Nước tắm tượng Bà Chúa Xứ núi Sam được nấu từ bao nhiêu loài hoa?
(Dân trí) - Nước tắm Bà được nấu từ 9 loại hoa thơm như huệ đỏ, cúc vàng, huệ trắng, đồng tiền, hoa phượng, hoa điệp, hoa hồng, hoa lài, sen.
Từ 23h ngày 30/5 (nhằm ngày 23/4 âm lịch) đến hơn 1h ngày 31/5, Ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam đã thực hiện nghi lễ tắm Bà Chúa Xứ núi Sam.
Lễ tắm Bà là một trong những nghi thức truyền thống quan trọng trong Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa xứ Núi Sam, thu hút hàng nghìn người dự và dâng hương.
Trước khi thực hiện nghi lễ tắm Bà, lãnh đạo tỉnh An Giang và TP Châu Đốc sẽ tiến hành dâng hương, dâng trà, rượu lên tượng Bà.
Nghi thức tắm Bà gồm 3 phần chính: Chuẩn bị nước tắm, tắm và thay áo mão cho Bà.
Đúng 0h ngày 31/5, bức màn nhung đỏ được kéo ngang bệ thờ, che kín khu vực đặt tượng. Sau đó, tổ tắm Bà thực hiện việc tắm Bà. Nước tắm Bà được nấu từ 9 loại hoa thơm như huệ đỏ, cúc vàng, huệ trắng, đồng tiền, hoa phượng, hoa điệp, hoa hồng, hoa lài, sen.
Tổ tắm Bà gồm 9 người phụ nữ thuộc Ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam. Tổ tắm Bà sẽ dùng khăn được khách thập phương dâng từ trước thấm qua nước này để lau tượng Bà.
Ông Nguyễn Phúc Hoan - Trưởng ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam - cho biết: "Trước khi lễ tắm Bà diễn ra, quý hội viên hội tắm Bà và quý phật tử từ khắp nơi đã đổ về miếu nấu nước tắm Bà. Những người tham gia nấu nước tắm Bà được ban tắm Bà chọn lựa kỹ từ trước.
Bằng lòng thành kính, sự chu đáo, tất cả những người tham gia đều cầu mong Bà phù hộ cho địa phương phát triển và mọi người bình an".
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một trong những lễ hội thường niên của TP Châu Đốc, mang nhiều nét văn hóa độc đáo và là sản phẩm văn hóa - du lịch tâm linh, thu hút đông đảo khách du lịch.
Số liệu từ UBND TP Châu Đốc, tiền công đức do người dân đóng góp tại miếu Bà Chúa Xứ khoảng 120-150 tỷ đồng mỗi năm, trong đó 50 tỷ đồng thu được từ bán vé tham quan.
TP Châu Đốc để lại 30% tiền công đức cho Ban quản trị lăng miếu Núi Sam, còn lại dùng cho công tác an sinh xã hội, giáo dục, phục vụ du lịch TP.
Lễ hội kéo dài từ ngày 28/5 đến hết ngày 3/6. Năm nay, UBND tỉnh An Giang không thu phí tham quan Khu Du lịch quốc gia Núi Sam đối với du khách.
Trong khuôn khổ lễ vía Bà còn có các nghi thức: Lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống lăng miếu, lễ tắm Bà, lễ túc yết và xây chầu, lễ chánh tế, lễ hồi sắc.
Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc như biểu diễn lân - sư - rồng, đua thuyền, biểu diễn nhạc ngũ âm Khmer, hát bội truyền thống, thể thao, và nhiều hoạt động khác.
Lễ hội vía Bà Chúa Xứ có nguồn gốc sau khi người dân địa phương tìm thấy một tượng Bà được làm bằng đất sét trên đỉnh núi Sam vào thế kỷ thứ 18.
Tượng Bà sau đó được đưa xuống chân núi Sam và người dân địa phương lập miếu thờ đến thời điểm hiện tại. Hàng năm lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức từ ngày 23-27/4 Âm lịch.
Năm 2001, lễ hội được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Lễ hội cấp quốc gia.
Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội vía Bà Chúa Xứ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mỗi năm, lễ hội thu hút hàng triệu lượt người đến tham quan, chiêm bái, góp phần phát triển du lịch địa phương.