1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ô tô gặp sự cố trên cao tốc, tài xế xử lý như thế nào?

Trần Thanh

(Dân trí) - Từ vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, khi ô tô gặp sự cố trên đường cao tốc, các tài xế phải xử lý ra sao để tránh xảy ra tai nạn?

Liên quan tới vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa có báo cáo sơ bộ. Theo đó, ông Lê Hoàng Quân - tài xế xe khách - trong quá trình lái xe trên cao tốc đã để đuôi xe của mình va vào đuôi xe tải cùng chiều. Xe tải này do ông Phan Đình Thành điều khiển, đang bị nổ lốp và phải dừng đỗ giữa đường.

Cú va chạm khiến 2 người trên xe khách tử vong; 3 người bị thương; 5 người phải chăm sóc, phục hồi tinh thần.

Ô tô gặp sự cố trên cao tốc, tài xế xử lý như thế nào? - 1

Xe khách dập nát phần đuôi sau vụ tai nạn (Ảnh: Công an cung cấp).

Theo báo cáo, tài xế Lê Hoàng Quân đã không chú ý quan sát, điều khiển xe khách gây tai nạn giao thông. Tài xế ô tô tải Phan Đình Thành cũng mắc lỗi khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy mà không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định.

Vậy ô tô gặp sự cố trên cao tốc cần phải có những cảnh báo như thế nào?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đường cao tốc là nơi các xe lưu thông với tốc độ cao - tối thiểu là 60km/h và tối đa là 120km/h, nên rất dễ xảy ra tai nạn nghiêm trọng nếu gặp chướng ngại vật bất ngờ trên đường.

Do đó, khi xe phải dừng khẩn cấp vì gặp sự cố, tai nạn, hoặc hết xăng, cần phải có tín hiệu cảnh báo từ xa, để các tài xế khác có thể chủ động giảm tốc và chuyển làn, tránh dẫn tới tai nạn liên hoàn.

Việc đầu tiên cần làm

Cục CSGT cho hay, việc đầu tiên tài xế cần làm khi xe gặp sự cố là bật đèn khẩn cấp, rồi cố gắng đưa xe vào trong làn dừng khẩn cấp; với xe nhỏ, nên đẩy xe vào lề đường bên phải. Việc bật đèn cảnh báo nguy hiểm khi đỗ xe trên lề đường, bất kể trên quốc lộ hay đường cao tốc, là quy định trong luật giao thông.

"Ngoài việc bật đèn khẩn cấp, cần đặt các vật dụng cảnh báo nguy hiểm, như tam giác phản quang, cọc tiêu hình nón... Nếu không mang sẵn những thứ này trên xe, có thể sử dụng cành cây lớn, đèn pin... để thu hút sự chú ý của các tài xế khác", Cục CSGT thông tin.

Ngoài ra, các tài xế nên đặt các vật dụng cảnh báo nguy hiểm cách xe từ vài chục tới 100-150m và nếu có thể, hãy xếp các cọc tiêu hình nón tạo thành một barie di động, để các xe khác không lao vào khu vực có xe gặp sự cố. 

Ô tô gặp sự cố trên cao tốc, tài xế xử lý như thế nào? - 2

Khi xe bị hư hỏng trên cao tốc, cần đặt biển cảnh báo từ xa (Ảnh minh họa: Mecar).

Để đảm bảo an toàn tính mạng, khi xe gặp sự cố, tất cả mọi người nên rời khỏi xe, di chuyển ra phía sau lan can đường hoặc khu vực càng xa làn đường xe chạy càng tốt. 

Cục CSGT cho hay, tình huống trên cũng nên được coi là bài học kinh nghiệm cho tất cả mọi người khi lái xe trên đường cao tốc; ngoài việc tuân thủ luật giao thông, khi đi trên đường cao tốc tài xế cần có một số kỹ năng cơ bản.

Trong đó, một trong những kỹ năng quan trọng là chú ý quan sát lối ra/vào đường cao tốc. Hãy chú ý các biển báo để có sự chủ động khi điều khiển phương tiện. Khi đi vào và thoát ra, bạn cần di chuyển vào làn thích hợp.

"Đừng hoảng loạn nếu lỡ đi quá lối rẽ. Hãy thoát ra tại lối rẽ kế tiếp và nhìn bảng chỉ dẫn cách quay lại đường cao tốc ở chiều ngược lại", đại diện Cục CSGT thông tin thêm.

Có thể xử lý hình sự 2 tài xế ô tô

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến hai người tử vong nên cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh nguyên nhân vụ tai nạn để xử lý theo pháp luật.

Theo luật sư Cường, với những thông tin bước đầu như vậy thì có thể sẽ xác định lỗi hỗn hợp của hai tài xế xe tải và xe khách trong tình huống này.

Cụ thể, nếu cơ quan chức năng cho thấy người lái ô tô tải đã có lỗi dừng đỗ không đúng quy định, và người lái ô tô khách có lỗi thiếu chú ý quan sát thì có thể sẽ khởi tố với cả hai tài xế này theo điều 260 Bộ luật hình sự.

Theo quy định của luật giao thông đường bộ, các phương tiện giao thông chỉ được phép dừng đỗ xe ở những đoạn đường có thiết kế làn dừng khẩn cấp, cho phép dừng đỗ theo quy định của pháp luật. Đồng thời việc dừng đỗ phải bật đèn tín hiệu hoặc có đặt cảnh báo theo quy định của pháp luật.

Ô tô gặp sự cố trên cao tốc, tài xế xử lý như thế nào? - 3

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Vi Thảo).

Ông Cường lấy dẫn chứng, theo quy định tại Điều 26, Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện trên đường cao tốc chỉ được phép dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng quy định thì người điều khiển xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.

"Nếu người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ cố tình dừng lại trên đường cao tốc, mà không có lý do chính đáng nhưng chưa gây tai nạn giao thông, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp dừng đỗ xe không đúng quy định, mà gây tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Cường nói.