Ông Nguyễn Việt Tiến gửi thư kêu oan
Hôm qua 5/4, một số cơ quan báo chí đã nhận được lá thư dài 5 trang do ông Nguyễn Việt Tiến gửi đến theo đường bưu điện ngay trước khi bị bắt. Trong thư ông Tiến giải trình nhiều vấn đề về cho mượn xe công, việc ép tiến độ cầu Phả Lại và kêu mình... bị oan!
Trong lá thư, ông Tiến cho hay “đã báo cáo xin ý kiến Bộ trưởng” về phương án rút ngắn tiến độ thi công cầu Phả Lại và việc “ép tiến độ” xuất phát từ yêu cầu cấp bách thông xe cầu Phả Lại, khắc phục ách tắc giao thông do phải lưu thông bằng phà.
Ông Tiến cũng cho biết trong dự án cải tạo quốc lộ 5 trước đây, Chính phủ thậm chí chấp thuận bổ sung 80 tỉ đồng để rút ngắn tiến độ thi công một năm, nên việc ông duyệt bổ sung 6 tỉ đồng (nhà thầu đề nghị 22 tỉ) để rút ngắn thi công cầu Phả Lại được năm tháng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những vết nứt xuất hiện ở biên nhịp cầu là do co ngót bêtông, nhà thầu Trung Quốc đã tự bỏ kinh phí xử lý các vết nứt trước khi thông xe.
Về vấn đề điều chuyển và quản lý ôtô ở PMU18, ông Tiến khẳng định tháng 4/1998 ông được bổ nhiệm Thứ trưởng, trong khi dự án cầu quốc lộ 1 (giai đoạn 1) đến 2003 mới kết thúc, nên trách nhiệm xử lý bảy ôtô “tạm nhập, tái xuất” thuộc người kế nhiệm thay ông lãnh đạo PMU18 (tức Bùi Tiến Dũng).
Còn việc quản lý ôtô của PMU18 và xe của các dự án, theo ông Tiến, bộ trưởng đã phân công Vụ Tài chính và hai thứ trưởng phụ trách (gồm Thứ trưởng Phạm Thế Minh phụ trách lĩnh vực tài chính và Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức phụ trách các ban quản lý dự án, trong đó có PMU18). Những vấn đề này “không thuộc trách nhiệm của tôi”, ông Tiến nhấn mạnh.
Tuy nhiên cơ quan điều tra đã xác định 34 chiếc xe của nhiều dự án ODA khác nhau được tổng giám đốc PMU18 (thời ông Nguyễn Việt Tiến năm xe, thời Bùi Tiến Dũng 29 xe) trang bị cho... đơn vị khác, trong đó có cả các đơn vị công an một số quận của Hà Nội. Việc “cho mượn” này đã gây lãng phí và thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước.
Năm 1995, khi thực hiện dự án xây dựng cầu trên quốc lộ 1 (giai đoạn 1), ông Tiến đã chỉ đạo PMU18 mua bảy ôtô theo phương thức “tạm nhập, tái xuất”. Khi hoàn thành dự án, ông này đã thiếu trách nhiệm trong quản lý, để PMU18 tùy tiện điều động và cho mượn xe mà không nộp thuế nhập khẩu theo luật định.
Theo xác định của Cục Hải quan Hà Nội, việc trốn nộp thuế bảy ôtô trên tại thời điểm tháng 7/1997 đã gây thất thu cho Nhà nước trên 4,8 tỉ đồng.
Gần đây nhất, tại dự án cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh), theo hồ sơ của gói thầu BC1, nhà thầu - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) - phải cung cấp bốn ôtô cho Cục Đường bộ để phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng sau khi cầu hoàn thành.
Tuy nhiên, do sự lơi lỏng của ông Tiến, với vai trò lãnh đạo PMU18, Bùi Tiến Dũng đã tự ý yêu cầu Cienco 1 mua ba ôtô đắt tiền (tổng trị giá 3,7 tỉ đồng) ngay trong giai đoạn đang thi công cầu.
Trong ba xe này, Bùi Tiến Dũng đem “biếu” ông Nguyễn Việt Tiến chiếc Mercedes nhưng đi được hai ngày thì ông Tiến trả lại vì xe “sang” hơn xe của bộ trưởng.
Vẫn theo tài liệu của cơ quan chức năng, tại văn bản 338 ngày 9/1/2001 về việc chỉ đạo việc thi công cầu Phả Lại, ông Nguyễn Việt Tiến yêu cầu các đơn vị liên quan “cần tính toán rút ngắn tiến độ để thông xe kỹ thuật vào ngày 3/2/2002 (nhân sự kiện kỷ niệm ngày thành lập Đảng) và hoàn thiện công trình trước bốn tháng so với hợp đồng”. Thứ trưởng Tiến cũng đã duyệt tăng chi phí hơn 6 tỉ đồng để thay đổi biện pháp thi công. Nhiều người cho rằng ông Tiến làm việc này vì “động cơ thành tích”.
Theo N.V.Hải - M.Quang
Báo Tuổi trẻ