1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phải "lót tay" khi làm sổ đỏ, chăm sóc y tế vẫn phổ biến

Thế Kha

(Dân trí) - Phải đưa "lót tay" khi làm thủ tục cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hoặc để được chăm sóc y tế tốt hơn được báo cáo Chỉ số PAPI 2023 nhận định vẫn còn phổ biến.

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023 được công bố sáng 2/4 cho thấy, hiện trạng "chung chi" để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến ở tất cả các tỉnh, thành phố, không kể tỉnh giàu hay tỉnh nghèo. Theo nhóm khảo sát, điều này tương tự kết quả những năm trước.

Báo cáo dẫn ví dụ ở 3 tỉnh đạt điểm thấp nhất ở nội dung này gồm Bình Phước, Đắk Nông (2 địa phương còn nghèo) và Hải Phòng (địa phương có điều kiện kinh tế).

Trong khi đó, mối quan hệ thân quen giữ vai trò quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã/phường/thị trấn (gồm công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã/phường) ở tất cả các tỉnh, thành phố, đặc biệt ở hai tỉnh Gia Lai và Hà Nam.

Phải lót tay khi làm sổ đỏ, chăm sóc y tế vẫn phổ biến - 1

Tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi sổ đỏ đã phải chi "lót tay" dao động từ 19-81% ở 61 tỉnh, thành phố, theo báo cáo PAPI 2023 (Ảnh: Nguyễn Mạnh).

"Việc phải đưa "lót tay" khi làm thủ tục cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn là một tập quán phổ biến ở tất cả các tỉnh, thành phố", báo cáo PAPI 2023 nêu.

Theo báo cáo, tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi "lót tay" dao động từ 19-81% ở 61 tỉnh, thành phố (trừ tỉnh Quảng Ninh và Bình Dương không có số liệu). Trong đó, Tây Ninh là địa phương có tỷ lệ thấp nhất và Lâm Đồng là địa phương có tỷ lệ cao nhất năm 2023.

"Điều đáng khích lệ là tỷ lệ người phải "chung chi" khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giảm ở 34 tỉnh, thành phố. Trong đó, 9 địa phương (Cà Mau, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Hưng Yên, Sóc Trăng, Tây Ninh và Tuyên Quang) có tỷ lệ này giảm trên 20% so với năm 2021. Song, tỷ lệ phải "chung chi" cũng tăng lên ở 4 tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Hòa Bình, Lâm Đồng và Quảng Trị) sau 3 năm", báo cáo PAPI nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc phải đưa "lót tay" để được chăm sóc y tế tốt hơn cũng được báo cáo PAPI nhận định "còn phổ biến ở các địa phương".

Năm 2023, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết đã phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn dao động từ 40-80% ở 40 tỉnh, thành phố. Bến Tre, Đà Nẵng và Kon Tum có tỷ lệ ở mức thấp nhất, song vẫn dao động trong khoảng 20-30%.

So với năm 2021, tỷ lệ này thấp hơn ở 32 tỉnh, thành phố, nhất là Bắc Kạn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Gia Lai, Ninh Bình và Thái Bình, nơi tỷ lệ "chung chi" khi khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện giảm từ 20% trở lên.

Phải lót tay khi làm sổ đỏ, chăm sóc y tế vẫn phổ biến - 2

Việc phải đưa "lót tay" để được chăm sóc y tế tốt hơn cũng được báo cáo PAPI nhận định "vẫn còn phổ biến ở các địa phương" (Ảnh minh họa).

Chỉ số PAPI là kết quả của nghiên cứu xã hội học thường niên nhằm thu thập, phản ánh trải nghiệm của người dân về hiệu quả quản trị và hành chính công ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố.

Năm 2023, khảo sát PAPI đạt số lượng phỏng vấn kỷ luật với 19.536 người dân trong độ tuổi cử tri (từ 18 tuổi trở lên). Sau khi loại bỏ những mẫu có dữ liệu không đáng tin cậy, báo cáo Chỉ số PAPI 2023 phản ánh tiếng nói của 18.940 cử tri, trong đó có 992 người tạm trú ở 12 tỉnh, thành phố có tỷ suất di cư thuần dương trên phạm vi cả nước.

PAPI cung cấp dữ liệu và dẫn chứng phản ánh hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền trong 6 lĩnh vực nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công. Từ năm 2018, Chỉ số PAPI đo lường thêm hai chỉ số mới: Quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chủ trì Báo cáo Chỉ số PAPI năm 2023.

Đắk Nông "đội sổ" bảng xếp hạng PAPI 2023

Với tổng số điểm trên 46,04 điểm, Thừa Thiên Huế đứng đầu bảng xếp hạng PAPI 2023. Các địa phương đứng kế tiếp gồm Thái Nguyên (45,78 điểm), Bắc Ninh (45,70 điểm), Sóc Trăng (45,61 điểm), Bạc Liêu (45,57 điểm), Ninh Thuận (45,50 điểm).

Hà Nội chỉ đạt 43,96 điểm và TPHCM đạt trên 41,77 điểm. Tỉnh Đắk Nông đứng cuối cùng của bảng xếp hạng PAPI 2023 với 38,97 điểm.

"Dữ liệu của tỉnh Bình Dương và Quảng Ninh bị khuyết do kết quả khảo sát vượt giá trị sai số cho phép trong thống kê", báo cáo giải thích việc 2 tỉnh này không có dữ liệu đánh giá năm 2023.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm