1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Kiên Giang:

Phát hiện một số loài động, thực vật quý hiếm tại VQG Phú Quốc

Mới đây, Vườn Quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang) và Trung tâm cứu hộ động vật đã tiến hành đợt điều tra dài ngày nhằm bổ sung các thành phần của từng loài động, thực vật, côn trùng và cá nước ngọt vào danh mục động, thực vật tại Vườn.

Qua nghiên cứu, khảo sát đã phát hiện thêm một số loài động, thực vật quý hiếm mang tính chất bản địa tiêu biểu vẫn còn hiện hữu tại Vườn Quốc gia Phú Quốc như: lợn rừng, dơi quạ, khỉ...; đặc biệt là phát hiện mới Nhãn Diệp lưỡi đỏ và Ái Lan lá dẹp được ghi nhận lần đầu tiên ở Việt Nam.

Hiện nay, khu vực rừng Vườn Quốc gia Phú Quốc, nằm trên địa bàn các xã Bãi Thơm, Cửa Dương, Hàm Ninh còn giữ được nguyên vẹn khu rừng già nguyên sinh với động, thực vật phong phú, góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu khoa học và gìn giữ môi trường sinh thái trên đảo.

Vườn Quốc gia Phú Quốc có tổng diện tích hơn 31.422 ha, chia làm 3 phân khu chức năng, gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính - dịch vụ nghiên cứu khoa học. Theo ông Nguyễn Văn Tiệp, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc, từ khi thành lập năm 2001 đến nay, nhất là khi Vườn được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, công tác bảo tồn ở đây thực hiện một cách nghiêm ngặt. Do đó, số lượng các loài động vật và thực vật ngày càng phát triển phong phú, đa dạng.

Các loài động, thực vật ở Vườn tăng cả về chất lượng và số lượng. Hệ động vật bao gồm: 30 loài thú, trong đó 5 loài được ghi vào sách Đỏ Việt Nam như sói rừng, khỉ bạch, vượn pillê…; 200 loài chim, với 4 loài được ghi vào danh mục Đỏ của tổ chức IUCN (Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế) và 3 loài ghi vào sách Đỏ Việt Nam; 50 loài bò sát, trong đó 9 loài được ghi vào danh mục IUCN và 18 loài ghi vào sách Đỏ Việt Nam… Hệ thực vật, với 1.164 loài thực vật bậc cao. Riêng phong lan có 80 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm vừa phát hiện như: Lan Vân Hài, Ái Lan lá dẹp, Âm Lan Núi… Thảm thực vật ở đây chủ yếu là rừng thường xanh mọc trên địa hình đồi núi thấp với tổng số lượng lên tới vài trăm loài.

Ngoài việc phục hồi hệ sinh thái, hiện nay Vườn Quốc gia Phú Quốc đã đưa cây dầu long vào trồng thử nghiệm xen lẫn với sinh cảnh rừng tràm trong vùng đất cát. Cùng với đó, Vườn Quốc gia Phú Quốc tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Khoa học nhiệt đới Việt - Nga, Viện Khoa học Công nghệ và quản lý môi trường và các trường đại học tiến hành điều tra các loài động vật hiện hữu như: heo rừng, dơi quạ, khỉ và các loài kiến, bò sát, ếch, nhái, chim; khảo sát cấu trúc sinh thái thảm thực vật dự án trong Vườn quốc gia; đồng thời lấy mẫu đất và đánh giá tác động của việc xói mòn có khả năng ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của rừng.

Hàng năm, Vườn Quốc gia Phú Quốc đều xây dựng phương án và triển khai phương án bảo vệ, chủ yếu tập trung vào việc phòng chống cháy rừng; phối hợp với các địa phương nằm trên lâm phần triển khai những văn bản của Chính phủ, tỉnh kết hợp tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng.

Lê Sen
TTXVN