Phân bổ ngân sách mục tiêu quốc gia: "Nhiều tỉnh chưa gì đã bàn lùi"
(Dân trí) - Trước thực trạng nhiều tỉnh chậm thực hiện phân bổ vốn để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng đề nghị lập tức triển khai ngay và cho biết, một số tỉnh "chưa gì đã bàn lùi".
Sáng 29/7, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì buổi Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 với các địa phương về kết quả thực hiện các chương trình MTQG 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm.
3 Chương trình MTQG, gồm: Giảm nghèo bền vững; Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chưa triển khai đã "bàn lùi"
Sau khi nghe các Bộ, ngành, địa phương báo cáo về tình hình triển khai các Chương trình MTQG, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, về mặt cơ chế, chính sách, văn bản pháp lý đối với 3 chương trình đã được triển khai với "khối lượng rất lớn". Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn ít nhất trên 10 tỉnh thành chưa thông qua được HĐND cấp tỉnh để phân bổ nguồn vốn.
"Tại sao các tỉnh khác làm được mà nhiều tỉnh lại chưa làm. Không thể vì lý do phải đợi văn bản đầy đủ rồi mới trình như tỉnh Bạc Liêu. Trong khi tỉnh Sóc Trăng nói không có khó khăn gì. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng đã nói không còn vướng mắc gì, có thể trình HĐND thông qua rồi. Nếu chậm việc phân bổ nguồn vốn thì sẽ chậm các bước khác" - Phó Thủ tướng nói.
Về các kiến nghị mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tập hợp (có 36 đề xuất, kiến nghị) và kiến nghị của các tỉnh tại hội nghị, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ này rà soát lại; yêu cầu các Bộ còn thiếu Thông tư và hướng dẫn cụ thể ban hành văn bản. Mục tiêu là hoàn thành nốt các văn bản trước ngày 15/8.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2022 đã phân bổ hơn 34 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách trung ương để thực hiện 3 Chương trình MTQG. Vì vậy, ông đề nghị các tỉnh, thành đã phân bổ nguồn ngân sách thì lập tức triển khai ngay.
Việc cần thêm Thông tư, hướng dẫn về chỉ tiêu định mức đang trong quá trình tiếp tục ban hành (nếu còn thiếu). Tuy nhiên, có một số tỉnh "chưa gì đã bàn lùi", đề nghị chuyển nguồn vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023. "Phải triển khai thực hiện, không thể chuyển tiếp như vậy" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp tục kết luận, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong 3 chương trình MTQG này, vấn đề phân cấp thẩm quyền cho các tỉnh là mới. Vì vậy, ông đề nghị Bộ KH-ĐT nên xem xét còn vướng mắc gì trong thẩm quyền không? Đối với các tỉnh phải tích cực, quyết liệt thực hiện 3 chương trình này và yêu cầu từ nay đến cuối năm, quyết tâm phải giải ngân hết nguồn vốn trung ương.
Về các vướng mắc, kiến nghị từ các địa phương, Phó Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, tiếp tục rà soát.
Việc trên Trung ương đã hoàn thành, còn lại là vai trò dưới địa phương
Trước đó, báo cáo các vấn đề liên quan đến Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì thực hiện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, tính đến thời điểm hiện tại, cấp trung ương đã vào cuộc rất quyết liệt, triển khai đúng, đủ theo thẩm quyền, đặc biệt là việc tham mưu, xây dựng các văn bản, thể chế.
"Đến hôm nay một số địa phương chưa thực hiện phân bổ ngân sách để triển khai chương trình, theo tôi như vậy là rất chậm. Trong khi đó, trước tháng 10, Quốc hội sẽ giám sát tối cao chuyên đề về việc triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG" - ông Dung thông tin thêm.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây ko phải là chương trình mới; các địa phương, các ngành, các cấp đã "quen" chương trình này trong 5 năm vừa qua. Hiện chương trình chỉ tích hợp thêm một số chính sách mới và một số tiêu chí mới bổ sung còn "bản chất" đã triển khai 5 năm qua. Phạm vi chương trình hiện tại cũng hẹp dần.
Về việc phân bổ nguồn ngân sách, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đã có 34 tỉnh có Nghị quyết do HĐND ban hành nhưng chỉ có 22 địa phương tiếp tục có quyết định của UBND tỉnh. Nếu không có quyết định của UBND tỉnh thì không thể triển khai tiếp được. Bởi lẽ, dự án chương trình mục tiêu đều do các địa phương lập lên.
"Đến nay, cơ bản các việc thuộc cấp trung ương đã hoàn thành, còn lại là vai trò của các địa phương" - ông Dung nói và đề nghị sau cuộc họp sáng 29/7, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có công điện đôn đốc các địa phương phân bổ nguồn vốn nếu không sẽ không kịp triển khai.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã có báo cáo về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu do cơ quan chủ trì.
Đồng thời, hơn 10 địa phương chậm trình HĐND thông qua các nghị quyết có liên quan để phân bổ nguồn vốn năm 2022 cũng báo cáo, nêu rõ lý do, vướng mắc có liên quan.