1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Phải làm rõ thu hồi đất của ông Vươn để làm gì”

(Dân trí) - “Việc thu hồi đất của ông Vươn để làm gì, có phải thu để giao cho một đối tượng khác? Dư luận có nói, thu là để cho em trai ông chủ tịch huyện nhưng việc này các cơ quan đang tìm hiểu, chưa rõ ra được”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân VN nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vụ việc đang được quan tâm ở Tiên Lãng, Hải Phòng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Duy Lượng, cho rằng việc cưỡng chế đầm tôm của ông Vươn là không đúng, nhưng việc gia đình ông phản ứng như vừa qua cũng là manh động, tiêu cực.

Tuy nhiên, theo ông Lượng, ông Đoàn Văn Vươn phản ứng tiêu cực song lại được nhiều người quan tâm và phần nào chia sẻ ở khía cạnh ông Vươn quá bức xúc. “Mà ông Vươn cũng là người có học thức, là kỹ sư lại có biểu hiện như vậy thì lại là khác”, ông Lượng nhìn nhận.
 
“Phải làm rõ thu hồi đất của ông Vươn để làm gì”  - 1
Ông Nguyễn Duy Lượng: Lời giải thích của chính quyền địa phương về phá hủy ngôi nhà ngoài diện tích thu hồi là bao biện

Về việc phá hủy ngôi nhà không nằm trên diện tích phải cưỡng chế, theo ông Lượng, phát biểu của lãnh đạo huyện rằng căn nhà nằm trên đường vào khu cưỡng chế, có người chống đối ẩn nấp, chỉ là bao biện. Vấn đề này cần được kiểm tra, xem xét.

Về quyền lợi của gia đình ông Vươn, Trung ương Hội Nông dân VN đã giao Chủ tịch Hội Nông dân Hải Phòng và Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật của TƯ Hội nắm thông tin vụ việc. “Mình không đứng về một phía nào, việc nào đúng thì ủng hộ, việc nào sai thì phải nói ra”, ông Lượng bày tỏ.

Các đơn vị được giao nói trên sẽ điều tra để làm rõ xem quá trình gia đình ông Vươn đầu tư vào đầm tôm, ao cá ra sao và quá trình chính quyền can thiệp, dừng việc sản xuất vào ngày nào, ảnh hưởng gì đến việc chăm sóc tôm cá…

“Một vấn đề nữa, việc thu hồi đất của ông Vươn để làm gì, có phải thu xong để giao cho một đối tượng khác. Dư luận có nói vấn đề thu là để cho em trai ông chủ tịch huyện nhưng việc này các cơ quan cũng mới đang tìm hiểu, chưa rõ ra được”, ông Lượng cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi về việc Hội có ý kiến gì với các cơ quan chức năng, ông Lượng cho biết, sau khi kiểm tra, Trung tâm Tư vấn pháp luật phát hiện những sai sót trong vụ việc, phía Hội mới phối hợp để có ý kiến.

Mở rộng hơn vấn đề, ông Lượng cho biết, thực tế hiện nay các trang trại chưa được cấp quyền sử dụng đất, chưa có sổ đỏ. Điều này cũng gây nên “tình trạng này khác” trong quá trình quản lý.

Hiện Hội Nông dân cũng đang kiến nghị để làm sao sửa luật đất đai sớm, thay vì để đến năm 2013 mới sửa. “Hiện tình hình khiếu kiện về đất đai chiếm tới 80% đơn thư khiếu kiện, nhưng theo kế hoạch đến 2013 Quốc hội mới sửa luật thì cũng rất khó cho Chính phủ trong điều hành”, ông Lượng bày tỏ.

Theo ông Lượng, nếu có thêm những văn bản hướng dẫn thực hiện những chỗ chưa rõ, chưa hợp lý trong luật thì hay hơn, nhưng đây cũng là việc khó.

Đi vào một vấn đề cụ thể, việc giao đất nuôi trồng thủy sản quy định thời hạn 20 năm, đất trồng cây lâu năm 50 năm và dù từ rất lâu đã đề nghị nâng lên mức 50 năm, 100 năm và dài hơn, nhưng chưa sửa được luật để sửa nội dung này.

“Chúng tôi đang lo, nhưng nói lo cũng không làm gì được, phải chờ thay đổi luật. Chứ còn nông dân bao đời nay vẫn khổ” - ông Luyện kết lại.

Tân Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm