Ông Hàn Đức Long đang mòn mỏi chờ bồi thường sau hơn 11 năm bị tù oan
(Dân trí) - Năm 2023, bước sang năm thứ 7 ông Hàn Đức Long được trở về đoàn tụ cùng gia đình, sau hơn 11 năm bị tù oan. Gần 7 năm qua, gia đình ông Long mòn mỏi chờ tiền bồi thường.
Người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ, dáng người tiều tụy, đôi tay run run lật giở tập giấy tờ khá dày liên quan đến vụ án oan sai của ông, cùng những lá đơn đề nghị bồi thường đã ố vàng. Đó là ông Hàn Đức Long (sinh năm 1959, trú thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) - người bị tuyên án tử hình - bị tù oan 11 năm 2 tháng 2 ngày.
Gần 20 năm qua, thôn Yên Lý phát triển nhanh chóng về mọi mặt, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Nhưng, ngôi nhà cũ kỹ của gia đình ông Hàn Đức Long vẫn "giậm chân tại chỗ", nằm lọt thỏm trong sự phát triển đó, thậm chí ngày càng khốn khó.
Mong sớm nhận tiền bồi thường để chữa bệnh
Ngày được TAND cấp cao tại Hà Nội tổ chức buổi xin lỗi công khai ở hội trường UBND xã Phúc Sơn vào sáng 25/4/2017, ông Long đã mường tượng về khoản bồi thường có thể đủ trả nợ, vực dậy kinh tế gia đình sau hơn 11 năm ngồi tù oan.
Nhưng, gần 7 năm trôi qua, dự định của ông vẫn chưa thực hiện được trong khi sức khỏe ngày một suy giảm. Căn nhà mái ngói 4 gian xây từ năm 1993 là nơi nương tựa của 7 người trong gia đình ông đang xuống cấp nghiêm trọng, mưa xuống dột tứ bề.
Ông Long kể, từ ngày ra tù, sáng 20/12/2016 đến nay, ông không làm được việc nặng, chỉ ở nhà lo cơm nước cho gia đình.
Lần đi làm xa nhà nhất đã cách đây 5 năm, ngày đấy, ông Long được người thân đưa xuống Hà Nội trông coi công trình xây dựng và nấu cơm cho đội thợ xây, nhưng làm đến ngày thứ 8 ông phải xin về, do sức khỏe quá yếu.
"Giờ mong muốn lớn nhất của tôi là sớm nhận được tiền bồi thường để có thể bù đắp phần nào thiếu thốn cho vợ con.
Xem tin tức, tôi thấy tất cả những người bị tù oan sai họ đều đã nhận được tiền bồi thường, còn tôi vẫn bật vô âm tín", ông Long tỏ vẻ buồn bã nói và cho biết, trước khi bị bắt vào ngày 19/10/2005, kinh tế gia đình thuộc diện khá giả trong thôn, nhưng đến giờ thì chẳng bằng ai.
Nhiều đêm mất ngủ, bụng thường xuyên bị chướng, ăn không tiêu ông Long được con đưa đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai thì bác sỹ yêu cầu ở lại để điều trị nhưng không có tiền ông đành cắn răng chịu đựng xin về.
"Giờ sức khỏe yếu lắm rồi chú ơi, nếu nhận được bồi thường còn có tiền mà đi chữa bệnh, cứ chịu đựng như thế này, chết lúc nào không hay", ông Long tâm sự.
Tiền vay mượn đi kêu oan gần 1 tỷ đồng
Chân tay còn lấm lem bùn, đất, quần ống thấp, ống cao khi vừa từ ruộng trở về, bà Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1970, vợ ông Long), ngồi nhẩm tính, số tiền nợ của 2 vợ chồng gần 1 tỷ đồng.
11 năm ròng rã, bà đã "đội" hàng nghìn lá đơn đi khắp nơi, từ địa phương đến Trung ương để kêu oan cho chồng. Để có kinh phí đi kêu oan, bà Mai bán tất cả những thứ quý giá trong nhà rồi vay mượn khắp nơi.
"Ngày đấy cả nhà, cả họ cùng hợp lực giúp đỡ để tôi đi kêu oan cho chồng. Người nào nhiều thì cho vay 2 cây vàng còn người ít cũng 3 - 4 chỉ, vay người nhà thì không phải trả lãi còn người ngoài thì phải trả cho người ta. Giờ tôi chỉ mong sớm được bồi thường để có thể trả nợ, sửa lại căn nhà, và đi chữa bệnh cho chồng", đôi mắt đỏ hoe nhìn về phía chồng, bà Mai bộc bạch.
Từ ngày ông Long trở về, kinh tế hai vợ chồng chỉ trông vào 6 sào ruộng, hơn chục con gà mái đẻ. Mọi công to, việc lớn trong nhà một mình bà Mai tần tảo gánh vác.
Thương bố mẹ vất vả, vợ chồng người con trai Hàn Đức Trọng (sinh năm 1989) mỗi khi nhận lương đều đưa một phần cho mẹ để gánh vác việc gia đình.
Bà Mai tâm sự, sau ngày chồng bị tuyên án ngoài kinh tế kiệt quệ thì gia đình còn bị người đời khinh miệt, chửi bới. Không chịu được những lời lẽ cay nghiệt của thiên hạ, con gái lớn vào Đà Nẵng làm giúp việc, còn đứa thứ 2 xuống Hà Nội làm phụ hồ cùng mẹ.
"Ngày đi làm thằng bé mới được 17 tuổi, sức khỏe yếu nên mỗi khi vác bao xi măng từ tầng 1 lên tầng 5 lại ngồi thở hổn hển. Lúc đấy, nhìn thương con ứa nước mắt mà không biết phải làm thế nào" bà Mai nhớ lại.
Khi các con trưởng thành, lần lượt lập gia đình bà Mai chỉ dám làm mấy mâm cơm mời anh em, họ hàng thân thiết.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng thôn Yên Lý, cho biết, từ ngày ra tù đến nay ông Hàn Đức Long chỉ ở nhà, không làm được việc nặng, kinh tế gia đình phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Những năm gần đây, ông Long thường xuyên đau ốm nên kinh tế càng khó khăn hơn.
"Hơn 11 năm chồng đi tù, vợ cũng ngần ấy năm đi kêu oan, đến khi ra tù thì đã già, sức khỏe suy kiệt nên kinh tế rất khó khăn, phải chạy ăn từng bữa", ông Bình nói về hoàn cảnh gia đình ông Hàn Đức Long và cho biết thêm, mấy năm qua gia đình ông Long không có điều tiếng với hàng xóm.
Ông Bình cũng như nhiều người dân trong thôn Yên Lý mong muốn ông Hàn Đức Long sớm được bồi thường để cuộc sống đỡ khó khăn, vất vả.
Theo nội dung vụ án, ngày 26/6/2005, thi thể cháu N.T.Y. (5 tuổi) được phát hiện ở cánh đồng xã Phúc Sơn. Sau 4 tháng điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang nhận được đơn của hàng xóm ông Hàn Đức Long tố giác ông Long là hung thủ hiếp dâm cháu Y.
Từ tố giác này, công an bắt giam ông Hàn Đức Long để điều tra. Trong quá trình hỏi cung, ông Long khai nhận hiếp dâm rồi giết cháu Y.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 31/3/2007, ông Hàn Đức Long bị tuyên phạt mức án chung thân về tội giết người, tử hình về tội hiếp dâm, tổng hình phạt là tử hình. Sau đó, ông Long liên tục viết đơn kêu oan gửi đi khắp nơi.
Đến ngày 25/6/2007, tòa phúc thẩm bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm. Ngày 10/3/2009, TAND tối cao ra kháng nghị và tới ngày 31/8/2009 Giám đốc thẩm tuyên hủy các bản án, yêu cầu điều tra lại.
Ngày 29/11/2011, phiên phúc thẩm giữ nguyên bản án tử hình ông Long tiếp tục viết đơn kêu oan gửi các cấp.
Ngày 20/12/2016 VKSND tỉnh Bắc Giang đình chỉ điều tra vụ án, ông Long được trả tự do.
Nửa năm sau, vào ngày 25/4/2017, TAND cấp cao tại Hà Nội xin lỗi ông Long.