1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

“Ô nhiễm môi trường không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng”

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chỉ đạo Tổng cục Môi trường đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, nhất là tại Hà Nội và TPHCM trong năm 2020.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 tổ chức hôm qua (25/12), ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định, cơ quan này đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, trong đó có một số mục tiêu, nhiệm vụ đạt kết quả tốt.

“Ô nhiễm môi trường không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng” - 1

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài.

Tổng cục Môi trường đã tập trung nguồn lực hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực môi trường, coi là trọng tâm đột phá nhằm chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng chủ động phòng ngừa, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trong năm 2019, công tác quản lý, bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, đã chủ động kiểm soát, giám sát, phòng ngừa được ô nhiễm môi trường, đảm bảo các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao về môi trường được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn, đóng góp cho tăng trưởng.

Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường được kiềm chế, ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra nhưng xu hướng tăng mạnh như trước đây được giảm dần.

Tuy nhiên, Tổng cục Môi trường cũng thừa nhận công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt ô nhiễm môi trường không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, nhất là tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm.

Lượng chất thải được thải ra môi trường ngày càng gia tăng, trong khi phần lớn được xử lý bằng hình thức chôn lấp, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được giảm thiểu hoặc tái chế chưa cao. Nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hầu hết chưa qua xử lý, xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư.

“Vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời. Chất lượng và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái tiếp tục suy giảm, vẫn còn các nguy cơ từ sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ sinh vật biến đổi gen”- đại diện Tổng cục Môi trường đánh giá.

“Ô nhiễm môi trường không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng” - 2

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, năm 2019 vừa qua tiếp tục đánh dấu nhiều vấn đề môi trường nổi lên được dư luận xã hội quan tâm, cần xử lý như vấn đề quản lý chất thải rắn, quản lý rác thải nhựa, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, một số sự cố môi trường xảy ra ở quy mô không lớn nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân.

Tuy vậy Tổng cục Môi trường đã tiếp nối được những thành công đạt được trong các năm trước, chủ động khắc phục khó khăn, về cơ bản đã hoàn thành tốt chương trình công tác đề ra.

Đối với nhiệm vụ công tác năm 2020, ông Nhân đặt ra chủ đề trọng tâm cho Tổng cục Môi trường là “Chủ động kiểm soát chặt chẽ xả thải; tăng cường quản lý chất thải rắn, ô nhiễm không khí, hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển bền vững”. 

Chủ động phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ và hạn chế các nguồn thải; tăng cường quản lý chất thải rắn; tăng cường quan trắc môi trường, kết nối số liệu quan trắc tự động để dự báo, cảnh báo môi trường, phấn đấu 100% các tỉnh kết nối số liệu quan trắc môi trường về Tổng cục Môi trường phục vụ công tác dự báo, cảnh báo, giám sát, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt là đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, nhất là tại Hà Nội và TPHCM; triển khai các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn theo hướng giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải thu hồi năng lượng. Thúc đẩy thực hiện việc xử lý ô nhiễm nguồn nước mặt tại các ao, hồ, sông, kênh, rạch trong các đô thị, khu dân cư, làng nghề.

Ông Nhân cũng yêu cầu Tổng cục Môi trường tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; tăng cường các hoạt động thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm, có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm

“Nắm bắt thông tin, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Bộ các giải pháp để xử lý các vụ việc môi trường nóng, mới phát sinh được dư luận và báo chí phản ánh; phát huy hiệu quả của đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường của trung ương và địa phương”- ông Nhân nêu rõ yêu cầu với Tổng cục Môi trường.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm