Hà Nội: Ở nhà tiền tỷ vẫn lo ngay ngáy
Nước sạch cách 50m vẫn phải uống nước giếng khoan
(Dân trí) - Một chung cư hiện đại, với trị giá của mỗi căn hộ không dưới tiền tỷ, nhưng nước sinh hoạt các hộ dân đang sử dụng là nước giếng khoan ô nhiễm. Điều nghịch lý nhất là đường ống hệ thống nước sạch Phần Lan chỉ cách chung cư An Sinh 50m…
Khi đưa vào bàn giao sử dụng chung cư An Sinh, Công ty cổ phần đầu tư Ba Đình ngoài việc phải có giấy chứng nhận đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy, còn phải chứng nhận hệ thống nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống.
Ở giữa Thủ đô, lấy mẫu xét nghiệm tận Bắc Ninh
Theo phiếu kết quả xét nghiệm mẫu thử nước ăn uống ở chung cư mà bà Cấn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn đầu tư Ba Đình Hà Nội, cung cấp cho PV Dân trí, mẫu xét nghiệm ngày 22/01/2008 đạt tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống, do Trung tâm phát triển công nghệ cao thuộc Viện công nghệ môi trường chứng nhận.
Tuy nhiên, các hộ dân có “hiểu biết” ở chung cư lại khẳng định với chúng tôi là phiếu xét nghiệm không hợp lệ. Thứ nhất, đơn vị chủ đầu tư chỉ làm xét nghiệm 1 mẫu thử, mà theo quy định của Bộ Y tế cần phải có 3 mẫu thử khác nhau. Trong phiếu xét nghiệm chỉ ghi nơi lấy mẫu là nước của khu nhà ở để bán - Cầu Diễn - Từ Liêm, Hà Nội rất chung chung, chỉ có sự chứng kiến của chủ đầu tư và cơ sở xét nghiệm, mà không có chứng kiến của hộ dân ở chung cư.
Giấy chứng nhận mẫu nước ăn uống của chung cư An Sinh đạt tiêu chuẩn được xét nghiệm tại tỉnh... Bắc Ninh?!
“Xét về tính pháp lý, Trung tâm Phát triển công nghệ cao của Viện Công nghệ môi trường không có chức năng đứng ra chứng nhận và đảm bảo cho người dân sử dụng nước sinh hoạt có hợp vệ sinh hay không mà phải là Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường thuộc Bộ Y tế. Nhưng lạ lùng nhất là, ngay giữa trung tâm thủ đô, có hàng chục cơ sở có thể làm xét nghiệm mẫu nước, không hiểu vì sao chủ đầu tư lại đem đi xét nghiệm ở tận huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (?!)”, anh Dương Hải Nguyên, ủy viên Ban quản trị lâm thời chung cư An Sinh thắc mắc.
Vì lo lắng cho nguồn nước sinh hoạt của mình không đảm bảo, mới đây, ngày 9/11/2008. anh Dương Hải Nguyên, đại diện cho các hộ dân chung cư An Sinh đã đem mẫu nước sinh hoạt trong gia đình đến Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường thuộc Bộ Y tế làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, chỉ tiêu độ ô xy hóa (theo KMnO4) có nồng độ lên đến 4,32, trong khi giới hạn cho phép chỉ là 2,0. Mẫu xét nghiệm cho kết luận mẫu nước có độ ô xy hóa cao hơn giới hạn cho phép, nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh về hóa học theo quyết định số 1329/2002?BYT?QĐ ngày 18/04/2002 đối với nước ăn uống.
Về kết quả mẫu nước này, ông Trần Quang Toàn, Trưởng phòng thí nghiệm hóa lý (Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường) cho biết, độ ô xy hóa cao có thể do nước nhiễm bẩn vì rong rêu, khoáng tạp lắng đọng sinh ra nhiều chất hữu cơ. Muốn biết ảnh hưởng sức khỏe người dân khi uống nước có độ ô xy hóa cao cần có nhiều nghiên cứu chuyên sâu để phân tích, nhưng điều đáng lưu ý là ở Nhật Bản thì chỉ tiêu này cũng không được vượt quá giới hạn cho phép là 4 mg/l (Việt Nam giới hạn khắt khe hơn 2 mg/l), trong khi mẫu nước cho kết quả 4,32 mg/l.
Nước sạch vẫn phải chờ vì ông nước đang… độc quyền
Theo phản ánh của các hộ dân chung cư An Sinh, hiện nay các hộ dân vẫn đang phải dùng nước giếng khoan ô nhiễm, không hợp vệ sinh, nhưng nghịch lý nhất là đường ống hệ thống nước sạch Phần Lan chỉ cách chung cư có 50m.
Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, bà Thanh Huyền khẳng định, ngày 09/10/2008, Cty CP tập đoàn đầu tư Ba Đình Hà Nội đã chính thức hợp đồng với Công ty nước sạch Hà Nội - Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy thi công công trình cấp nước cho chung cư An Sinh, với tổng kinh phí hơn 73 triệu đồng.
Tuy nhiên, tại hợp đồng kinh tế số 1148/HĐ-NS mà bà Thanh Huyền cho chúng tôi xem lại không có một điều khoản quan trọng là ngày khởi công và ngày hoàn thành công trình. Giải thích điều này, bà Huyền nêu lý do đơn vị cung cấp nước sạch vẫn rất “độc quyền trong kinh doanh”.
Theo đó, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy chỉ thông báo kế hoạch thi công khi đơn vị hợp đồng (bên A) đã chuyển 100% kinh phí thi công cho bên B. “Chúng tôi đã chuyển kinh phí cho Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy như hợp đồng đã ký, nhưng khi nào thi công thì vẫn đang chờ bên kia trả lời”, bà Huyền cho biết.
Để minh chứng cho sự trách nhiệm của mình, bà Huyền cho chúng tôi xem công văn đề nghị thi công hệ thống cấp nước sạch của Cty CP tập đoàn đầu tư Ba Đình Hà Nội đối với Cty CP đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch ngày 11/08/2008. Thật ngạc nhiên, khi chúng tôi đem công văn này về "báo tin mừng" cho các hộ dân chung cư An Sinh, thì các hộ dân lại cho xem 1 công văn y hệt, chỉ khác ngày, khác số, rồi bảo: “Lại... lòe nữa” (?!).
2 công văn đề nghị thi công đường ống nước sạch giống hệt nhau, công văn bà Huyền cho PV Dân trí xem số 159, ngày 11/08/2008, còn của các hộ dân mang số 72, ngày 12/05/2008
Và trong lúc chờ được nối với hệ thống nước sạch đảm bảo các tiêu chí vệ sinh, các hộ dân ở chung cư An Sinh đành tự cứu lấy mình bằng cách mua nước đóng chai về uống, hộ nào khá giả hơn thì lắp đặt hệ thống máy lọc nước sạch để dùng.
Sông Lam
Kỳ 3: Vì lợi ích kinh tế, bỏ qua lợi ích dân sinh