1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TT-Huế:

Phá hủy quả bom nặng hơn 250kg

(Dân trí) - Chiều ngày 11/3, tại bãi nổ tập trung xã Hương Phong (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế), Tổ chức rà phá vật liệu nổ APOPO Việt Nam đã tiến hành phá hủy quả bom MK82 với trọng lượng hơn 250kg.

Buổi phá hủy bom dưới sự chứng kiến của UBND huyện A Lưới, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh TT-Huế và Tổ chức rà phá vật liệu nổ APOPO Việt Nam. Quả bom MK82 trước đó đã được người dân xã Hồng Kim, huyện A Lưới phát hiện trong quá trình lên rẫy. Đây là quả bom rất lớn; do đó để đảm bảo an toàn, quả bom được di dời về bãi nổ tập trung xã Hương Phong để xử lý.

Cùng ngày tại bờ suối thuộc xã Hồng Kim, một quả bom khác nặng gần 1 tấn (MK83) cũng đã được phát hiện và trong quá trình di dời về bãi nổ tập trung để xử lý. Được biết, đây là buổi phá hủy bom đầu tiên của Tổ chức rà phá vật liệu nổ APOPO Việt Nam sau khi tiếp quản dự án.

1 quả bom khác nặng gần 1 tấn cũng vừa được phát hiện ở A Lưới

1 quả bom khác nặng gần 1 tấn cũng vừa được phát hiện ở A Lưới

Kể từ năm 1998, Bộ Ngoại giao CHLB Đức đã hỗ trợ nguồn kinh phí rà phá bom mìn và vật liệu nổ tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Trước đó, chương trình rà phá bom được tổ chức phi chính phủ SODI (thuộc CHLB Đức) thực hiện. Bắt đầu năm 2014 trở đi, APOPO là đơn vị thay thế trực tiếp thực hiện các chương trình rà phá vật liệu nổ còn sót lại tại Việt Nam.

Trước đó, Dự án rà phá bom mìn và vật liệu nổ do Đức tài trợ nói trên đã dò tìm và phá hủy ở tỉnh Thừa Thiên Huế hơn 2.000 quả bom bi và vật liệu nổ các loại tại hiện trường, di dời 12 quả bom lớn (từ 250kg - 1.000kg) về bãi xử lý tập trung.

Quả bom MK82 trên đường di dời về bãi phá hủy tập trung

Quả bom MK82 trên đường di dời về bãi phá hủy tập trung - được chèn rất cẩn thận bởi nhiều bao cát đệm cho khỏi xóc ở thùng sau xe tải lớn
Cận cảnh quả bom lớn MK82 trước giờ hủy nổ

Cận cảnh quả bom lớn MK82 trước giờ hủy nổ

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, vốn là chiến trường bị đánh phá ác liệt trong chiến tranh, hiện nay A Lưới đang phải đối mặt với tình trạng “ô nhiễm” bom mìn nghiêm trọng. “Diện tích ô nhiễm rất lớn, tuy nhiên đến nay mới rà phá được khoảng 5.000 ha (chiếm 10% diện tích sản xuất). Số bom chưa nổ còn sót lại trong lòng đất đã và đang đe dọa trực tiếp tới sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương” - ông Cường nói.

Ông Cường cũng cho biết thêm, trước đây đã có nhiều tai nạn bom mìn đáng tiếc xảy ra trong quá trình sinh hoạt của người dân. Như cuối năm 2012, có 4 học sinh trường tiểu học A Roàng đã thiệt mạng vì bom bi. Do vậy, địa phương đánh giá rất cao sự giúp đỡ nhân đạo của chương trình rà phá bom mìn và vật liệu nổ này.

Được biết, trong năm 2013 diện tích rà phá không lớn chỉ 100ha, nhưng rất cần thiết bởi đây là vùng trọng điểm đã được người dân và cán bộ xã Hồng Vân, Hồng Kim phản ánh lên huyện. Trong năm 2014, APOPO dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và tăng thêm độ sâu rà phá bom mìn còn sót lại. Mặt khác, dự án sẽ tăng cường công tác nâng cao chất lượng nhân lực; kết hợp với chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là học sinh phổ thông.

Tại buổi khảo sát hiện trường H33 thuộc xã Hồng Vân, huyện A Lưới - nơi có số lượng bom bi được phát hiện lớn, ông TeKimiti Gilbert, Giám đốc phụ trách bom mìn APOPO Quốc tế hết sức ngạc nhiên khi chiến tranh đi qua đã lâu nhưng bom mìn hiện vẫn tồn tại với số lượng rất lớn, đe dọa tính mạng và ảnh hưởng đến đời sống người dân huyện miền núi này ở nhiều mặt. Ông TeKimiti cho biết, bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Ngoại giao CHLB Đức, APOPO sẽ tăng cường tìm kiếm, kêu gọi thêm các nguồn tài trợ khác để thúc đẩy mở rộng thêm diện tích được rà phá bom mìn tại đây.

APOPO là tổ chức rà phá bom mìn và vật liệu nổ quốc tế được biết đến với phương pháp dò mìn độc đáo bằng chuột Châu Phi. Loài chuột “đặc biệt” được tổ chức này dùng có 1 khứu giác vô cùng nhạy cảm là có khả năng ngửi thấy mìn. Hiện nay, những con chuột trên đã được APOPO sử dựng tại các bãi mìn của Châu Phi như Tanzania, Mozambique, Angola rất hiệu quả. Tuy nhiên, ở Việt Nam do lượng mìn không nhiều như những nước trên, nên đội quân chuột dò mìn sẽ không được đưa vào dử dụng, chủ yếu sẽ dùng máy móc và con người để dò phá bom mìn, vật liệu nổ.










Hoàng Diệu - Đại Dương