Báo chí có thể bị phạt 100 triệu đồng nếu đăng tin sai sự thật
(Dân trí) - Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung xử phạt tiền từ 75-100 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.
Bộ Tư pháp vừa đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật.
Xác định đây là một vấn đề nhạy cảm, có liên quan đến quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân đã được quy định trong Hiến pháp nên Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định hành vi liên quan đến thông tin sai sự thật (đăng, phát, cung cấp, công bố, đưa tin) lĩnh vực báo chí tại Nghị định số 159/2013; lĩnh vực quản lý giá tại Nghị định số 109/2013; lĩnh vực thống kê ở Nghị định số 79/2013/NĐ-CP; lĩnh vực giáo dục ở Nghị định số 138/2013/NĐ-CP; lĩnh vực khí tượng thủy văn tại Nghị định số 173/2013/NĐ-CP…
Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung các mức phạt rất nặng đối với báo chí.Trên cơ sở rà soát hành loạt quy định do các bộ ngành xây dựng đòi “xử” báo chí, Bộ Tư pháp đã tổ chức các cuộc họp liên ngành để trao đổi về vấn đề một số báo phản ánh trong thời gian vừa qua. Theo Bộ Tư pháp, đa số các bộ đều thống nhất cho rằng mục đích của việc quy định hành vi liên quan đến thông tin sai sự thật trong một số nghị định xử phạt vi phạm hành chính nêu trên là phạt cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật, nhưng do mô tả hành vi tại các nghị định chưa thật sự rõ ràng nên có thể hiểu phạt đối với cơ quan báo chí và nhà báo.
Để giải quyết tình trạng nêu trên, đầu năm 2014 Bộ Tư pháp đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về xử lý thông tin báo chí phản ánh vấn đề xử phạt đối với báo chí đưa tin sai sự thật, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nghị định xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước theo hướng: mô tả rõ hành vi cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật áp dụng đối với cá nhân, tổ chức (không bao gồm cơ quan báo chí và nhà báo). Đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật do cơ quan báo chí thực hiện; hành vi cung cấp thông tin sai sự thật cho báo chí do nhà báo thực hiện thống nhất đưa về nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, cụ thể là Nghị định số 159/2013/NĐ-CP. Việc xử phạt các hành vi vi phạm này sẽ do cơ quan quản lý nhà nước về báo chí thực hiện. Mức phạt đối với các hành vi này được giữ nguyên mức phạt tại các nghị định xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Riêng đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật được quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác, Bộ Tư pháp cho biết sẽ thực hiện sửa đổi, bổ sung theo hướng mô tả rõ hơn hành vi như cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật tại các nghị định cụ thể. Đối tượng bị xử phạt đối với các hành vi vi phạm này là cá nhân, tổ chức, cơ quan khác (không bao gồm cơ quan báo chí và nhà báo) và do các cơ quan có thẩm quyền xử phạt.
Tuy nhiên điểm đáng chú nhất chính là việc tại bản dự thảo nghị định vừa được công bố, Bộ Tư pháp đã đề xuất Chính phủ bổ sung thêm Điều 8a sau Điều 8 của Nghị định 159/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản với các nội dung như sau:
Điều 8a. Vi phạm quy định về đăng, phát thông tin sai sự thật trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước
1. Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát sai lệch các thông tin thống kê đã được cơ quan có thẩm quyền công bố.
2. Phạt tiền từ 75-100 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính, xin lỗi đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.
b) Buộc đính chính thông tin thống kê đã bị đăng, phát sai lệch đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
c) Buộc tiêu hủy hoặc tịch thu tiêu hủy các ấn phẩm có nội dung thông tin sai phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Trao đổi nhanh với PV Dân trí sáng nay 15/1, nhiều nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội cho rằng việc bổ sung quy định xử phạt nặng đối với việc thông tin của các cơ quan báo chí như đề xuất của Bộ Tư pháp là không hợp lý.
Thế Kha