Ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh liên quan vụ Việt Á như thế nào?
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh đã "vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước" liên quan đến vụ Việt Á.
Quyết định kỷ luật ở mức cao nhất - khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế), và ông Chu Ngọc Anh (Chủ tịch UBND TP Hà Nội), được Trung ương quyết định tại phiên họp chiều 6/6.
Theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương ( UBKTTƯ) tại kỳ họp cuối tháng 3, vi phạm của hai ông đều liên đến vụ việc tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
Cụ thể, tại kỳ họp nêu trên, cơ quan kiểm tra đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban cán sự đảng Bộ Y tế (nhiệm kỳ 2016-2021), và nhận thấy:
Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y; trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cá nhân.
Cũng liên quan đến vụ Việt Á, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
UBKTTƯ còn kết luận, ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nêu trên; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Tiếp đến, tại kỳ thứ 15 của UBKTTƯ vào giữa tháng 5, cơ quan này đã đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đồng thời, UBKTTƯ đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ngày 4/6, Bộ Chính trị, Ban Bí thư họp bàn xem xét thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Sau khi xem xét đề nghị của UBKTTƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế".
Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long.
Dành kinh phí gần 19 tỷ đồng từ ngân sách để nghiên cứu kit test
Vào tháng 12/2021, Cổng thông tin Bộ Khoa học và Công nghệ đã đăng tải báo cáo chi tiết liên quan đến bộ kit xét nghiệm Covid-19 (còn gọi là kit test) do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu sản xuất.
Đề tài nghiên cứu cấp quốc gia này có thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2021; thời gian thực tế thực hiện từ tháng 2/2020 đến tháng 10/2021 (sau khi được gia hạn).
Báo cáo cũng ghi rõ, tổ chức chủ trì nhiệm vụ này là Học viện Quân y, do PGS.TS Hồ Anh Sơn làm Chủ nhiệm nhiệm vụ (đã bị khởi tố). Ngoài ra, tham gia thực hiện nhiệm vụ còn có 16 thành viên khác thuộc nhóm nghiên cứu, trong đó có 4 thành viên thuộc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Trong đó, ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á - người đã bị khởi tố hình sự về hành vi vi phạm các quy định đấu thầu, là thành viên nghiên cứu chính trong nhiệm vụ này. Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ này là 18,98 tỷ đồng.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, bộ kit xét nghiệm có hàm lượng khoa học, cũng như tính ứng dụng thực tiễn cao, thể hiện bằng những chứng nhận, bao gồm Quyết định cấp phép lưu hành của Bộ Y tế Việt Nam (số 774/QĐ-BYT ngày 04/3/2020; số 5071/QĐ-BYT ngày 04/12/2020); Giấy chứng nhận kiểm nghiệm trang thiết bị y tế chẩn đoán in-vitro số 1160/VSDTTƯ -NCYS ngày 18/8/2020.
Ngày 20/10/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của tổ chức này khi thẩm định bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á. Trong báo cáo này, WHO ghi rõ kết quả sau khi kiểm định bộ kit này là "không được chấp thuận" vì chưa đạt được một số tiêu chuẩn.
Liên quan đến bộ kit test trên, Bộ Công an cho biết, có căn cứ xác định dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao Đề tài khoa học về sản phẩm Kit xét nghiệm Covid-19 tại Bộ Khoa học và Công nghệ và trong việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời (theo Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 4/3/2020), cấp phép đăng ký lưu hành chính thức (theo Quyết định số 5071/QĐ-BYT ngày 4/12/22020) sản phẩm kit xét nghiệm Covid- 19, việc hiệp thương giá sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế.
Cũng theo Bộ Công an, tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm Kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.
Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Trong các vụ án liên quan Việt Á, Cơ quan điều tra Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố hơn 40 người, trong đó có lãnh đạo, cán bộ nhiều CDC và Sở Y tế. Cơ quan điều tra Bộ Quốc Phòng cũng khởi tố một vụ án khác, bắt hai sỹ quan.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt đã nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 lên khoảng 45% và chi "hoa hồng" lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng. Việt Á sau đó thu lợi trên 500 tỷ đồng.