1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Phạt báo chí 100 triệu đồng”: Dễ tạo thành quy định “hành” báo chí!

(Dân trí) - Việc Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung mức phạt rất nặng khi báo chí thông tin sai về lĩnh vực thống kê, thị trường, giá cả hàng hóa,... đã tạo ra những phản ứng, ý kiến không đồng tình trong giới báo chí cũng như cơ quan quản lý báo chí.

"Bất hợp lý"

Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 16/1, một lãnh đạo cấp phòng thuộc Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ này sẽ sớm có ý kiến chính thức góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật do Bộ Tư pháp soạn thảo.

“Trước đây đã thống nhất rồi, là không nên quy định thêm hành vi vi phạm của báo chí bị xử phạt. Tuy nhiên việc Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung thêm Điều 8a vào sau Điều 8 của Nghị định 159/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản là bất hợp lý. Mức phạt mà họ đề xuất khi báo chí thông tin sai về lĩnh vực thống kê, thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ cũng rất bất hợp lý, bởi với mức phạt 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức, cơ quan báo chí, xuất bản đã tương đương với mức phạt kịch khung trong lĩnh vực này mà Quốc hội quy định rồi”- vị này phân tích.

Phóng viên các báo phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường bên hành lang Quốc hội.
Phóng viên các báo phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường bên hành lang Quốc hội.

Hơn nữa, việc Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung phạt nặng đối với hành vi thông tin sai trong các lĩnh vực này sẽ tạo ra tiền lệ để các ngành khác cũng đưa ra đề xuất tương tự. “Đơn cử như ngành y tế chẳng hạn, họ cũng bảo là sức khỏe, tính mạng con người là rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn những ngành trên thì phải bổ sung mức phạt nặng khi báo chí thông tin sai thì sao? Rồi ngành môi trường, văn hóa, thể thao, du lịch,… cũng có thể đưa ra các lý lẽ “đặc thù” của mình để đề xuất thì giải quyết thế nào?” - vị này băn khoăn.

"Cần thông tin chính xác hơn nữa cho báo chí"

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết, việc bổ sung các quy định liên quan đến xử phạt báo chí thông tin sai sự thật cần phải được đặt trong tổng thể tình hình xã hội. “Xã hội ta cái gì cũng quan trọng, không nên đặt cái này cái kia lên trên để sau này thấy thiếu lại phải bổ sung. Tôi thấy rằng các cơ quan xây dựng quy định liên quan đến xử phạt báo chí phải xem xét một cách tổng thể hơn”- ông Huệ nói.

Hơn nữa, theo ông Huệ, đề xuất xử phạt báo chí của Bộ Tư pháp nếu được chấp thuận cũng sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền. “Nếu chỉ quy định như thế thì chưa đủ căn cứ để cơ quan thi hành thực hiện”- ông Huệ nhìn nhận.

Đề xuất bổ sung phạt nặng báo chí của Bộ Tư pháp dễ tạo tiền lệ xấu
Ông Hà Minh Huệ cho rằng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cơ quan quản lý nhà nước là ban hành các quy định về cung cấp thông tin cho báo chí nhanh, mạnh, chính xác hơn nữa.

Ông Huệ cho rằng Chính phủ đã có quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin và báo chí phải được cung cấp thông tin đầy đủ nhất. Chính vì thế nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và phải được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hơn nữa chính là ban hành các quy định về cung cấp thông tin nhanh, mạnh, chính xác hơn nữa cho báo chí chứ không phải là chăm chăm lo xử phạt báo chí viết sai.

“Việc quy định như thế nào thuộc trách nhiệm của cơ quan xây dựng. Nhưng tôi cho rằng xây dựng quy định về vấn đề này phải có cái nhìn tổng thể, tuân thủ các quy định pháp luật khác nữa và đặc biệt là không tùy tiện để (cho rằng) lĩnh vực nào nhạy cảm hơn thì phạt nhiều tiền hơn được”- ông Huệ bày tỏ quan điểm.

"Dễ tạo tiền lệ xấu"

Nhà báo Phan Lợi - Trưởng văn phòng đại diện báo Pháp luật TPHCM tại Hà Nội - bày tỏ quan điểm: Việc thông tin sai trong bất cứ một lĩnh vực nào đó là điều báo chí không bao giờ mong muốn. Các ngành bức xúc khi báo chí thông tin sai cũng là điều chính đáng, nhưng việc đề xuất bổ sung hình thức xử phạt với một số lĩnh vực như Bộ Tư pháp đang làm chẳng khác nào đã “lấn sân” Bộ Thông tin và Truyền thông. Đặc biệt khi Nghị định 159/2013 do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đã có Điều 8 quy định nhiều mức xử phạt đối với hành vi thông tin sai sự thật trên báo chí. Tùy thuộc vào mức độ “sai chưa nghiêm trọng”, “sai nghiêm trọng” hoặc “sai rất nghiêm trọng”, Điều 8 Nghị định 159/2013 đã quy định mức phạt rất lớn và bao quát tất cả các mặt của đời sống xã hội rồi.

“Nếu cho rằng việc bổ sung hình phạt với lĩnh vực thống kê, thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ vì “có tính đặc thù” thì vô hình chung Bộ Tư pháp đã coi những ngành đó quan trọng hơn những ngành khác của đất nước như thông tin của ngành công an, an ninh quốc phòng, sức khỏe con người. Nó sẽ tạo tiền lệ xấu để các ngành khác cũng đề xuất bổ sung các Điều 8b, Điều 8c, Điề 8d,… xử phạt khi báo chí thông tin sai về lĩnh vực của mình vào Nghị định 159/2013. Lúc ấy Nghị định 159 sẽ nát bét và chỉ lo chạy theo phục vụ mong muốn duy ý chí của các ngành mà thôi”- ông Phan Lợi phân tích.

Phóng viên các báo phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường bên hành lang Quốc hội.
Nhà báo Phan Lợi bày tỏ nhiều lo ngại trước việc Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung Điều 8a vào Nghị định 159/2013.

Ông Phan Lợi cho rằng đề xuất bổ sung Điều 8a của Bộ Tư pháp sẽ khiến những lo ngại trước đây của báo chí về việc loạn xử phạt còn nguyên vẹn. “Việc đưa thêm Điều 8a rất bất hợp lý, tác động tới tính phản biện của báo chí về chính sách do các bộ ngành xây dựng, ban hành và trái với tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ ngày hôm qua về việc các cơ quan nhà nước phải chủ động cung cấp, giải trình vấn đề mà dư luận xã hội đã nêu, đang quan tâm”- ông Lợi nêu quan điểm.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho rằng nghị định về xử phạt vi phạm của báo chí, xuất bản chỉ nên quy định những nguyên tắc chung chứ không nên đi sâu vào quy định chi tiết xử phạt đối với việc thông tin sai ở từng ngành, lĩnh vực. “Nếu quy định chi tiết về việc xử phạt khi báo chí đưa tin sai về lĩnh vực nào đó thì chẳng khác nào trao thẩm quyền cho ngành đó cũng có quyền xử phạt báo chí. Bây giờ có hơn 100 ngành nghề và nếu ngành nghề nào cũng cho rằng mình quan trọng, đòi hỏi phải có quy định xử phạt khi báo chí thông tin sai về lĩnh vực của mình thì không nên chút nào”- ông Hậu phân tích.

Đề xuất bổ sung phạt nặng báo chí của Bộ Tư pháp dễ tạo tiền lệ xấu
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng đề xuất của Bộ Tư pháp vừa thừa, vừa thiếu và dễ tạo thành quy định "hành" báo chí.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, đề xuất có phần “ưu ái” cho một số ngành như Bộ Tư pháp đã làm dễ khiến các ngành khác “tị nạnh” và cũng đưa ra đề xuất phải có chế tài xử phạt riêng cho ngành mình khi báo chí thông tin sai. Lúc đó Nghị định 159/2013 Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản sẽ không chỉ có Điều 8, Điều 8a (đề xuất của Bộ Tư pháp) mà có thể sẽ có thêm Điều 8c, Điều 8d,… “Tôi cho rằng Nghị định 159/2013 đã quy định khá đầy đủ rồi, nếu quy định thêm rõ từng ngành như đề xuất của Bộ Tư pháp sẽ vừa thừa, vừa thiếu, tạo thành quy định “hành” báo chí”- ông Hậu nêu chính kiến.

Như Dân trí đã thông tin, Bộ Tư pháp vừa đưa ra lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật. Trong đó đáng quan tâm nhất là việc Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ bổ sung thêm Điều 8a sau Điều 8 của Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. 

Điều 8a đề xuất phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát sai lệch các thông tin thống kê đã được cơ quan có thẩm quyền công bố;  phạt tiền từ 75-100 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.

 Thế Kha