Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Đặc phái viên Tổng thống Mỹ
(Dân trí) - Ngày 21/9 (giờ New York), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc trao đổi với Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ - ông John Kerry - về biến đổi khí hậu.
Cuộc gặp diễn ra bên lề ngày hoạt động đầu tiên của chuyến tham dự phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 76 tại New York, Mỹ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi gặp lại ông John Kerry, người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam, người có nhiều đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.
Nhà lãnh đạo Việt Nam chia sẻ những kết quả hai nước đã đạt được sau hơn 25 năm thiết lập, thúc đẩy quan hệ phát triển ổn định, đi vào chiều sâu và khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Mỹ, mong muốn tiếp tục hợp tác với Mỹ nhằm duy trì đà phát triển của quan hệ hai nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những sáng kiến thúc đẩy nỗ lực chung toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu của Chính quyền Tổng thống Biden; khẳng định các quốc gia cần chung tay hỗ trợ lẫn nhau để ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả nhất.
Chủ tịch nước đề nghị Việt Nam và Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này bao gồm phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới thông qua các cơ chế song phương và đa phương. Việt Nam cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc phái viên John Kerry bày tỏ vui mừng được gặp lại Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định Mỹ tiếp tục coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam.
Ông John Kerry nhấn mạnh quyết tâm và nỗ lực của Mỹ để thực hiện cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ứng phó với vấn đề toàn cầu này.
Cũng trong chiều 21/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass.
Chủ tịch nước đánh giá cao quan hệ đối tác Việt Nam - Ngân hàng Thế giới, khẳng định các dự án và ý kiến tư vấn chính sách của Ngân hàng Thế giới đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội Việt Nam, giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả đồng thời vượt qua các tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực.
Chủ tịch nước cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 6,2 triệu USD năm 2020 và ủng hộ cho phép Việt Nam hoãn trả nợ nhanh các khoản IDA để dành nguồn lực mua vắc xin, sinh phẩm, thiết bị y tế cần thiết để nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh. Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, phòng chống dịch bệnh đồng thời nỗ lực đảm bảo duy trì các hoạt động kinh tế, sản xuất, chuỗi cung ứng, hướng tới thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề xuất các biện pháp để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, trong đó có việc đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục tư vấn chính sách cho Việt Nam phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như tiếp tục hỗ trợ Việt Nam được ưu tiên tiếp cận và mua vắc xin, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin tại Việt Nam.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass đánh giá cao và ấn tượng trước những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 cũng như phục hồi kinh tế trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Ông David Malpass cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới trong thời gian qua, nhấn mạnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc phòng chống Covid-19 và đẩy mạnh tư vấn chính sách giúp Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.