1. Dòng sự kiện:
  2. Phá tòa "Hàm cá mập", cải tạo không gian quanh hồ Gươm

Phát hiện 110 mỏ khoáng sản quý ở Tây Bắc

Thế Kha

(Dân trí) - Đề án Tây Bắc đã phát hiện và đánh giá 110 mỏ khoáng sản, gồm 25 loại khác nhau như đất hiếm, thiếc wolfram, vàng, đồng, antimon, đá mỹ nghệ, đá vôi công nghiệp.

Ngày 28/3, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức lễ công bố kết quả "Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội (Đề án Tây Bắc)".

Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Trần Bình Trọng, cho biết, Đề án Tây Bắc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017. Đây là một trong những đề án điều tra địa chất cơ bản lớn nhất cả nước, có quy mô rộng, đối tượng đa dạng, thời gian thực hiện kéo dài gần 8 năm.

Phát hiện 110 mỏ khoáng sản quý ở Tây Bắc - 1

Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Trần Bình Trọng (Ảnh: Thủy Nguyễn).

Đến nay, đề án đã hoàn thành toàn bộ khối lượng được giao, nổi bật là việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên 13.081km2, thực hiện 498 lỗ khoan với tổng chiều sâu hơn 46.000m, trong đó 90% lỗ khoan gặp thân quặng.

Một thành tựu quan trọng của đề án, theo ông Trọng, đã phát hiện và đánh giá 110 mỏ khoáng sản, gồm 25 loại khác nhau như đất hiếm, thiếc wolfram, vàng, đồng, antimon, đá mỹ nghệ, đá vôi công nghiệp… Trong đó có 17 mỏ quy mô lớn, 43 mỏ trung bình và 50 mỏ nhỏ, vượt gấp đôi mục tiêu ban đầu đề ra.

Đề án cũng dự báo 15 diện tích phân bố đá magma có tiềm năng khoáng sản chiến lược; điều tra chi tiết 3 khu vực địa nhiệt ở Điện Biên, Lai Châu và Sơn La; hoàn thành bản đồ địa chất - khoáng sản tỷ lệ 1:250.000 toàn khu vực Bắc Bộ và tỉnh Nghệ An.

Phát hiện 110 mỏ khoáng sản quý ở Tây Bắc - 2

Mỏ đất hiếm xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái (Ảnh: Văn Đức).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên đánh giá, đề án có ý nghĩa quan trọng, góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản và phục vụ mục tiêu phát triển bền vững khu vực Tây Bắc.

Ông Kiên đề nghị các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quản lý tài nguyên khoáng sản. Đồng thời nâng cao năng lực giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

"Bộ Nông nghiệp và Môi trường cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, đóng góp tích cực cho sự phát triển Tây Bắc nói riêng và sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước nói chung", ông Kiên nhấn mạnh.