng lên do những người được bồi thường theo mức cũ không hài lòng.

“Đừng nghĩ rằng sửa được chính sách trong luật Đất đai, khiếu nại tố cáo giảm đi, bởi như Nghị định 69, tăng chính sách gấp 1,5 đến 5 lần, nhưng đơn thư vẫn không giảm”, ông Vượng phân tích.

Để giải quyết thực trạng hiện nay, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình cho rằng, với 152 vụ việc phức tạp kéo dài (Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc, thậm chí có vụ Thủ tướng đã chỉ đạo) cần tập trung giải quyết dứt điểm trong năm tới.

Theo ông Bình, với các vụ việc này không nên nói, chỉ đạo địa phương tập trung giải quyết, bởi “địa phương đã giải quyết mãi rồi nhưng không được”. Tới đây, Thanh tra Chính phủ cần làm đầu mối phối hợp với các cơ quan bao gồm cả Quốc hội để giải quyết dứt điểm, không thể để kéo dài thêm.

Cũng theo ông Bình, với các cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết rốt ráo các vụ việc từ ban đầu. Kỷ cương kỷ luật trong giải quyết khiếu nại tố cáo phải được tăng cường. “Không biết các đồng chí có kết luận được bao nhiêu người có trách nhiệm giải quyết các vụ việc mà không giải quyết”, ông Bình nói.

Cấn Cường