Phát biểu quan trọng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Liên Hợp Quốc
(Dân trí) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi chấm dứt bao vây, cấm vận đơn phương đối với Cuba; kêu gọi ngừng bắn toàn cầu, chấm dứt tất cả các hành động bạo lực, bảo vệ thường dân…
Các vấn đề trên được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bài phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa họp 76 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 22/9 (theo giờ New York). Phiên thảo luận có chủ đề: "Cùng vững tin và tự cường - hướng tới phục hồi sau Covid-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ Liên Hợp Quốc".
Đại dịch, xung đột và các vấn đề toàn cầu
Trong bối cảnh hết sức đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 đang tiếp tục hoành hành trên toàn cầu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng không có con số thống kê nào có thể đo đếm được nỗi đau và mất mát trong đại dịch Covid-19, trên hết là những mất mát về người, cùng với đó là những thiệt hại to lớn về kinh tế, những tác động sâu sắc đối với xã hội và sự thụ hưởng quyền của người dân.
"Đại dịch là hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về sức tàn phá khủng khiếp của các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh hay biến đổi khí hậu nếu không được quan tâm, xử lý từ sớm, từ xa. Đại dịch cũng đã làm bộc lộ rõ hơn bao giờ hết những hạn chế, bất cập sâu sắc của hệ thống quản trị toàn cầu, cũng như tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao vai trò của các tổ chức Liên Hợp Quốc và các cơ chế đa phương, nhất là COVAX trong thúc đẩy tiếp cận công bằng vắc xin và thuốc điều trị Covid-19.
Để sớm đẩy lùi Covid-19, cần tăng cường hợp tác và đoàn kết trên tinh thần trách nhiệm và sẻ chia, nhất là ưu tiên cung cấp vắc xin cho người dân những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng vắc xin.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các nước thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính cho phát triển, hỗ trợ các nước đang phát triển được giãn nợ, cung cấp thêm nguồn lực cho phòng chống Covid-19 và phục hồi, biến cơ hội thành những thành quả phát triển.
Trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đề cập tới nhiều vấn đề khác trong bối cảnh thế giới hiện nay và cho rằng đại dịch không phải là thách thức lớn nhất và duy nhất hiện nay, khi hệ thống quan hệ quốc tế đang bị phân tán, chia rẽ và bất ổn dưới tác động của gia tăng căng thẳng giữa các nước lớn; các tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu đang đặt ra vô cùng cấp bách…
Chủ tịch nước nhấn mạnh tới tình hình xung đột, chiến tranh trên thế giới đang cướp đi bao sinh mạng vô tội, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên ở nhiều khu vực có nguy cơ bùng phát. Các hành động phớt lờ luật pháp quốc tế, cưỡng ép đơn phương, cản trở các nước thực hiện quyền hợp pháp vẫn diễn ra ở nhiều khu vực.
Việt Nam kêu gọi dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, điều kiện tiên quyết cho phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch là phải bảo đảm được môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới. Việt Nam kêu gọi ngừng bắn toàn cầu, chấm dứt tất cả các hành động bạo lực, bảo vệ thường dân, tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo tại các vùng xung đột.
"Việt Nam đã phải trải qua hàng thập kỷ hy sinh chiến đấu chống xâm lược để giành độc lập, thống nhất dân tộc, vượt qua bao vây, cấm vận và đã phát huy nội lực, đề cao tự cường, tự tin nỗ lực hòa mình trong dòng chảy thời đại để có tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Chúng tôi càng thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa của "không có gì quý hơn độc lập tự do," của hòa bình và phát triển cho mỗi quốc gia. Chúng tôi lên án mọi hành động chiến tranh, áp đặt cường quyền, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
Hơn lúc nào hết, mọi chủ thể của quan hệ quốc tế, với vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc, cần thể hiện thiện chí, đóng góp trách nhiệm, tránh gây căng thẳng, đối đầu, cùng nhau nỗ lực tái định hình các mối quan hệ quốc tế và bồi đắp lòng tin giữa các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ quốc gia, giải quyết hòa bình tranh chấp.
"Một lần nữa, từ diễn đàn trọng thể này, chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Cuba, kêu gọi chấm dứt bao vây, cấm vận đơn phương đối với Cuba. Chúng tôi mong tình hình Afghanistan sớm ổn định để người dân Afghanistan, nhất là phụ nữ và trẻ em, được sống trong hòa bình. Chúng tôi ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine và giải pháp hai nhà nước để thành lập một Nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại hòa bình với Nhà nước Israel" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quan điểm của Việt Nam tại diễn đàn Liên Hợp Quốc.
Nêu cao tinh thần "đối tác vì nền hòa bình bền vững"
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, sau hơn 35 năm đổi mới toàn diện, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 - nhân dịp 100 năm Việt Nam giành độc lập.
Việt Nam kiên định và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên tích cực, đóng góp trách nhiệm vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam cùng quan điểm của ASEAN và chia sẻ tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển UNCLOS 1982; thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và hướng đến hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam trân trọng cảm ơn các nước đã tin tưởng trao cho Việt Nam trọng trách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Trong hai năm qua, Việt Nam luôn nêu cao tinh thần "Đối tác vì nền hòa bình bền vững," đề cao đối thoại, hợp tác, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết các xung đột.
"Việt Nam đã thúc đẩy các nội dung mới và thiết thực, đáp ứng quan tâm chung về đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác với tổ chức khu vực, ngăn ngừa xung đột, giải quyết hậu quả bom mìn, bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang... Quốc kỳ của Việt Nam đang tung bay tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và sắp tới sẽ hiện diện tại nhiều Phái bộ Liên Hợp Quốc ở các quốc gia khác" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Với nguyện vọng tiếp tục đóng góp cho công việc chung, Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 và các cơ chế quan trọng khác của Liên Hợp Quốc, mong muốn nhận được sự ủng hộ của các nước.
"Chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, song Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ cùng người dân trên toàn thế giới chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương, hợp tác để cùng nhau sớm chiến thắng đại dịch, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển phồn vinh, người dân hạnh phúc. Đó sẽ là chiến thắng vĩ đại của tất cả chúng ta" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kết thúc bài phát biểu.