1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phát hiện thêm hàng nghìn m2 đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng

Thái Anh

(Dân trí) - Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể báo cáo, quá trình vận hành, khai thác cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa qua đã phát hiện thêm những hư hỏng, thể hiện chất lượng của tuyến đường…

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 sắp diễn ra, Bộ trưởng GTVT cho biết, hư hỏng cục bộ trên mặt đường bắt đầu bộc lộ từ thời điểm tháng 9/2018 với tổng diện tích hư hỏng khoảng 89,10 m2/3.100.000 m2 tổng diện tích mặt đường (chiếm khoảng 0,003%).

Các hư hỏng này, theo ông Thể, đã được Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), các nhà thầu liên quan sửa chữa, khắc phục ngay trong năm 2018. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tiếp tục phát hiện thêm khoảng 2.700 m2 hư hỏng cục bộ mặt đường.

“Phần diện tích hư hỏng này đang được VEC (với trách nhiệm là chủ đầu tư dự án) chỉ đạo các nhà thầu kiểm tra, đánh giá nguyên nhân, xây dựng phương án để tiếp tục sửa chữa, khắc phục theo chỉ đạo của Bộ GTVT” - ông Thể báo cáo.

Phát hiện thêm hàng nghìn m2 đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng - 1
Tiếp tục phát hiện những hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Nhận định về các hư hỏng cục bộ mặt đường nêu trên, Bộ trưởng Giao thông khái quát, gồm ba loại chính: bong bật cục bộ lớp bê tông nhựa tạo thành ổ gà; mặt đường không êm thuận, bị hằn lún và trồi nhựa cục bộ; bù lún đường đầu cầu tạo sự êm thuận cho đoạn chuyển tiếp giữa đường và cầu (đối với các cầu khu vực nền đất yếu do theo quy trình thiết kế, nền đường đầu cầu tại các đoạn tuyến này vẫn còn lượng lún dư theo tính toán).

Trách nhiệm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, Bộ trưởng Thể khẳng định thuộc về các nhà thầu với nguồn lực thực hiện là kinh phí bảo hành công trình của nhà thầu theo quy định của hợp đồng và quy định tại Nghị định 46 năm 2015 của Chính phủ.

Theo đó, nhà thầu thi công vẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng đối với phần công việc do mình thực hiện kể cả sau thời gian bảo hành.

Nhìn nhận về trách nhiệm của Bộ GTVT, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện dự án, cơ quan này đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình.

Bộ trưởng thông tin, từ năm 2014 - 2018, lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan tham mưu thuộc Bộ đã tổ chức trên 50 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với dự án. Sau mỗi cuộc thanh, kiểm tra, Bộ Giao thông vận tải đều có văn bản chỉ đạo VEC chấn chỉnh.

Trong vai trò thành viên của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, theo ông Thể, Bộ GTVT đều chỉ đạo Chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan tiếp thu ý kiến của Hội đồng cũng như các đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện.

“Với chức năng người quyết định đầu tư, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành giao thông, Bộ GTVT đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, tổ chức hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với từng giai đoạn thực hiện dự án” - ông Thể nêu rõ.

Về phía Chủ đầu tư dự án (VEC), người đứng đầu ngành GTVT viện dẫn điểm b Mục 3.5.2 Cơ chế quản lý các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư được Bộ GTVT ban hành kèm theo Quyết định số 628/QĐ-BGTVT để chỉ ra: “VEC chịu trách nhiệm toàn diện theo thẩm quyền của chủ đầu tư trong quản lý chất lượng công trình.”

Thông tin về tình hình sửa chữa, khắc phục các tồn tại, hư hỏng tại dự án đến thời điểm này, ông Thể chia sẻ, do vướng mắc về nguồn vốn đầu tư nên các khối lượng công việc còn lại (vuốt nối nhánh nút giao Túy Loan, Hà Lam, Tam Kỳ, Bắc Quảng Ngãi) và việc thi công các nhánh nút giao Dung Quất, đường gom dân sinh, hàng rào… vẫn chưa được VEC triển khai thực hiện.

Đối với việc sửa chữa các hư hỏng mặt đường, công trình, hiện tại đã được VEC chỉ đạo đơn vị quản lý khai thác tuyến đường khắc phục tạm thời để đảm bảo giao thông.

“Tuy nhiên, việc sửa chữa chính thức chưa được VEC tổ chức thực hiện do dự án thuộc hiện trường vụ án điều tra, VEC chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tại Văn bản số 4516 năm 2019 gửi VEC” - ông Thể lưu ý.

Được biết, C03 đã yêu cầu VEC thống kê chi tiết, đầy đủ địa điểm, lý trình các vị trí hư hỏng cần sửa chữa, mô tả hiện tượng hư hỏng, diện tích hư hỏng và độ sâu cần sửa chữa, giải pháp sửa chữa; Chụp hình trước khi đào, trong khi đào để sửa chữa và sau khi kết thúc sửa chữa ở các vị trí hư hỏng; Thực hiện ghi nhận hư hỏng, sửa chữa có sự tham gia của giám định viên Phân Viện Khoa học công nghệ GTVT, Điều tra viên Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Kiểm sát viên Vụ 3 - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các đơn vị liên quan.

Cùng với đó, chủ đầu tư, ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát cũng được C03 yêu cầu thực hiện đánh giá nguyên nhân hư hỏng, nghiệm thu và chịu trách nhiệm về công trình sau khi sửa chữa theo quy định pháp luật về xây dựng công trình. 

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài 139,2 km gồm 2 đoạn tuyến: Đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ (Km0 - Km65) sử dụng vốn vay ODA của JICA và đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi (Km65 - Km139+204) sử dụng vốn vay thương mại của WB.

Dự án được khởi công ngày 19/5/2013 nhưng đến nay mới đạt 96,1% tổng giá trị các hợp đồng do còn một số nhánh nút giao, một số đường gom, đường ngang dân sinh và một số đoạn hàng rào bảo vệ chưa hoàn thành. Nguyên nhân do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, người dân địa phương cản trở thi công cùng các bất cập trong vấn đề tổ chức nhân sự và chỉ đạo điều hành của VEC cũng như vướng mắc về nguồn vốn để triển khai tiếp các khối lượng còn lại.