1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nước mắt vẫn rơi một năm sau thảm họa Lèn Cờ

(Dân trí) - Hôm nay, 1/4/2012, tròn một năm kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn lao động thảm khốc mỏ đá Lèn Cờ, xã Nam Thành (Yên Thành, Nghệ An ) làm 18 người thiệt mạng, 7 người khác bị thương. Nỗi đau chưa một phút nguôi ngoai nơi góc quê nghèo.

Nước mắt vẫn rơi một năm sau thảm họa Lèn Cờ
Mỏ đá Lèn Cờ một năm sau.
 
Nỗi đau còn mãi đeo bám

Đến bây giờ mỗi khi nhớ lại thời khắc xẩy ra tai nạn sập mỏ đá, ông Nguyễn Thọ Phượng (ở xóm Hợp Thành nhà cách Lèn khoảng 100m nhìn thẳng ra Lèn) và người thân trong gia đình không còn dám nhìn vào mỏ đá nữa, từ ngày khủng khiếp 1 năm trước. Ông vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng, đau đớn. Vụ tai nạn thảm khốc lúc 7 giờ 10 phút ngày 1/4/2011 đã cướp của ông hai người con trai - hai trụ cột lao động chính của gia đình, đó là hai anh em Nguyễn Thọ Hoàng và Nguyễn Thọ Vũ .

Sau vụ sập mỏ đá, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định đình chỉ hoạt động tất cả các mỏ khai thác đá trên địa bàn xã Nam Thành, cuộc sống của gia đình ông và những người dân ở đây vốn dĩ đã khó khăn thì nay lại khó khăn muôn phần. Ngoài mấy sào ruộng khoán chưa làm đã xong, họ vẫn chưa có một nghề nào hơn để mưu sinh cuộc sống.

Ông Phượng nghẹn ngào: “Hiện giờ mà nói, tôi cũng như mọi người ở xóm Hợp Thành không có công ăn việc làm, Nhờ chính quyền các cấp tạo điều kiện để anh em con cháu chúng tôi có một cái nghề chi đó để ổn định cuộc sống”.
Nước mắt vẫn rơi một năm sau thảm họa Lèn Cờ
Ông bà Phượng vẫn chưa ngoai nỗi đau mất hai đứa con trong vụ sập mỏ đá.

Vợ ông Phượng cũng sụt sịt quẹt nước mắt: “Từ ngày hai thằng cu nhà tôi mất, ông ấy (ông Phượng) sinh bệnh và đã đi điều trị 1 tháng ở BV Tâm thần Nghệ An. Nhiều đêm ông ấy tỉnh dậy đi lung tung rồi ra mộ con ngồi lúc nào không hay, sáng ra người dân mới biết. Còn tôi cũng kể từ ngày đó chưa được một giấc ngủ yên. Nhiều đêm nằm ngủ mơ thấy con về. Chắc chúng nó thấy tội nghiệp bố mẹ ở dương gian quá”.

Trong số 18 nạn nhân tử nạn ngày hôm đó cũng phải kể đến anh Nguyễn Đình Phúc, ở xóm Lâm Xuyên. Anh Phúc vừa bước vào cái tuổi 43 tuổi ấy đang bao dự định lo toan cuộc sống với 7 đứa con thơ dại. Anh mãi vĩnh viễn ra đi, để lại nỗi đau âm ỉ cho người vợ góa bụa và 7 đứa con thơ dại. Cảnh mất đi chỗ dựa vững chãi nhất, nhưng chị Sinh vẫn nhất quyết phải cho các con ăn học như lời căn dặn của anh trước lúc lìa cõi thế.

Sau thảm họa Lèn Cờ, như nhiều gia đình có người tử nạn, cuộc sống của mẹ con chị Thái Thị Sinh cũng lâm vào cảnh bi đát. Nhiều đêm nghĩ quẩn chị muốn bắt con bỏ học để cho đỡ khổ cực, nhưng nhớ lời căn dặn của chồng chị lại không đành. Dù khó khăn, khổ cực trăm bề, nhưng chị vẫn cố gắng vượt qua để thay anh chăm lo, nuôi nấng 7 đứa con. Vơi sự giúp đỡ, tấm lòng sẻ chia của cả cộng đồng xã hội, suốt thời gian qua nhiều tổ chức và cá nhân với tấm lòng hảo tâm đã ủng hộ cho mẹ con chị xây dựng được ngôi nhà ngói khang trang trị giá 300 triệu đồng, là niềm động viên lớn để gia đình vươn trong cuộc sống.
 
Nước mắt vẫn rơi một năm sau thảm họa Lèn Cờ
Ngôi nhà mới khang trang của chị Sinh với 7 đứa con.

Hiện gia đình chị Sinh 7 đứa con đều đang đi học. Riêng đứa con trai đầu sinh năm 1991 đang học ĐH ở Huế, đứa út sinh 2009 đang học Mầm non. “Một năm rồi chú à, nhưng không thể nào vơi nỗi đau này. Hằng đêm tôi, các con cùng bà con lối xóm vẫn luôn đọc kinh cầu nguyện cho anh được ở trên thiên đàng dẫn lối cho các con được học hành thành đạt, gia đình được ấm no và hạnh phúc. Từ ngày anh lìa cõi thế, đêm nào tôi cũng khóc vì nhớ anh quá”, chị Sinh chia sẻ.

Cách gia đình chị Sinh không xa, nằm cạnh con sông nhỏ là gia đình của 3 anh em Nguyễn Văn Đạo (SN1986), Nguyễn Văn Cương (SN1987) và Nguyễn Thị Thương (SN 1991 ở xóm Sơn Thành, xã Nam Thành). Nay là đúng một năm, tôi đến thăm anh em Đạo. Căn nhà kia vẫn có cái gì đó lặng lẽ lắm. Lặng lẽ bởi cha mẹ các em đều đã mất, chỉ còn lại là những di ảnh mà hằng ngày anh em Đạo thường xuyên nhìn vào đó để tự nhắc bản thân tu chí học hành, làm ăn...

Hiện Cương và Thương (hai em của Đạo) đang học đại học ở TP.HCM. Nói chuyện cùng PV, Đạo chia sẻ: “Khi đang là sinh viên Trường Cao đẳng nghề ở Đắc Nông, học được 3 năm thì bố mất vì bạo bệnh và gần 6 tháng sau mẹ mất trong vụ sập mở đá Lèn Cờ anh ạ. Những ngày sau khi mẹ mất, 3 anh em dường như mất phương hướng, không còn tỉnh táo. Nhưng xác định mình là anh đầu và bây giờ là trụ cột gia đình nên phải gượng dậy, phải vượt qua để động viên 2 em. Ngày đó, Cương và Thương hai đứa nó cứ đòi bỏ học ở nhà lo hương khói cho bố mẹ. Nhưng em cũng khuyên răn mãi, nhờ đến anh em, chính quyền nên hai đứa nó tiếp tục đi học đấy”.
 
Nước mắt vẫn rơi một năm sau thảm họa Lèn Cờ
 Anh Cự bị bệnh vì giúp đỡ nhiều người sau khi xảy ra mỏ đá Lèn Cờ năm ngoái.

Giờ Đạo đã ra trường, lấy vợ nhưng cũng chưa xin được việc. Hằng ngày Đạo vẫn chăm lo công việc đồng áng kiếm ăn từng bữa, làm mọi việc để sinh sống và lo hương khói cho bố mẹ. Đạo ngậm ngùi: “Nếu hôm đó em ở nhà thì mẹ đã không chết. Cũng vì lo cho các con ăn học mà mẹ em đã mãi lìa xa chúng em". Đạo nói đoạn rồi khóc.

Trong số những người bị thương ở vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, đã một năm qua đi nhưng nỗi đau vẫn còn đọng lại. Người mà chúng tôi muốn nói tới là anh Nguyễn Trọng Cự (40 tuổi) ngụ xóm Đăng Lưu, xãNam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ngày định mệnh, đại tang ở Lèn Cờ, anh Cự cũng như mọi người không bao giờ quên. Từ già tới trẻ mỗi khi qua Lèn Cờ đều nhớ về những người đã khuất, để đến bây giờ họ phải nhớ thêm một người nữa đó là anh Cự. Sau 1 năm, gia cảnh người “anh hùng” cứu nạn cũng lâm vào hoàn cảnh cực kỳ éo le, bi đát. 

Trong căn nhà nhỏ, anh Nguyễn Trọng Cự nằm như một cái xác không hồn. Ánh mắt của anh vẫn nhìn vào khoảng không vô định, xa xăm và đầy vẻ sợ sệt. Trước ánh mắt ngây dại của chồng, chị Nguyễn Thị Diệp đau xót: “kể từ khi cứu nạn ở Lèn Cờ về, anh ấy đã trở thành một người khác. Bây giờ có khi đang nằm ngủ anh ấy bật dậy đi lang thang. Nhiều lúc vào nửa đêm anh ấy chạy ra nghĩa địa ngồi khóc than một mình như bị ma kéo. Người thân trong gia đình anh cũng không nhận ra”.
 
Nước mắt vẫn rơi một năm sau thảm họa Lèn Cờ
Chị Diệp và hai đứa con bên người chồng bị bệnh.

“Ngay khi tai nạn sập mỏ đá xẩy ra, anh Cự biết tin đã không ngần ngại làm tất cả mọi việc để cứu những người gặp nạn. Suốt bốn ngày đêm, anh cùng mọi người ra sức đào đá, đào đất tìm nạn nhân, khi đói bụng thì chỉ về ăn chút gì đó rồi lại tiếp tục ra mỏ đá. Vậy mà giờ đây, anh ấy lại rơi vào tình trạng bi thảm như thế này”, chị Diệp - vợ anh Cự không giấu được nỗi đau tâm sự.

Sau khi hoàn tất công tác cứu nạn, anh Cự trở về cuộc sống với nhiều biến động của tâm lý. Bị ám ảnh bởi tai nạn kinh hoàng cùng với sự mất mát của 2 người em họ đã làm anh suy sụp hoàn toàn. Nhiều đêm sau đó, anh rơi vào tình trạng mất ăn, mất ngủ. Trước cú sốc quá lớn ấy anh Cự đã bị rối loạn tâm thần không thể cứu chữa.

Trước đây, gia đình chị Diệp anh Cự tuy nghèo nhưng không bao giờ hết tiếng cười và là niềm ao ước của bao người. Ngày ngày hai vợ chồng vẫn ra mỏ đá làm thuê kiếm sống, nuôi hai đứa con ăn học. “Những tưởng cuộc sống suôn sẻ mãi mãi thì nào ngờ, giờ đây tràn ngập khổ đau” - chị Nguyễn Thị Xuân, một người hàng xóm chia sẻ.

Bao trùm căn nhà nhỏ là nỗi buồn vô hạn, lâu lâu anh Cự lại lên cơn, than khóc thảm thiết. Nhiều lúc thấy mọi người đến thăm, anh lại khiếp sợ tìm đường chạy trốn. Trước bệnh tình của chồng, chị Diệp phải chạy vạy ngược xuôi vay tiền, bán những gì có giá trị trong gia đình hòng thuốc thang chữa chạy. Ngày thường đã túng thiếu nay gia cảnh lại thêm bi đát.
Nước mắt vẫn rơi một năm sau thảm họa Lèn Cờ
 Chị Diệp bên những giấy khen của hai đứa con học giỏi. Nhưng giờ khắt nỗi người chồng bị bệnh chưa biết đến khi nào khỏi.

“Nhiều lúc muốn đi làm thêm để kiếm tiền chữa bệnh cho chồng nhưng không đành lòng để anh ấy ở nhà một mình. Vì không điều khiển được hành vi nên những hành động của anh ấy rất nguy hiểm. Mới hôm trước anh ấy đòi đốt nhà, đe dọa giết người nên đành chấp nhận ở nhà trông coi” - chị Diệp tâm sự.

Gia cảnh nghèo, hai vợ chồng phải làm lụng vất vả quanh năm để kiếm ăn từng bữa. Hai sào lúa không đủ ăn đã đành, con cái đến trường không được no đủ như bao đứa trẻ khác. Mới đây chị Diệp phải vay mượn ngân hàng, bà con láng giềng, tích góp mãi mới được 9 triệu đồng để đưa chồng vào bệnh viện Tâm thần Nghệ An điều trị. Nhưng tiền hết mà anh Cự vẫn như cái xác không hồn. Đau đớn vì chồng lâm bệnh, con cái đói ăn, cái nghèo vây bủa nên chị Diệp cũng đang ngày ngày sa sút về thể lực. “Rồi không biết cuộc sống sẽ về đâu” - chị Nguyễn Thị Diệp âu sầu.

Mong muốn mỏ đá hoạt động trở lại

Ngày đầu tháng 4/2012 - đúng 1 năm vụ sập mỏ đá Lèn Cờ xảy ra, chúng tôi về thăm các gia đình nạn nhân ở xã Nam Thành. Giờ đây cuộc sống của họ đã có phần đỡ hơn nhiều, một số hộ đã làm được nhà ở kiên cố nhờ sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và các tấm lòng hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước.

Song khó khăn nhất hiện nay là công tác giải quyết việc làm cho lao động dư thừa, nhiều phu đá trước đây giờ đã chuyển sang nghề khác, có người bươn chải vào Nam ra Bắc để tìm kiếm việc làm, tìm kế mưu sinh, nhưng phần lớn lao động ở đây vẫn bám trụ trên mảnh đất quê hương, mong sao một ngày nào đó tương lai cuộc sống sẽ tươi sáng hơn.
Nước mắt vẫn rơi một năm sau thảm họa Lèn Cờ
Người dân thì mong muốn Nhà nước, chính quyền cho Lèn Cờ khai thác trở lại.

Ông Phan Thế Trung - Chủ tịch UBND xã Nam Thành cho biết: “Có thể nói sau một năm thì hiện nay vấn đề cuộc sống của các gia đình tạm ổn hơn. Hiện nay khó khăn là lao động không có việc làm, chúng tôi cũng đã chuyển một số nghành nghề giúp nông dân tìm hướng đi mới nhưng không làm được. Còn người dân vẫn khẩn khoản mong muốn các cấp tiếp tục cho mỏ đá đi vào hoạt động để tạo việc làm... Nhưng tôi thấy thế nào ấy”.

Vụ tai nạn sập mỏ đá Lèn Cờ đã qua đi vừa tròn một năm, nhưng nỗi đau để lại thì vẫn còn đó. Người ra đi đã an phận, còn những người ở lại hàng ngày vẫn phải đối mặt với nhiều lo toan cuộc sống. 18 người chết, 7 người bị thương là nỗi đau đớn tột cùng của thân nhân những người bị nạn và tất cả cộng đồng xã hội. Nạn nhân hầu hết đều là những người lao động nghèo, không có bảo hiểm hay thiết bị bảo hộ lao động.
 
Một lần nữa xin được nhắc lại nguyên nhân xảy ra tai nạn ở Lèn Cờ hoàn toàn không mới, vẫn là do quy trình khai thác không đúng. Lẽ ra phải khai thác đá từ trên đỉnh núi xuống, nhưng vì lợi nhuận, chủ mỏ lại liều lĩnh cho công nhân khai thác từ dưới lên trên. Cách làm ngược như vậy đã tạo ra những hàm ếch và sập núi đá là điều đương nhiên.
Nước mắt vẫn rơi một năm sau thảm họa Lèn Cờ
Nhưng mỏ đá này như một chứng tích nỗi đau của 18 con người.

Mong sao sẽ không bao giờ có một vụ tai nạn lao động nào tương tự xẩy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng, phạm vi cả nước nói chung. Từ vụ tai nạn sập mỏ đá Lèn Cờ sẽ là bài học xương máu đối với sự quản lý nhà nước đối với chính quyền các cấp và các đơn vị khai thác khoáng sản.

Nguyễn Duy - Thái Dương

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm