1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ Tư pháp xin ý kiến về quy định "xử phạt báo chí 100 triệu đồng"

(Dân trí) - Bộ Tư pháp xin ý kiến Chính phủ về việc có nên bổ sung quy định xử phạt đối với báo chí khi có hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật về các lĩnh vực quản lý nhà nước như thống kê, tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ.

Theo Bộ Tư pháp, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật, đa số các bộ, ngành đồng ý với nội dung cơ bản của dự thảo. Tuy nhiên, qua thảo luận giữa các bộ ngành liên quan vẫn còn  một vấn đề có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến của Chính phủ. Đó là việc có cần thiết bổ sung Điều 8a sau Điều 8 trong Nghị định số 159/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản hay không?

C
Các bộ đều nghiêng về phương án bổ sung quy định xử phạt báo chí thông tin sai, với mức cao nhất lên tới 100 triệu đồng

Cụ thể, Điều 8a đề xuất phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát sai lệch các thông tin thống kê đã được cơ quan có thẩm quyền công bố; phạt tiền từ 75-100 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường. Đồng thời, cơ quan báo chí, xuất bản buộc phải khắc phục hậu quả thông qua việc cải chính, xin lỗi về thông tin đã bị đăng, phát sai lệch và tiêu hủy, tịch thu các ấn phẩm có nội dung thông tin sai phạm.

Theo Bộ Tư pháp, loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần thiết phải bổ sung Điều 8a bởi hành vi thông tin sai sự thật trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí mới chỉ quy định chung, chưa phản ánh đúng bản chất của hành vi vi phạm trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước đặc thù như lĩnh vực thống kê, giáo dục, quản lý giá, năng lượng nguyên tử.... Hơn nữa, đối tượng thực hiện hành vi đăng, phát, đưa tin sai sự thật trong các nghị định xử phạt vi phạm hành chính rất rộng, không chỉ riêng cơ quan báo chí mà còn có cá nhân, cơ quan, tổ chức khác. Ví dụ, trong lĩnh vực giáo dục thì việc đưa tin sai sự thật có thể là các cơ sở đào tạo, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và các cá nhân, tổ chức khác, trong đó không loại trừ báo chí; tương tự như vậy đối với các lĩnh vực khác như thống kê, khí tượng thủy văn, quản lý giá…

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa đối với từng lĩnh vực quản lý nhà nước có sự khác nhau. Chính điều này lý giải cho việc các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định hành vi vi phạm tương tự nhưng có hình thức và mức xử phạt khác nhau. Đơn cử như việc cùng hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật, nhưng nếu là hành vi này trong lĩnh vực thống kê sẽ gây ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách trên bình diện toàn quốc, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tầm quốc tế; hay hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ gây tâm lý hoang mang trong toàn xã hội và bất ổn thị trường; thông tin sai sự thật về kỳ thi sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, gia đình của học sinh. Chính vì cùng một hành vi vi phạm nhưng xảy ra ở lĩnh vực khác nhau thì có hậu quả khác nhau, nên quy định mức phạt khác nhau đối với cùng hành vi vi phạm tại các nghị định xử phạt là có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên loại ý kiến thứ hai lại cho rằng không nên bổ sung Điều 8a vào Nghị định 159/2013 vì quy định tại Điều 8 Nghị định 159 đã bao quát hết các vi phạm nội dung thông tin trong các lĩnh vực và tính chất mức độ vi phạm để áp dụng mức phạt phù hợp.

Trong dự thảo tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tư pháp cho biết đa số ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ (gồm Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đều cho rằng loại ý kiến thứ nhất là hợp lý, phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong quá trình thực hiện pháp luật.

Theo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan soạn thảo nghị định này theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Thế Kha