Phú Yên:
Nứt đất - 9 năm chưa khắc phục xong hậu quả
(Dân trí) - Tiếp chúng tôi trong phòng làm việc dọc ngang vết nứt, Chủ tịch UBND xã An Lĩnh (Tuy An, Phú Yên) cho biết, xã còn nghèo lắm, những hộ dân bị ảnh hưởng do nứt đất cách đây 9 năm còn nghèo khổ hơn…
Chuyện nứt đất ở An Lĩnh xảy ra từ những năm 1999-2000, tập trung ở hai thôn Thái Long và Phong Thái. Tuy không có người chết hoặc bị thương nhưng hơn 100 hộ có nhà cửa bị rạn nứt phải đối mặt với nguy hiểm bất cứ lúc nào. Có hộ di dời đi nơi khác dựng nhà; có hộ bỏ xứ sang hẳn huyện miền núi Sông Hinh hoặc lên tỉnh Đắc Lắc để tạo lập cuộc sống mới; còn lại phần lớn không có điều kiện, đành ở lại sống chung cùng những ngôi nhà nứt toác.
Nhà bác Trần Văn Chẳng, 86 tuổi, ở tổ 7, thôn Phong Thái, là một trong số đó. Bác nhớ lại: “Tối đi ngủ, sáng ra đã thấy mặt sân sập xuống hơn một tấc, tường bị nghiêng. Từ đó đến nay hàng năm cứ lún dần, bây giờ vách nứt ra, cửa đóng không được, toàn bộ tường phía sau nhà đã nứt và nghiêng, sập lúc nào không hay”.
Nói rồi bác Chẳng chỉ tay về ngôi nhà ngói liền kề phía dưới, móng nhà và bức tường đã nứt toác, trên vách có nhiều đường nứt dài khoảng 2 mét, có thể đưa lọt ngón tay cái. Hỏi sao bác không sửa nhà, bác nói: “Chờ nhà nước đưa đi tái định cư”.
Anh Nguyễn Hòa Trung - Chủ tịch MTTQ xã An Lĩnh - cũng đang ở trong một ngôi nhà mà… nhà một nơi, móng một nẻo. Anh cho biết hàng năm đều dùng xi măng trám những vết nứt nhưng vẫn rất sợ vì không biết nhà sập lúc nào.
Năm 2003, nghĩa là 3-4 năm sau vụ nứt đất, huyện Tuy An và Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Phú Yên mới quy hoạch và lên dự toán xây dựng Khu tái định cư Giếng Dông, rộng 12ha, cách trung tâm xã hiện nay khoảng 4 cây số. Tuy nhiên cho đến nay, khu tái định cư vẫn chưa được thành hình. Nguyên nhân vẫn là do khúc mắc trong việc đền bù giải tỏa.
Trưởng thôn Phong Thái, ông Phan Văn Phụng, 57 tuổi, có nhà trong Khu tái định cư Giếng Dông, cho biết: “Nhà tôi thuộc diện di dời để xây dựng khu tái định cư. Tôi đã nhận tiền đền bù năm 2005 nhưng áp giá năm 2003 nên thiệt thòi ghê gớm. Ví dụ nhà ở được đền bù 650.000 đồng/m2, tổng cộng hơn 69 triệu đồng, nhưng bây giờ muốn xây phải ít nhất trên 150 triệu đồng...”.
Anh Phan Văn Phụng kiến nghị sắp tới nhà nước cần hỗ trợ bà con khi tháo dỡ nhà cửa để xây dựng Khu tái định cư Giếng Dông, đồng thời phải có mặt bằng để bà con xây dựng lại nhà cửa. Ngoài ra, nhà nước cần hỗ trợ lương thực một vài tháng đầu để giúp người dân từng bước khắc phục, ổn định cuộc sống…
Thiết nghĩ, đó không phải là những kiến nghị quá đáng mà nhân dân mong được lãnh đạo tỉnh Phú Yên quan tâm giải quyết.
Đoàn Thế Lập