1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phận người ở khu chung cư cao cấp

(Dân trí) - Để có được một căn hộ trong khu đô thị mới hiện đại vào bậc nhất ở Hà Nội, nhiều người đã dồn hết gia sản cả một đời tích cóp. Những tưởng sẽ được tận hưởng những giá trị của “cái mới”; không ngờ bên trong những toà nhà hiện đại ấy, người dân đang phải sống với những nỗi khổ “ngấm ngầm”.

Kỳ 1: Sau 3 năm vẫn lùng nhùng nước sạch, nước bẩn

 

Ba năm qua, hơn 2.000 hộ dân sống tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) phải sử dụng nước sinh hoạt ở tình trạng mất vệ sinh và nhiễm độc nghiêm trọng. Không thể chịu đựng, ban quản trị chung cư đã quyết định kiến nghị lên thành phố yêu cầu thay nhà cung cấp dịch vụ.

 

Vừa bẩn vừa độc

 

Thấy tôi có ý định tìm hiểu về vấn đề nước sinh hoạt, bà Bùi Thị Chi ở phòng 1907, tổ trưởng tổ dân phố nhà 24T2, thở dài: “Kêu mãi rồi, có giải quyết được gì đâu! Bốn năm nay, cứ dân kêu thì lại nhận được trả lời bằng văn bản “nước đủ tiêu chuẩn”. Tôi không hiểu quy trình, giấy phép để một đơn vị có đủ điều kiện cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghì hộ dân như thế nào, nhưng một điều không thể phủ nhận là nước chúng tôi sử dụng trong bốn năm qua là rất bẩn”.

 

Để chứng minh cho những điều mình vừa nói, bà dẫn tôi ra vòi nước trước ban công, mở khoá cho nước chảy vào chiếc bát sứ. Thoạt nhìn nước trong vắt, nhưng chưa đầy 10 giây sau đáy bát xuất hiện lớp cặn dày đặc màu đen. Nhúng tay vào bát nước, đưa lên mũi thấy mùi tanh. Quay lại chỗ bồn rửa, bà Chi chỉ vào chiếc khay inox ố vàng giọng chua chát: “Thế này thì anh bảo nước máy hay nước giếng”.

 

Phận người ở khu chung cư cao cấp - 1

Bà Chi "khoe" với phóng viên khay nước ố vàng. (Ảnh: Thái Bình)

 

Nhưng xem chừng vẫn còn khả quan hơn bên toà nhà 18T2. Ông Bùi Đức Nhuận (P.1805), Trưởng Ban Quản trị nhà chung cư cụm Nhân Chính, kể: “Khi đến xem nhà, xả nước thử thấy trong vắt, tôi sướng rên tự nhủ “chung cư cao cấp có khác, thế là mình yên tâm hưởng tuổi già”. Ai ngờ đâu! Thời gian sau, hứng nước đánh răng thấy cả giun kim trong cốc. Cặn thì nhiều vô kể. Cái hộp giật nước trong bồn cầu nhà tôi, nửa tháng cọ rửa một lần mà vẫn lắng đen như ngâm than”. Để minh chứng cho lời nói, ông Nhuận đi vào nhà tắm, mở nắp thùng giật nước và cho tay vào chà lên thành, tay ông đen sì.

 

Sau nhiều lần kiến nghị, nhưng tình hình vẫn không có gì cải thiện. Để tự bảo vệ cho sức khỏe, nhiều người đã phải mua bình lọc nước hoặc bỏ ra hàng triệu đồng mua máy lọc. Có người cẩn thận chọn giải pháp mua nước tinh khiết hay đi xin nước ăn của người thân cách đó hàng cây số.

 

Mới đây ngày 30/10/2007, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 2592, báo cáo UBND TP Hà Nội về chất lượng nguồn nước ở khu đô thị này. Theo kết quả giám sát trong ba tháng (từ tháng 7-9/2007) của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, qua kết quả xét nghiệm mẫu nước tại trạm cấp nước và các bể chứa ngầm ở những toà nhà cao tầng của khu đô thị có hàm lượng amoni và độ ôxy hóa cao hơn tiêu chuẩn cho phép, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Đặc biệt, tiêu chuẩn vệ sinh mẫu nước bể ngầm của một số toà nhà cao tầng trong cả ba tháng giám sát đều bị nhiễm E.Coli và Coliform. 

 

Theo phản ánh của những người dân ở đây, nguyên nhân của tình trạng nước bẩn kéo dài không thể khắc phục là do trạm cấp nước được xây dựng trên nền khu vệ sinh, sát khu chuồng lợn của doanh trại quân đội (!).

 

Phận người ở khu chung cư cao cấp - 2

Bao năm nay, người dân ở khu chung cư cao cấp phải ăn uống bằng thứ nước "sạch" như thế này. (Ảnh: Thái Bình).

 

Đồng hồ nước và giá nước: “Đôi bạn cùng tiến”

 

Nước sinh hoạt bẩn, ô nhiễm nhưng lạ một nỗi là từ năm 2004 đến nay vẫn được bán cho dân với giá nước sạch: 2.800đ/m3 (cho 16 khối đầu) và lũy tiến dần; giá cao nhất là 7.500đ/m3 (từ 36m3 trở lên).

 

Không chỉ có vậy, phần lớn các hộ dân sống ở đây thấy “sợ” cái đồng hồ đo nước. Ông Linh cho biết: “Mỗi tháng nhà tôi mất 240.000đ tiền nước tắm, giặt. Nhưng tháng vừa rồi (tháng 10) tôi yêu cầu thay đồng hồ khác, kiểm tra và giám sát việc lắp đặt, tháng này (tháng 11) chỉ còn nhỉnh hơn 100.000đ”.

 

Gia đình ông Nhuận cũng có 3 người, năm 2004, trung bình mỗi tháng dùng hết khoảng 15-20m3 nước. Nhưng con số này cứ tăng dần một cách khó hiểu. Năm 2005, khoảng 27m3/tháng; năm 2006 là 34m3/tháng, và năm 2007 lên đến gần 40m3/tháng. Có tháng gia đình ông phải đóng hơn 250.000đ tiền nước.

 

Phát hoảng vì đồng hồ nước chạy kiểu “phi mã”, nhiều hộ đã yêu cầu được thay đồng hồ khác thì tiền nước sau đó đều giảm chỉ còn một nửa. Hộ bà Chi thời gian trước, tháng nào cũng từ 300.000đ tiền nước trở lên; mấy tháng gần đây, sau khi đã thay đồng hồ, số tiền chỉ còn 150.000đ.

 

Để minh chứng cho tình trạng đồng hồ nước chạy nhanh, ông Nguyễn Đức Thuần, Bí thư chi bộ Đảng khu đô thị mới thuộc phường Nhân Chính, Tổ trưởng tổ dân phố nhà 18T1 đã làm cuộc điều tra tại tổ dân phố do ông là tổ trưởng. Kết quả cho thấy trên 80% người dân phàn nàn về việc đồng hồ nước chạy nhanh, có gia đình đồng hồ chạy quá nhanh (gấp 2-3 lần bình thường).

 

Có gia đình đã làm ngay một thí nghiệm: Để 15 phút không sử dụng nước thấy đồng hồ không chạy. Sau đó xả đầy 2 chiếc can 5l thì thấy đồng hồ báo 15l. Điều này cho thấy đồng hồ nước đã chạy nhanh 50%.

 

Những động thái tích cực đầu tiên

 

Dân kêu cứ kêu, Sở Y tế ra văn bản là việc của Sở Y tế. Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Hữu Giảng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ đô thị Việt Nam (Vinasinco) vẫn khẳng định: “Chất lượng nước Vinasinco cung cấp là đủ tiêu chuẩn”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc người dân liên tục kêu như vậy?”, ông Giảng không trả lời mà chỉ nêu ra hàng loạt những khó khăn mà Vinasinco đã gặp phải.

 

Được biết, sau khi Sở GTCC Hà Nội cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra trạm cung cấp nước sinh hoạt cho khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính, đã yêu cầu chủ đầu tư tìm cách di dời khẩn cấp khu chuồng nuôi lợn ra xa trạm nước.

 

Ông Giảng cho biết, một số việc làm tích cực nhằm cải thiện tình trạng nước sinh hoạt mà Vinasinco đã làm trong thời gian gần đây là thay toàn bộ nguyên liệu lọc; tiến hành súc xả toàn bộ hệ thống đường dẫn; đền bù giải toả chuồng lợn ra khỏi khu xử lý nước. “Vinasico đang đợi kết quả mẫu xét nghiệm nước từ các cơ quan kiểm định sẽ có trong nay mai” - ông Giảng khẳng định.

 

Thái Bình

 

Kỳ 2: Cần lắm nơi sinh hoạt cộng đồng