1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Phát hiện rừng đỗ quyên ngàn năm tuổi trên dãy Trường Sơn

(Dân trí) - Huyện Tây Giang và Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh vừa có chuyến khảo sát đỉnh núi Arung (nằm trên dãy núi Trường Sơn, thuộc địa phận thôn Abanh 2, xã Tr’hy) và phát hiện ra khu rừng đỗ quyên nguyên sinh cổ thụ ngàn năm tuổi.

Ngoài cây đỗ quyên, nơi đây còn có một số loại cây đặc hữu như thông 5 lá, cây dầu chổi cổ thụ, ngọc cẩu, lan kim tuyến, lan gấm và một số loài cây lá kim khác. Ước tính tổng diện tích khu rừng này khoảng 50 ha nằm ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển.

Rừng đỗ quyên nhìn từ trên cao
Rừng đỗ quyên nhìn từ trên cao

Khí hậu ở đây luôn ẩm ướt, mưa thường xuyên, nhiệt độ không quá 15độC nên toàn bộ các loại cây ở khu rừng này đều phủ lớp rêu dày bao phủ trông rất kỳ bí và đáng sợ... Nhiều người ví khu rừng giống như khu rừng ma nổi tiếng ở Bắc Âu.

Theo kỹ sư Trần Ngọc Toàn (thuộc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh) - tham gia cùng đoàn khảo sát thực địa – cho biết, quần thể rừng trên đỉnh núi Arung thuộc hệ sinh thái rừng trong vùng khí hậu Á nhiệt đới. Các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, một số loài nằm trong sách đỏ Việt Nam.

Khu rừng đỗ quyên cổ thụ trông rất kỳ bí
Khu rừng đỗ quyên cổ thụ trông rất kỳ bí

Ông Toàn cũng cho hay, một số loài cây được phát hiện trong chuyến khảo sát lần này như quần thể đỗ quyên khá rộng, thông 5 lá, các loại cây thuốc như lan gấm, lan kim tuyến, dạ cẩm, ngọc cẩu… đây là các loài rất quý hiếm và nguy cấp tại Việt Nam; chắc chắn còn rất nhiều loài quý hiếm khác tồn tại ở quần thể rừng này.

Già làng Riáh Danh (thôn ABanh 2) cho biết, khu rừng này cách xa khu dân cư, điều kiện đi lại quá khó khăn nên trước đây người dân ít ai biết tới. Sau này, cũng có nhiều người đến nhưng nhìn thấy sự “rùng rợn” của khu rừng này, nên người dân sợ, cho đây là khu rừng Abui (rừng ma) nên không ai dám đến.

Bí thư huyện Tây Giang – ông Bhríu Liếc (thứ 2 từ trái sang) – cùng đoàn đi khảo sát
Bí thư huyện Tây Giang – ông Bhríu Liếc (thứ 2 từ trái sang) – cùng đoàn đi khảo sát

Ông Bhríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết sắp tới ông sẽ báo cáo với tỉnh, làm việc Hội Bảo vệ Thiên nhiên Việt Nam và một bộ ngành liên quan xin thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia để bảo vệ loài cây quý hiếm này.

Hiện huyện Tây Giang đã có hướng mở đường công vụ vào khu vực này, mục đích phục vụ cho du lịch thám hiểm.

Công Bính