DMagazine

Ông Dương Trung Quốc kể chuyện "đòi nhà phố cổ" và "làm sử bằng mồm"

(Dân trí) - Vẫn phong cách cởi mở và thẳng thắn quen thuộc như thủa còn ở nghị trường, nhà sử học Dương Trung Quốc lần đầu chia sẻ với báo Dân trí đôi chuyện có phần riêng tư.

Ông Dương Trung Quốc trò chuyện với báo Dân trí (Video: Phạm Tiến - Minh Quang)

Ông Dương Trung Quốc kể chuyện đòi nhà phố cổ và làm sử bằng mồm - 2

Thưa ông Dương Trung Quốc, ông được biết đến là đại biểu Quốc hội đã có ngót 20 năm gắn bó với nghị trường, là một nhà sử học, một nhà báo và còn là một người sưu tầm những con heo (đồ chơi, sản phẩm mỹ thuật…). Ông thích được gọi với danh xưng nào nhất trong số những công việc đã trải qua trong cuộc đời?

- Về nghề nghiệp, tôi được đào tạo và làm nghề liên quan đến sử học. Có lẽ vì tôi không có học hàm, học vị nên có nhiều người tiện gọi tôi là "nhà sử học" theo nghĩa đơn giản như làm báo thì gọi là "nhà báo", viết văn thì gọi là "nhà văn"… rồi tham gia các hội đoàn nghề nghiệp... như Hội Sử học Việt Nam … Còn làm báo thì tôi được Hội phân công lập tờ Tạp chí "Xưa & Nay" làm Tổng biên tập, lại còn cộng tác viết và làm với nhiều tờ báo khác… cũng là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và có một nhiệm kỳ trong Ban chấp hành Hội… Đại biểu Quốc hội thì có 4 nhiệm kỳ…

Đến nay thì tôi để tâm nhiều hơn đến bộ sưu tập heo (ngoài Bắc mình gọi là lợn) với ý định hợp tác với ai đó có điều kiện lập một cái bảo tàng nhỏ (như ở Hàn Quốc mà tôi đã có dịp tới xem), trước hết để trẻ con đến chơi cho vui mắt và hiểu biết về cái con vật gần gũi và cung cấp chất đạm cho con người… Nói cho cùng thì đời người cũng chính là một cuộc sưu tập (tiền tài, của cải, danh vọng, niềm tin hay thú vui…), nhưng rồi cũng tiêu tan hết, còn một bộ sưu tập thì lại có giá trị hơn tất cả (!?)…

Trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết rằng ông nội của ông quê quán xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, chủ hãng nước mắm Liên Thành. Không biết thông tin này là như thế nào?

- Thông tin đó không chính xác. Công ty Nước mắm Liên Thành là một tổ chức kinh doanh do các sĩ phu yêu nước ở Nam Trung Bộ sáng lập để hưởng ứng và hỗ trợ phong trào Duy Tân hồi đầu thế kỷ trước. Sau trở thành một hãng sản xuất nước mắm nổi tiếng. Các "cụ Duy Tân" sáng lập bị Tây đàn áp nhưng công ty vẫn phát triển từ Phan Thiết vào Sài Gòn và Nam Bộ là chủ yếu, mở rộng sản xuất nhưng đồng thời vẫn đóng góp tích cực cho các phong trào yêu nước và cách mạng ở những giai đoạn sau này…

Ông nội tôi gốc ở Bến Tre, địa danh "Bình Thành, Bình Đại" được ghi trong bằng liệt sĩ của bố tôi. Sau khi ông nội tôi mất và những biến cố sau 1945 thì gần như gia đình tôi mất liên hệ với họ tộc và quê nội cũng như với Hãng Liên Thành, đến sau 1954, mới gặp lại một số đồng hương hay họ hàng xa ra tập kết. Khi tôi ứng cử vào Quốc hội, đi xác minh quê quán thì mộ ông cố (cụ) và nhiều người trong họ lại ở bên Giồng Trôm (?)... Cha tôi và tôi đều sinh ra ở Hà Nội nhưng trên giấy tờ tôi vẫn giữ quê quán là Bến Tre. Đến các con chúng tôi thì chúng khai là… Hà Nội.

Ông Dương Trung Quốc kể chuyện đòi nhà phố cổ và làm sử bằng mồm - 4

Ảnh chụp năm 1922, ông nội của ông Dương Trung Quốc ngồi cạnh bà nội. Bố của ông Dương Trung Quốc lúc này 2 tuổi đang được mẹ bế (Ảnh tư liệu do ông Dương Trung Quốc cung cấp).

Những năm đầu thế kỷ XX, ông nội tôi từ Nam ra Bắc lập nghiệp (khác với số đông thiên hạ từ Bắc vô Nam), không rõ có giữ chức việc gì cho Liên Thành không nhưng là cổ đông thì chắc chắn và làm việc trong "Hội Nam Kỳ Tương tế" (tổ chức đồng hương kết nối những người Nam ra làm ăn trên đất Bắc), trụ sở đặt ở Phố Tông Đản (nay là trụ sở hội Đông Y). Rồi năm 1976, đất nước vừa thống nhất, gia đình tôi ở Hà Nội nhận được giấy mời của Hãng Liên Thành gửi đích danh tên ông nội tôi mời vào TPHCM họp cổ đông...

Mẹ tôi là người đã từng trải qua cái gọi là "Cải tạo Công thương nghiệp tư bản tư doanh" ở Hà Nội nên phần nào hiểu được cái gì sẽ xảy ra đối với các doanh nghiệp tư nhân sau ngày thống nhất đất nước. Mẹ sai tôi thay ông nội (mất đã hơn ba thập kỷ) đi họp mang theo mớ cổ phiếu gia đình vẫn giữ được và nói vui là "sắp giàu to rồi đấy", vì số cổ phiếu có mệnh giá không nhỏ và hơn 30 năm chưa được thanh toán cổ tức.

Tôi vào trụ sở Liên Thành ở Bến Vân Đồn, TPHCM. Lần đầu mới hiểu được chữ "quý khách". Nhân viên của Công ty ăn mặc lịch sự, nữ áo dài, nam veston lịch thiệp dẫn vào phòng khách rót nước mời, rồi ông thủ quỹ già mang tập sổ sách và chiếc máy tính cơ quay tay ngồi giải trình cặn kẽ từng chi tiết, tình hình kinh doanh, số tiền lợi tức từ giá trị cổ phần qua các thời kỳ lịch sử rất minh bạch.

Số lợi tức không nhỏ nhưng qua mấy lần thay đổi chế độ tài chính (đổi tiền) tính từ thời thực dân Pháp nên giá trị đồng tiền cứ teo tóp dần và kết toán là một con số rất khiêm nhường. Số tiền đó chỉ đủ cho tôi mua được vài món đồ mà ai đi Nam thủa đó cũng mang về Bắc như cái quạt máy Nhật, cái màn tuyn… Nhưng với tôi, ấn tượng gây cảm tình nhất là cung cách làm việc, thái độ tận tình và tính toán minh bạch của một doanh nghiệp tư nhân ở phía Nam.

Ông Dương Trung Quốc kể chuyện đòi nhà phố cổ và làm sử bằng mồm - 6

Khi ra Bắc, ông nội của ông đã sắm một ngôi nhà ở phố cổ Hà Nội (27, Hàng Đường), được biết đã có một câu chuyện dài được gọi là "đòi nhà". Ông có thể chia sẻ đôi điều?

- Theo những gì tôi được mẹ tôi kể lại và những giấy tờ gia đình còn lưu giữ được thì năm 1910, ông tôi ra Hà Nội đã chọn phố Hàng Đường để định cư, lúc đầu thuê một ngôi nhà gần phía chợ Đồng Xuân, sau đó (1917) thì mua ngôi nhà 27 Hàng Đường mà gia đình chúng tôi vẫn ở và đăng ký hộ khẩu đến nay. Hơn 100 năm rồi, kiến trúc của ngôi nhà về căn bản vẫn như ban đầu, chỉ có sửa đôi chỗ cho hợp với gia cảnh ngày một đông…

Ngôi nhà này cũng là nơi cha tôi và ba anh em tôi, sau này là các con chúng tôi sinh ra và lớn lên cùng gia đình với biết bao kỷ niệm vui buồn… Năm 1942 khi mẹ tôi về làm dâu cũng bước vào cửa ngôi nhà này, cuối năm 1946, cha tôi hy sinh chỉ cách nhà mình vài trăm thước, đồng đội cũng đưa về chôn tạm ở sát ngôi nhà này để mẹ tôi từ nơi tản cư về chôn cất… Với chúng tôi, nó thực sự là "ngôi nhà di sản" không chỉ vì nó đã trên một trăm năm tuổi mà còn chứa chất biết bao kỷ niệm của gia đình…

Còn những hệ lụy liên quan đến ngôi nhà này dẫn đến một vụ khiếu kiện hơn 30 năm mà nhiều đã người "nghe nói", nhưng thực ra nó chỉ liên quan cửa hàng và lối ra vào mà thôi. Tuy nhiên vì nó dính đến chuyện "cải tạo nhà cửa", "cải tạo tư sản", động chạm và gây bức xúc đến không ít gia đình Hà Nội "cũ"… nên khó nói cho thấu đáo trong một bài phỏng vấn.

Đó là ngôi nhà có mặt bằng 110m2, hai tầng và có 2 lối ra vào rất điển hình của phố cổ có cổng trước (27 Hàng Đường là lối ra vào, đăng ký địa chỉ và dùng làm cửa hàng) và cổng sau (23 Ngõ Gạch là nhà vệ sinh, chỗ để xe…). Những rắc rối chỉ liên quan đến diện tich lối cửa ra vào. Sự thể là:

Sau ngày ta về tiếp quản Thủ đô (10/1954), mẹ tôi gặp lại một người liền chị quen biết từ trước ngày Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Đó là phu nhân của một vị tướng. Lúc này Nhà nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế, nên người liền chị này tìm đến mẹ tôi lúc đó đang mở cửa hàng buôn bán nhỏ ở nhà để nuôi mẹ chồng và 3 con liệt sĩ. Bà vận động mẹ tôi và qua đó là bà con công thương trong hàng phố có cửa hàng tham gia làm "kinh tiêu mậu dịch", nghĩa là nhận hàng của mậu dịch quốc doanh về bán tại nhà mình, để phục vụ dân thành phố, dùng cửa hàng tư nhân để tiêu thụ hàng nhà nước mà mình lại có thu nhập…

Được một thời gian phát triển tốt, nhưng đến khi chủ trương "cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh" (1958) thì Nhà nước tuyên bố những người hoạt động kinh doanh phải kê khai tài sản của mình (từ vàng bạc, vốn liếng,  cửa hàng… đến cả tư trang, mâm đồng, quạt máy hay cái xe đạp…) rồi phân loại theo tiêu chuẩn nào đó (số vốn hay phương thức kinh doanh).

Căn cứ theo phân loại thì một số người, trong đó có mẹ tôi, là "tư sản", một cách gọi rất mới mẻ (trước đó thì gọi là các nhà công thương) và tiếp tục cộng tác với nhà nước dưới phương thức mới là "công tư hợp doanh".

Quá trình sau đó, những nhà tư sản tham gia lao động. Như mẹ tôi vì nhà có bán vải nên đi làm thợ may. Làm thợ cũng được nhận lương hàng tháng như công nhân, ngoài ra còn được nhận 6 phần nghìn giá trị số tài sản đã "hợp doanh với nhà nước" được gọi là "tiền tức" (lãi từ số vốn góp). Thời chiến tranh phá hoại, mẹ tôi cũng sơ tán theo xưởng may…

Nhưng gần hai chục năm sau, vào năm 1976, các nhà "tư sản" không còn gọi là "tư sản" nữa mà gọi là "nhân viên bên tư". Chỉ có điều trong lý lịch cá nhân và các thành viên gia đình thì vẫn không thay đổi (vẫn là "tư sản" thêm chữ "dân tộc"). Nhưng điều đáng nói nhất là toàn bộ số tài sản "hợp doanh" từ nay sẽ… là tài sản "công" chứ không phải "tư". Tiền "tức" hàng tháng bị cắt và được giải thích lại là lâu nay "tiền tức" không phải là "lãi" của vốn góp mà là trích vốn "trả dần", nên đến đây là… "hết". Đó cũng là thời điểm mẹ tôi đến tuổi về hưu chỉ thu nhập vào đồng lương hưu của một thợ may, bao nhiêu tài sản "hợp doanh" trong đó có cả diện tích cửa hàng bị coi là "đã góp vốn" và thanh lý (!).

Cuộc sống khó khăn nhưng mẹ tôi và cả nhà đều chấp nhận như mọi người khác cùng cảnh ngộ. Vốn liếng hay giá trị các tài sản khác mẹ tôi sẵn sàng buông bỏ. Ngay cả mấy căn nhà của bên ngoại cho như của hồi môn để cho thuê, khi chính sách cải tạo nhà cửa nhà nước quản lý mẹ tôi cùng không màng tới. Nhưng với ngôi nhà hương hỏa của nhà chồng thì mẹ tôi kiên quyết đòi lại. Hơn thế cái diện tích cửa hàng bị "hợp doanh" ấy, cuối cùng lại rơi vào tay tư nhân khi một số cán bộ quản lý biển lận sang tên cho nhau…

Cũng phải nói rõ rằng, số diện tích chừng 40m2 ấy dành một nửa cho một gia đình cán bộ đến "ở tạm" rồi kéo dài ngót hai chục năm, nhưng may mắn họ lại là những người rất tốt. Qua bao nhiêu năm kể cả thời gian chiến tranh phá hoại và kinh tế khó khăn, gia đình tôi và gia đình ấy sống rất chan hòa. Khi người chồng có tiêu chuẩn được cấp nhà, gia đình ấy giao lại cho mẹ tôi "vô điều kiện" và đến nay hai gia đình vẫn giữ quan hệ thân thiết. Như vậy, trên thực tế, gia đình tôi chỉ đòi lại quyền sử dụng chừng hai chục thước cửa hàng nhưng lại là lối đi của ngôi nhà. Cần nói rõ điều này vì rất nhiều người tưởng mẹ tôi đòi và sau này lấy lại được "cả một ngôi nhà ở phố cổ".

Mẹ tôi làm đơn khiếu nại từ năm 1976 với một lập luận kiên định là "không thể tước đoạt nhà của một liệt sĩ (thêm bà nội tôi được phong Bà mẹ Việt Nam Anh hùng)", mãi đến năm 2006 mới được giải quyết.

Khi về làm Bí thư Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị chỉ thị phải giải quyết dứt điểm vụ việc này nhưng đúng với quy định pháp luật. Nghe có vẻ "bất khả thi" nhưng rồi cũng đến hồi kết: cơ quan nhà đất phải vào cuộc, sau khi chuyển gia đình đang chiếm dụng cửa hàng này đi chỗ khác (đổi cho một diện tích khác), thành phố cho mẹ tôi ký hợp đồng "thuê lại" diện tích trên (chính ngôi nhà của mình), rồi sau một thời gian, vận dụng Nghị định 61 "bán" lại cho mẹ tôi…

Câu chuyện 30 năm "đòi nhà" là  như vây, chỉ có hơn 20 thước vuông mà tốn nhiều giấy mực, ồn ào trong dư luận, nhiều đồng đội của bố tôi và các vị cựu chiến binh, lão thành kể cả một vài vị lãnh đạo có lòng trắc ẩn và nhất là anh chị em trong giới truyền thông vào cuộc… Còn anh bạn nhà báo Xuân Ba thì rút cái đầu đề bài viết của mình đến nay tôi vẫn nhớ "Mẹ đòi nhà từ lúc tóc còn xanh…" . Tôi còn nhớ bác Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) lúc sinh thời đã đến nhà thăm mẹ tôi khi cái khoảnh đất vừa được "thu hồi".

Ông Dương Trung Quốc kể chuyện đòi nhà phố cổ và làm sử bằng mồm - 8

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một dịp đến nhà số 27 Hàng Đường thăm mẹ của ông Dương Trung Quốc (Ảnh ông Dương Trung Quốc cung cấp).

Đã có lúc ông chủ tịch Hà Nội gặp gia đình tôi nói rằng thành phố sẵn sàng cấp một diện tich khác có giá trị để "đền bù", nhưng mẹ tôi chỉ trả lời đơn giản: "chỉ đòi lại cái gì hợp pháp của gia đình liệt sĩ thôi". Diễn giải một cách đơn giản nhưng không kém phần quyết liệt, bà nói với con cháu như một lời nguyền "Mẹ vào ngôi nhà này bằng cửa nào thì mẹ sẽ rời ngôi nhà này cũng bẳng cửa ấy". Bà về nhà chồng năm 17 tuổi, góa chồng 21 tuổi là vợ liệt sĩ nhưng rồi được quy thành "tư sản" năm 32 tuổi, bắt đầu đòi lại nhà khi đã 51 tuổi và thu hồi được tài sản của nhà chồng năm 81 tuổi (2006)… và 17 năm sau (2023) mẹ tôi rời khỏi ngôi nhà "định mệnh" của mình để "đi gặp cha tôi" thì đã 98 tuổi, đúng với lời nguyền!

Xin hỏi ông một câu hơi "nhạy cảm" rằng nếu ông không phải là đại biểu Quốc hội thì có thể "đòi' được không?

- Đúng là việc tôi tham gia Quốc hội tạo thuận lợi hơn, nhưng không phải vì chiếu cố tiêu chuẩn mà chủ yếu vì kiến nghị của mẹ tôi (dân) đến tay những người lãnh đạo; còn các cấp trung gian họ sẽ khoanh tay bất động nếu không trả lời được câu "thế tôi được cái gì?". Nên mọi chính sách chỉ nằm trên giấy. Cái bế tắc là ở khâu đó…

Khi ông Bí thư vào cuộc thì mọi việc được thực hiện và thực ra phương cách giải quyết đã được ông Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn chỉ thị từ lâu nhưng một số cán bộ cấp dưới ở thành phố… không làm hoặc đưa ra đủ cớ để trì hoãn

Câu chuyện "đòi nhà" của gia đình tôi là như vậy. Rồi mọi cái cũng qua đi và Hà Nội có biết bao nhiêu ngôi nhà và những câu chuyện tương tự vừa éo le vừa bức xúc?... Đã có lúc, tôi lẩn thẩn nghĩ rằng câu chuyện ngôi nhà của mình đáng là đề tài của một luận án tiến sĩ lịch sử… rất hay về Hà Nội một thời?!

Ông Dương Trung Quốc kể chuyện đòi nhà phố cổ và làm sử bằng mồm - 10

Ngôi nhà 2 tầng ở bìa phải ảnh là nhà số 27 Hàng Đường, chụp 1905 (Ảnh tư liệu).

Ông vừa nói về luận án tiến sĩ, nên xin hỏi ngay cái điều mà cũng nhiều người quan tâm: Vì sao làm việc trọn đời trong một ngành khoa học xã hội mà ông không làm luận án tiến sĩ?

- Tôi tốt nghiệp khóa IX (1964 -1968), khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp là được Viện trưởng Trần Huy Liệu trực tiếp nhận về làm việc tại Viện Sử học (1969) cho đến lúc về hưu (2007). Nhưng trên thực tế thì sau một nhiệm kỳ làm Viện phó thì từ 1988 tôi đã chuyển sang làm ở Hội Sử học và Tạp chí Xưa & Nay, được giao làm Tổng Thư ký Hội (1988) và Tổng biên tập (1994) cho … tới nay.

Khi làm ở Viện Sử học, trong trào lưu và sau này là quy chế cán bộ, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp đều phải đăng ký và được đào tạo các chương trình cơ sở để tiến tới làm luận án phó tiến sĩ… Đến nay nhiều đồng nghiệp của tôi đã có học hàm học vị cao mà tôi rất cảm phục vì trình độ thực học của họ. Tuy nhiên, sống với nghề tôi cũng biết mặt trái trong việc đào tạo trên đại học, mà câu chuyện như ở Đại học Đông Đô hay một số cơ sở đào tạo khác… đã và vẫn còn gây ồn ào dư luận. Nhìn chung là với việc đào tạo để có học hàm học vị tôi không coi thường nhưng cũng không quá coi trọng.

Còn việc tôi không làm thì có lý do riêng. Tôi cũng có thời hăng hái như mọi đồng nghiệp ở Viện Sử học, nhưng rồi gặp một sự cố mang tính thủ tục trong thi cử, thấy rối rắm qua (nội vụ sự việc có dịp sẽ kể), tôi tự hỏi nếu mình không có học hàm học vị thì có tồn tại với nghề được không? Làm luận án rất tốn kém thời gian, thủ tục lại rườm rà và nhiều khâu cũng phải "nhanh nhạy", có thực sự nâng cao hiểu biết hay chỉ được mảnh bằng và cái danh? Rồi công việc mà tôi được giao và tâm đắc là làm công tác Hội cũng như điều hành một tờ tạp chí đòi hỏi mình cần hiểu rộng hơn là chuyên sâu nên cố công làm một cái luận án có thiết thực không? …

Nói cách khác, việc tôi không có học hàm học vị cũng như không phải là đảng viên, nếu là thử thách thì mình có vượt qua để có chỗ đứng trong đời sống nghề nghiệp và xã hội không? Vì thế, tôi quyết định không theo đuổi chương trình sau đại học và "lấp liếm" khi được hỏi "tại sao?" bằng câu trả lời "Cứ dùng hết công suất cái bằng cử nhân cũng đủ làm được khối việc!".

Và … đúng là như vậy! Đến hôm nay, tôi coi đó là một quyết định đúng đắn. Bằng cấp cao nhất của tôi bây giờ vẫn là cử nhân sử học nên cũng phải chấp nhận những hạn chế theo quy định. Ví như: không đủ tư cách giảng dạy trong Đại học, tôi đã từng làm Phó Viện trưởng Viện Sử học một nhiệm kỳ, nhưng sau đó theo quy định muốn làm tiếp thì phải thi phó tiến sĩ hay vào Đảng; bây giờ cũng vậy, không bằng lý luận cao cấp, không bằng đại học báo chí thì không thể làm tổng biên tập được. Cuộc sống thay đổi phải chấp nhận thôi, từ lâu tôi đã xin rút nhưng cũng phải chờ "theo quy trình"… Nhưng trong các hoạt động chuyên môn và xã hội khác tôi vẫn tìm được chỗ đứng xứng đáng của mình…

Sau khi 4 nhiệm kỳ Quốc hội kết thúc (2022), tôi bắt đầu "hạ cánh", từ nhiệm các chức trách ở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Liên Hiệp các Hội Hòa bình Hữu nghị, các hội Việt - Mỹ, Việt - Trung, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội… (sau nhiều nhiệm kỳ tham gia), rồi Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Nguồn Nhân lực, Hội Di sản, Hội Người Cao tuổi, Hội Hồng thập tự… (sau một nhiệm kỳ tham gia).

Sắp tới, theo nhiệm kỳ tôi sẽ thôi Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng Di sản Quốc gia và sau Đại hội của Hội Sử học sẽ rút nốt… là xong. Kể lể hơi nhiều chỉ để nói rằng không học hàm học vị, vẫn có thể có một chỗ đứng trong cuộc sống nghề nghiệp và xã hội. Đó cũng là câu tự trả lời cho câu hỏi tôi tự đã đặt ra khi quyết định không theo đuổi "trên Đại học"… Tôi nói điều này cũng là để nói với các bạn trẻ rằng không nhất thiết phải khoác lên mình những gì dù rất hào nhoáng nhưng không cần thiết…

Ông Dương Trung Quốc kể chuyện đòi nhà phố cổ và làm sử bằng mồm - 12

Điều gì đã gắn bó với ông với sử học ?

- Đây là câu chuyện mang tính tình cờ nhiều hơn là một sự… lựa chọn. Năm tôi học lớp 10 (lúc đó hệ 10 năm), lần đầu tiên có thi học sinh giỏi môn sử. Thú thật là từ nhỏ tôi không có gì tỏ ra có năng khiếu với môn sử, nhưng lại được học các thầy dạy sử rất hay (mà tôi còn nhớ là thầy Sửu và cô Mai ở trường Chu Văn An), nên khi trường cử tôi đi thi thì cũng đạt được một phần thưởng thâm thấp tựa khuyến khích gì đó... Năm đó (1964) cũng là năm cuối cùng phải thi vào đại học (từ năm sau, có chiến tranh phá hoại, sơ tán, nên chỉ tuyển theo chỉ tiêu).

Thi đại học tôi ghi danh vào Khoa Sử, sau khi tốt nghiệp về Viện Sử học (1969), rồi chuyển sang công tác ở Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, làm tạp chí Xưa & Nay. Tôi kết thúc đời công chức năm 2007 cũng tại Viện Sử học (2007).

Mọi người thường nhắc đến "tứ trụ Sử học" của Việt Nam là các Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng. Vị nào là người có ảnh hưởng nhất đến cuộc đời nghề nghiệp của ông?

- Có lẽ ở miền Bắc với những người thuộc thế hệ tôi, bất cứ ai có liên quan đến sử học đều là học trò của các vị này, vì các thầy là những người đứng trên bục giảng từ lứa sinh viên Khoa Sử đầu tiên. Nhưng khi còn là sinh viên Khoa Sử, tôi rất ít được nghe các thầy giảng, vì thời gian mới nhập trường, chúng tôi đã lên đường sơ tán (1965). Xây dựng cơ sở hạ tầng và những công việc chuẩn bị cho cuộc sống thời chiến khiến chúng tôi không có nhiều thời gian lên lớp. Tuy nhiên, ấn tượng và ảnh hưởng của các thầy thì rất lớn.  

Ông Dương Trung Quốc kể chuyện đòi nhà phố cổ và làm sử bằng mồm - 13

Ít được học các thầy trên bục giảng, nhưng tôi lại có nhiều cơ hội gần gũi trong đời sống nghề nghiệp. Nếu nói chi tiết thì tôi có 20 năm gắn với Viện Sử học (1969 - 1988), Giáo sư Nguyễn Đổng Chi là người hướng dẫn những bước học nghề đầu tiên của tôi, đặc biệt là hứng thú làm sử liệu.

Tiếp đó gần 4 thập kỷ gắn với Hội Sử thì các thầy Trần Quốc Vượng, đặc biệt là thầy Phan Huy Lê và cũng không thể không nói đến thầy Đinh Xuân Lâm (chuyên về sử cận đại), là những người đã định vị (giao phó) và đồng hành (dìu dắt) tôi cho đến khi các thầy khuất núi...

Năm 1988, tại Đại hội II của Hội Sử học Việt Nam, dường như danh sách Ban chấp hành "ván đã đóng thuyền" trong quá trình hiệp thương vận động theo thông lệ. Nhưng lúc nghỉ trưa, chờ phiên họp cuối cùng vào buổi chiều để làm nốt thủ tục bầu Ban chấp hành mới, thì thầy Vượng tâm sự với các học trò cùng ngồi bên quán nước vỉa hè… về mong muốn có nhiều người trẻ tham gia thay vì toàn các ông già (dù năm đó thầy mới 54 tuổi!) và chức sắc, rồi thầy nói: "Tôi sẽ rút, các anh chị có ai ứng cử không?". Thấy không có ai trả lời, tôi (có thể đã hơi ngấm chút nồng độ cồn) đáp lại "vâng, thì để em"…

Rồi buổi chiều đã diễn ra việc đó… khiến Đại hội tranh luận sôi nổi và phải kéo dài thêm một buổi để rồi kết quả bầu cử không như dự kiến… Đó cũng là Đại hội phục hồi lại Hội Sử học sau một thời gian khá dài im ắng kể từ khi Hội trưởng Trần Huy Liệu đột ngột từ trần (1969) và chiến tranh lan rộng ở miền Bắc.

Ban chấp hành khóa II đã nhất trí bầu Giáo sư Phan Huy Lê làm Chủ tịch Hội. Đến đoạn bầu Tổng thư ký, sau câu hỏi theo thủ tục rằng có ai ứng cử không? Không thấy hồi âm, thì vị tân Chủ tịch quay sang tôi và nói: "Cậu ứng cử vào Ban chấp hành thì cậu gánh việc này thôi". Một cách rất vô thức, tôi trả lời "Vâng ạ, nếu mọi người nhất trí". Thế là sau một tràng vỗ tay, tôi trở thành Tổng thư ký Hội kéo dài cho đến… bây giờ, cho dù vào thời điểm ấy, tôi chưa bao giờ hình dung mình sẽ phải làm gì.

Vậy sau đó ông thực hiện nhiệm vụ của mình như thế nào?

- Nhiệm vụ được giao nhưng chẳng có một đồng kinh phí. Trụ sở thì được Bảo tàng Cách mạng cho tá túc ở một gian phòng thường trực chừng hơn 10m2, bù lại có khoảng sân phía trước rộng mênh mông, rộng cửa đón mọi người.

Trong công tác Hội, thầy Lê là Chủ tịch Hội, giữ quan hệ với những người có trách nhiệm trực tiếp trong hệ thống tổ chức, còn tôi thì đảm nhiệm vị trí thường trực bộ máy và công việc. Chúng tôi làm việc đúng với tinh thần "hội hè" thân ái, thoải mái và tin cậy trong quan hệ nhưng rất sâu sát với công việc và nghiêm túc khi cần xử lý cụ thể. Ngay đối với các bạn trẻ là nhân viên có phụ cấp hay các anh chị cao tuổi đến làm "tình nguyện" của Hội cũng vậy…

Trong 38 năm gắn với Hội Sử học, giai đoạn đầu tôi làm Tổng thư ký, sau này được bầu làm thêm Phó Chủ tịch Hội nhưng mọi người thường chỉ nhớ đến công việc Tổng thư ký của tôi. Đến năm 1993, thầy Lê giao cho tôi lập cơ quan ngôn luận của Hội và số tạp chí Xưa & Nay đầu tiên ra mắt đón Xuân Giáp Tuất (1994).

Đó cũng là thời điểm công cuộc Đổi mới đang khởi động. Trước đó ở Viện Sử học, tôi cũng được Viện trưởng Nguyễn Hồng Phong chọn làm Viện phó cho ông. Rồi sau khi tạp chí Xưa & Nay hoạt động, tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam, tôi được anh em hội viên đề cử (ngoài dự kiến) và trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương Hội. Rồi tôi còn được đề cử làm ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa X (năm 1997) với tư cách là người của Hội Sử học…

Ở nước ta, một người "hai không" như tôi là không phải đảng viên, không có học hàm, học vị, mà tham gia vào những vị trí công việc kể trên có lẽ không nhiều, nếu không muốn nói là "khác thường", nhưng phải chăng cũng là biểu thị sự Đổi mới?…

Sau một nhiệm kỳ ở Viện Sử học, tôi rời khỏi Viện để "full time" cho việc Hội. Ở Hội Sử học, thầy Lê là thủ trưởng cao nhất của tôi. Nhưng thực lòng, tôi ít khi cảm nhận mối quan hệ cấp trên - cấp dưới mà chỉ luôn giữ cảm xúc về mối quan hệ thầy trò và đồng nghiệp.

Một lần tôi hỏi thầy Lê: "Tại sao thầy biết em không phải đảng viên, lại chẳng có học hàm, học vị gì mà lại giao cho em công việc mà em thấy ở các hội khác là một chức trách rất quan trọng và nhiều người muốn gánh vác như thế này?". Chủ tịch Hội cười và bảo "thì chính tôi cũng mới vào Đảng, vả lại tôi có cho cậu cái chức ấy đâu mà là sự nhất trí của tập thể. Hơn nữa vấn đề là cậu có làm được việc không. Nếu không làm tốt để được anh em tín nhiệm thì chẳng phải chờ đến khóa sau, mà không có việc thì cái chức chẳng là cái gì… Hội là thế mà".

Từ đó tôi yên tâm làm việc và thầy cũng như các anh chị khác cũng tin cậy giao phó… Rồi thành viên tham gia Hội cả ở tư cách hội viên lẫn làm công việc chuyên trách ngày càng đông, nhất là các vị lão thành và cựu chiến binh, việc ngày càng nhiều, bận bịu nhưng vui vẻ và chúng tôi đã làm được nhiều việc có ích.

Còn về chuyện tôi được Hội đề cử vào Quốc hội, ban đầu tôi cũng thắc mắc với thầy Lê: "Em đã biết làm đại biểu là gì đâu mà thầy lại đưa em vào?". Thầy nhắc lại: "Lúc giao nhiệm vụ Tổng thư ký thì cậu chẳng nói đã biết làm gì đâu…" Làm xong hồ sơ ứng cử rồi, lòng tôi vẫn thấy không yên. Lúc này Hội vận động được một thầy nổi tiếng và rất có uy tín trong giới ra ứng cử, vậy nên tôi rút êm… Nhưng đáng tiếc, thầy mình không qua được vòng bầu cử ở một địa phương miền Tây Nam Bộ.

Đến khóa tiếp theo (khóa XI, 2002), thầy Lê lại vận động tôi tham gia ứng cử và nói: "Giá như lần trước cậu không rút…". Tôi hiểu ý và nhận lời. May mắn thế nào tôi lại trúng cứ tại một địa phương ở miền Đông Nam Bộ. Kể từ đó, cứ hết một nhiệm kỳ tôi đều viết đơn cho Chủ tịch Hội có câu "Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, xin Hội giới thiệu người khác". Nhưng thầy Chủ tịch và thường vụ Hội vẫn động viên tôi ra ứng cử tiếp…, trở thành đại biểu Quốc hội liên tục 19 năm qua 4 nhiệm kỳ (2002-2022).

Đến nhiệm kỳ gần đây, tôi kiên quyết xin rút vì những lý do mà tôi đã nói công khai lúc kết thúc nhiệm kỳ ở Quốc hội khóa XIV (già và cũ rồi). Hội cũng đồng ý với đề nghị của tôi, chỉ có điều lúc này thì thầy Lê đã không còn nữa và tiếc là người đại diện cho Hội Sử học ứng cử khóa XV lại thất cử…

Ông Dương Trung Quốc kể chuyện đòi nhà phố cổ và làm sử bằng mồm - 15

Từ trái qua: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; ông Phan Thanh Binh, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Dương Trung Quốc.

Ngoài "hai không" mà tôi đã nêu ở trên là không phải đảng viên và không có học hàm học vị, thì một số người còn nhận xét về "một không" khác nữa của tôi, đó là "nhà sử học chẳng có công trình khảo cứu dày dặn nào mà chỉ rặt là những bài phát biểu miệng và bài báo không được tính là chỉ số khoa học (ISSN)..." nên khoác thêm cho tôi một danh hiệu mỹ miều "nhà sử học bằng mồm"!

Vậy ông nghĩ sao về những nhận xét và danh hiệu ấy?

Lúc đầu nghe cũng hơi chạnh lòng, đỏ mặt… nhưng ngẫm kỹ thấy những nhận xét ấy không hoàn toàn sai. Đơn giản vì ngay từ đầu tôi đã không có ý định thành những nhà khảo cứu kinh viện nên đã sớm từ bỏ ý định lấy thêm bằng cấp. Tôi rất phục các đồng nghiệp đi theo con đường học vấn ấy, nhiều bạn lấy bằng cấp từ nước ngoài rất danh giá và đương nhiên in nhiều ấn phẩm rất dày dặn và nổi tiếng là những chuyên gia.

Riêng tôi, từ khi còn nhỏ, cổng sau nhà ở Ngõ Gạch có Rạp Kim Môn, có thời ban ngày dùng làm nơi tổ chức câu lạc bộ truyền bá kiến thức khoa học nên tôi hay đến nghe thấy rất bổ ích, trong đó cũng có các buổi thuyết trình về lịch sử… Đến khi làm công tác Hội và tạp chí lại càng thích công việc truyền bá…Vì thế tôi rất gần với nhu cầu xã hội và đáp ứng nhu cầu ấy bằng rất nhiều cách, trong đó có việc tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo đề cập tới rất nhiều vấn đề lịch sử được xã hội quan tâm.

Vì điều hành nhiều hội thảo khoa học và biên tập nhiều bài tạp chí nên tôi học được rất nhiều và góp phần tháo gỡ, chiêu tuyết hay làm phong phú vào đời sống sử học không chỉ trên giấy. Với cuộc vận động "Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân", hơn hai chục năm qua đã tạo tác được nhiều trăm bức tượng của hàng trăm danh nhân rải trên cả nước…

Đặc biêt, trong ngót hai thập kỷ ở Quốc hội, tôi có diễn đàn để nói và hình như nói toàn chuyện lịch sử (!?). Tôi thường nói rồi mới viết chứ không viết rồi đọc. Và thực sự tôi thấy lịch sử đúng là vạn năng.

Còn nhớ trong một lần phát biểu tại Quốc hội, tôi nhắc đến một sắc lệnh của Hồ Chủ tịch ký (14/4/1948) quyết định trao những tấm Huân chương Quân công đầu tiên cho ba lực lượng vũ trang tiền bối (là Đội Tuyên truyền Giải phóng quân, Đội Du kích Bắc Sơn và Đội quân Nam Kỳ khởi nghĩa) mà quyết định đó vẫn chưa được thực hiện. Sau đó, tôi cùng các cụ lão thành của ba lực lượng ấy làm văn bản tới các cơ quan có trách nhiệm để rồi ít lâu sau nhà nước đã làm lễ trao tặng dù chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng, vì phần lớn những thành viên của ba lực lượng trên không còn…

Khi bàn về Luật Phòng chống tham nhũng tôi nhắc đến những việc người xưa đã làm, vua Minh Mệnh xử án con vi phạm "luật giao thông", cụ Đăng Huy Trứ viết sách "Từ Thụ Yếu Quy" bàn về hối lộ; Hồ Chủ tịch lập Ban Thanh tra đặc biệt, Tòa án đặc biệt ngay sau khi ký sắc lệnh thành lập "chính quyền nhân dân"…

Bàn đến Luật đê điều tôi nhắc lai cuộc thảo luận của triều Tự Đức là nên bỏ hay giữ đê.

Kiến nghị Quốc hội thực hiện "Tuyên thệ", tôi nhắc đến Cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh thời Vua Hùng cho đến Hòn đá thề tại nơi họp Quốc dân Đại hội ở Tân Trào…

Bàn về "Văn hóa từ chức" tôi nhắc lại việc Đức Trần Nhân Tông rời bỏ ngai vàng khi còn rất trẻ… cho đến việc Tổng Bí thư Trường Chinh từng bị thôi chức sau kiểm điểm Cải cách Ruộng đất để rồi 30 năm sau ông lại thành người phất cờ Đổi mới v.v…

Ở Quốc hội có người trách tôi hay nói chuyên lịch sử quá và thành thật nhận rằng nhiều điều họ không biết là có thật hay không, nhưng vì là tôi nói giữa Quốc hội nên họ không nghi ngờ, nên… nhất trí!? Còn tôi chỉ nhận là "người nhắc vở".

Ông Dương Trung Quốc kể chuyện đòi nhà phố cổ và làm sử bằng mồm - 18

Nghĩ thế nên tự thấy mình đúng là có"làm sử bằng mồm" (cũng giống như nghề giáo) nhưng lại thấy đó là lợi khí và may mắn không phải ai cũng có cơ hội để nói... như mình. Rồi từ "làm sử bằng mồm" tôi dễ dàng chuyển sang làm sử bằng bút, nhưng chỉ viết ngắn, dễ hiểu, dễ đọc, phát hiện cái mới và nặng về sử liệu… ít bàn đến những lý luận cao xa…Nhưng hình như tôi viết cũng không ít đâu…

Vâng, nhiều người thấy ông có dáng dấp nhà báo hơn nhà sử, ông nhiều năng động mà ít đạo mạo… Ông nghĩ sao?

- Giữa Sử và Báo có khác biệt nhưng rất tương đối, ở phương Tây người làm báo chính là người viết sử đương đại, nhiều nhà báo giỏi sau trở thành những sử gia nổi tiếng. Ở ta, như thầy Trần Quốc Vượng viết báo nhiều hơn viết sách, những cuốn tập hợp bài viết của thầy trở thành những di sản sử học nổi tiếng nhất. 

Ông Dương Trung Quốc kể chuyện đòi nhà phố cổ và làm sử bằng mồm - 20

Ảnh trên, hàng đầu từ trái qua: Giáo sư Phan Huy Lê, nguyên Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Dương Trung Quốc trong một dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Hội Sử học (Ảnh NVCC).

Còn tôi viết báo vì nghề và cũng vì thấy đó là sở trường. Chỉ có điều tôi ít thời gian và cũng ngại tập hợp in sách. Sách tôi chỉ viết một thể loại là "biên niên" mà tôi tự cho mình cũng là người khởi xướng (cùng đồng nghiệp Dương Kinh Quốc) ở Viện Sử. Cuốn đầu tiên (Việt Nam những sự kiên 1919-1945) cũng 500 trang.

Một loại biên niên về Cụ Hồ (Hồ Chí Minh ngày này năm xưa) cũng 1.100 trang. Cuốn này được chuẩn bị bằng 365 bài viết, mỗi bài đúng 600 chữ đăng suốt một năm trên báo "Sài Gòn Giải phóng", rồi biến thể thành 365 buổi phát hình (tôi tự quay) trên Đài Đồng Nai 10 phút mỗi sáng trong năm kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác (2010).

Tôi cũng đã in gần 500 bài viết liên tục trong 8 năm giữ chân trang "Nghĩ ngợi cuối tuần" trên báo Lao động. Tôi cũng đã viết đúng 100 bài liên tục 2 năm trên báo "Tuổi Trẻ Chủ nhật" điểm qua 100 năm của thế kỷ XX (Theo bước đi của thời gian). Và mới đây thử sức 100 bài cùng hơn ngót 2.000 tấm ảnh sử liệu trên "Văn Hóa - Thể Thao" của Thông Tấn xã.

Sắp tới nếu công trình "Quốc sử" được công bố thì tôi và các cộng sự sẽ có một cuốn biên niên mà bản thảo đã trên ngàn trang khổ lớn… Và nếu tính cả các cuộc triển lãm lớn mang tính chuyên đề thì tôi cũng có nhiều chục cuộc mà đã được in thành sách…

Với tờ Tạp chí Xưa & Nay đến nay đã ra hơn 550 số, có thời tôi đã viết liên tục hàng trăm "Lá thư tòa soạn" và hàng trăm bài nhiều thể loại đặc trưng của một tờ báo truyền bá kiến thức lịch sử. Và tôi dám nói rằng mình là tổng biên tập đi "kiếm ăn" ở báo ngoài (kể cả báo viết, báo nói, báo hình) thuộc loại nhiều nhất và nghe nói khiến cơ quan chức năng phải nhắc nhở nên hạn chế (?!).

Ông Dương Trung Quốc kể chuyện đòi nhà phố cổ và làm sử bằng mồm - 22

Xin hỏi Ông nghĩ gì với câu dân gian tổng kết khi theo dõi hoạt động của các đại biểu ở Quốc hội "nhất Ngoạn, nhì Lân, tam Trân, tứ Quốc" và còn có người bình luận Ông nổi tiếng là "người khôn ngoan"?

- Cho phép tôi không trả lời câu đầu, vì tôi không phải là người đặt ra câu ấy, chỉ nghĩ có lẽ vì cái tên của mình hợp với vần của câu chữ.

Tôi nghĩ khôn ngoan là phẩm chất quan trọng nhất của con người. Thuật ngữ "homo sapiens sapiens" là danh pháp khoa học để chỉ sự "tinh khôn" của con người. Phẩm chất quan trọng nhất để con người đạt tới sự khác biệt với những gì không phải là con người.

Tôi nhớ khi mới tham gia Quốc hội, trả lời phỏng vấn của một tờ báo của Việt Kiều ở Mỹ tôi xác tín rằng mình"không phải là người đối lập" vì muốn đối lập thì vào Quốc hội làm gì?. Mình chỉ mong phấn đấu là người "độc lập" để đóng góp được những gì thực của mình có thể đóng góp được cho cái chung của Đất nước. Tôi cũng đưa ra lời tự răn "đừng để đầu lìa khỏi cổ" vì đầu đã lìa thì mồm đâu nói được…, ăn có nhai, nói có nghĩ là vậy, không được bốc đồng, văng mạng.

Ông Dương Trung Quốc kể chuyện đòi nhà phố cổ và làm sử bằng mồm - 24

Tất nhiên, mặt trái của khôn ngoan là cơ hội. Thậm chí có người còn bảo tôi là dân túy, mà là "dân túy lỗi thời". Chấp nhận thôi! Cuộc sống bây giờ đa dạng. Vấn đề là người ta có thực tâm nghĩ như vậy không, và mình cũng phải xem lại để sửa mình. Còn nếu chỉ là một sự "chọc ngoáy" thì thôi, bỏ qua.

Chữ "cơ hội" hay "tùy thời" nếu hiểu theo nghĩa tốt là nghệ thuật sống. Tất nhiên mặt trái của nó là uốn éo, lươn lẹo thì lại là vấn đề khác. Tôi chẳng ngại lời bình của thiên hạ… nhất là trên mạng vì đấy là quyền của thiên hạ của thời đại này, chỉ mong lời lẽ cho chân thành và văn hóa. Ngẫm lại, tôi chỉ thấy mình đã biết nói đúng lúc, đúng chỗ và đúng mức… và cuối cùng là biết dừng lại khi mình tự biết là phải dừng (tuy có hơi muộn một chút). Có lẽ câu chuyện của chúng ta cũng nên dừng ở đây nhỉ, hẹn dịp khác nếu có thể!

Xin trân trọng cảm ơn ông Dương Trung Quốc!

Nội dung: Võ Thành

Ảnh: Thành Đông

Video: Phạm Tiến, Minh Quang

Thiết kế: Tuấn Huy