1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Một năm sau thảm họa Lèn Cờ - Ám ảnh nỗi đau!

(Dân trí) - Tròn một năm sau vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, chúng tôi quay lại mảnh đất này, vẫn thấy ngổn ngang đá, hiển hiện nỗi đau thương mất mát - rõ ràng đến buốt lòng. Nhưng dường như vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh cho những ai còn sống nhờ vào đá.

Một năm sau thảm họa Lèn Cờ - Ám ảnh nỗi đau! - 1

Nỗi ám ảnh tại Lèn Cờ - một năm sau ngày xảy ra thảm họa khiến 18 người chết, 7 người bị thương

Sống nhờ đá, chết vùi trong đá

Ngày 1/4/2011, một nửa mái núi Lèn Cờ (xã Nam Thành, Yên Thành, Nghệ An) đã đổ ụp xuống chôn vùi cả tốp công nhân đang làm việc ở phía dưới. 18 người đã mãi mãi nằm xuống, 7 người may mắn sống sót sau thảm họa kinh hoàng. Chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, hơn 100 đứa trẻ bỗng chốc thành mồ côi, bao nhiều gia đình mãi mãi mất đi trụ cột. Có những gia đình trong một ngày làm 2 đám tang. Nỗi đau quá lớn nên dẫu những ngôi mộ đã xanh cỏ thì sức ám ảnh vẫn hiển hiện chân thực.

Trở lại Lèn Cờ vào ngày cuối cùng của tháng 3/2012. Mỏ đá này vẫn nằm im lìm, hoang lạnh. Ngay lối vào, trên bức tường của ngôi nhà đã từng là điểm thu thuế mỏ của Công ty TNHH Chín Mến, dòng chữ “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn” vẫn đỏ nhoét như trêu ngươi. Một dòng chữ nguệch ngoạc khác “Nguy hiểm chết người” được viết vội trên một phiến đá. Những bát hương cháy dở, một chiếc dép vẫn nằm chỏng chơ trên phiến đá lớn. Trong đống hỗn độn đó, một băng chuyền của máy sàng đá đã bắt đầu mục nát. Lèn Cờ hoang lạnh sau vụ tai nạn thảm khốc.

Một năm sau thảm họa Lèn Cờ - Ám ảnh nỗi đau! - 2
Những gì còn sót lại của phận người nhỏ nhoi sau khi nửa mái núi đổ ập xuống vào ngày 1/4/2011

Ngôi nhà ông bà Nguyễn Thọ Phượng (xóm Hợp Thành, xã Nam Thành) - bố của 2 nạn nhân Nguyễn Thọ Hoàng (28 tuổi) và Nguyễn Thọ Vũ (24 tuổi) - nằm đối diện mỏ đá Lèn Cờ đóng cửa im ỉm suốt ngày. Có nỗi đau nào hơn khi trong một ngày ông mất 2 đứa con trai. Nối đau quá lớn khiến người đàn ông này như hóa dại, đêm đêm mò mẫm vào bãi đá gọi tên con. Đến nỗi, vợ ông phải gạt nước mắt gửi ông vào bệnh viện tâm thần suốt một tháng trời để cậy nhờ các bác sĩ.

Bà vợ ông, cũng tên Phượng, ứa nước mắt mỗi khi ai đó nhắc đến hai đứa con xấu số của mình. Và nỗi đau ấy còn giằng xé tâm can người mẹ khốn khổ khi mỗi ngày, cứ hễ bước chân ra khỏi nhà là mỏ đá - ngôi mộ sống của hai đứa con - lại đập thẳng vào mắt. “Đau lắm cô ơi, hai thằng con tui hắn hiền lành, chăm chỉ. Ai ngờ đoản mệnh thế này. Để kiếm miếng ăn chúng phải bám vào đá. Rồi chính chúng cũng phải bỏ mạng trong những tảng đá này”, bà sụt sùi.

“Đói khổ - đố khỏi”!

Nỗi đau như những tảng đá cứ đè nặng, không thể gỡ ra được nhưng nếu không có đá, cuộc sống của hơn 700 con người tại xóm nhỏ Hợp Thành này cũng khốn khổ lắm. Bao nhiêu năm nay, cuộc sống của người dân nơi đây sống nhờ vào đá, và khi Công ty Chín Mến chính thức khai thác mỏ bằng mìn, cuộc sống của họ đã khấm khá hơn hẳn trước đây.

Một năm sau thảm họa Lèn Cờ - Ám ảnh nỗi đau! - 3

Mỏ đóng cửa, những chiếc máy nghiền đá cuối cùng của xóm Hợp Thành (Nam Thành, Yên Thành) sẽ phải bán đi để trả nợ

Ông Hoàng Văn Viện - xóm trưởng xóm Hợp Thành - cho biết: “Xóm có 288 lao động thì có đến 200 lao động làm việc trực tiếp tại mỏ đá Lèn Cờ này. Nhờ thầu lại các bến đá nên nhiều nhà cũng khá lên nhanh chóng. Năm ngoái cả xóm có 22 chiếc máy xay đá, 18 máy khoan nhưng giờ thì vỡ nợ cả rồi. 4 người chết, 4 người bị thương, máy móc số thì bị nát trong đống đá, số còn lại thì đã bị bán để trả nợ vì người ta cấm mỏ, có để lại cũng hoen gỉ”.

Xóm Hợp Thành có đến 710 nhân khẩu nhưng chỉ có 30ha ruộng lúa và không chủ động được nguồn nước tưới nên lương thực không đủ ăn. Làm đá dẫu có vất vả, khổ cực, thậm chí là nguy hiểm nhưng trung bình mỗi ngày người dân ở đây cũng kiếm được từ 120 - 150.000 đồng. Chừng ấy tiền đủ cho họ sống một cuộc sống dẫu không sung sướng nhưng bữa cơm cũng có ít đồ mặn, con cái đến trường cũng đỡ tủi hổ với bạn bè. Nhưng kể từ cái ngày đại họa ấy, mỏ Lèn Cờ bị đóng cửa, người dân hết việc làm, những chuỗi ngày thiếu trước hụt sau cứ lần lượt quay về gõ cửa từng nhà. “Làng giờ tan tác, dạt vào Nam làm công nhân hết cả. Số không đi được thì sang Đồng Thành tiếp tục làm đá. Đói khổ, đố khỏi cô ơi”, ông xóm trưởng lắc đầu.

Đưa bàn tay chai sạn vục vào đống đá vừa mới xay, bà Trần Thị Chinh (SN 1953) chép miệng: “30 năm nay nhà tôi sống nhờ vào đá. 5 đứa con ăn học, khôn lớn cũng nhờ đá. Nhưng từ năm ngoái tới nay thì mỏ đóng, hết việc, 4 thằng con tan tác mỗi đứa một nơi kiếm kế sinh nhai. Chỉ còn tôi với mấy đứa con dâu ở nhà, không có việc thành ra rảnh rỗi quá. Mấy ngày ni, 3 mẹ con mót được từng này đá về xay để xây cái nhà nhỏ cho thằng thứ 4. Nếu còn làm đá, chắc cũng xây được căn nhà be bé chứ không đến nỗi phải dựng lều như thế này”.

Một năm sau thảm họa Lèn Cờ - Ám ảnh nỗi đau! - 4

... hay nằm "đắp chiếu" hoen gỉ

Xong cái lượt xay đá này thì anh con trai của bà cũng quyết định bán nốt cái máy xay. Hồi đó mua hết 35 triệu, vốn chưa hoàn lại được thì sập mỏ. 1 năm đắp chiếu, mạng nhện giăng đầy máy, hoen gỉ hết cả chỉ có nước bán cho sắt vụn. Lỗ, tiếc đứt ruột nhưng cũng phải bán, không lẽ cứ để nó phơi nắng phơi mưa thế kia?

Hỏi người dân ở đây, chúng tôi nhận được chung 1 câu trả lời: Chỉ mong nhà nước cho mở lại mỏ để bà con có việc làm, có tiền mà sống tiếp. Hỏi: “Sau cái vụ sập mỏ, bà con vẫn không thấy sợ?”, tất thảy họ đều bảo: “Sợ nhưng phải sống tiếp, không có chi bỏ vào mồm còn đáng sợ hơn”. Chao ôi, sống nhờ đá, chết vì đá nhưng họ vẫn không thể dứt mình khỏi đá!

Nỗi đau có còn tiếp diễn?

Rời Lèn Cờ mang theo “mơ ước” mở lèn của người dân, chúng tôi đã có chuyến thực tế tại các mỏ đá ở xã Đồng Thành (Yên Thành), nơi cách Lèn Cờ gần 10km. Tại Lèn Vũ Kỳ (xóm 2), tiếng máy khoan inh ỏi, bụi tung mù mịt từ khu vực nghiền đá. Hầu hết công nhân bốc vác đá, những người trèo lên cao lấy xà beng bóc tách đá ra khỏi lèn, đều không có dụng cụ bảo hộ lao động, và nếu có cũng rất sơ sài. Một số công nhân đầu đội nón, mũ cối, đeo găng tay đã rách nát (thậm chí không đeo găng tay), hì hục bốc đá, trong khi ở phía trên những người khoan đá đặt mìn vẫn cứ làm việc bình thường. Với độ cao hơn 10m, chỉ cần một hòn đá nhỏ lăn xuống cũng sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng cho những người làm việc bên dưới.

Một năm sau thảm họa Lèn Cờ - Ám ảnh nỗi đau! - 5
Những người dân sống nhờ vào đá vẫn làm việc với dụng cụ bảo hộ sơ sài như thế này

Đây là mỏ do Công ty TNHH Kỳ Sơn khai thác và công ty này cũng đã chia bến để bán lại cho các hộ dân. Vợ chồng Ninh - Đang cũng mua lại một bến đá của công ty này. Các công nhân làm việc tại bến Ninh - Đang cho biết, họ chỉ được công ty đóng bảo hiểm thân thể, còn dụng cụ bảo hộ lao động thì công nhân phải tự sắm hết. Người nào có điều kiện thì sắm đôi giày, đôi găng tay, cái mũ cối, còn không thì đội nón, đi dép lê và tay trần ra bãi bốc đá. Điều đáng nói là tình trạng này diễn ra thường xuyên, nhưng theo như lời của bà Đang (vợ của ông Ninh) từ lâu cũng không thấy có cơ quan chức năng nào đến kiểm tra, thế nên việc khai thác vẫn cứ diễn ra bình thường, và tình trạng mất ATLĐ vẫn được xem là chuyện thường ngày tại mỏ đá này.

Trong khi đó, ông Đoàn Công Tuyên - Giám đốc và ông Cù Minh Thiện - Phó Giám đốc Công ty TNHH Kỳ Sơn khẳng định công tác an toàn lao động Lèn Vũ Kỳ luôn được đảm bảo, công nhân khi vào mỏ được đóng bảo hiểm thân thể và được công ty cấp phát các dụng cụ bảo hộ lao động bắt buộc như: mũ, găng tay, tất, giày và dây bảo hộ. Thế nhưng mỏ đã chia thành 20 bến bán cho người khác khai thác và quản lý, thành ra việc cấp phát dụng cụ bảo hộ cho công nhân cũng bị bỏ bê và phó mặc cho chính họ lo liệu.

Một năm sau thảm họa Lèn Cờ - Ám ảnh nỗi đau! - 6
Và thậm chí không có bất kỳ một dụng cụ bảo hộ lao động nào

Rời lèn Vũ Kỳ, chúng tôi tiếp cận khu vực khai thác đá tại lèn Cò (cũng thuộc địa phận xã Đồng Thành). Tại đây có 2 công ty đang chia nhau khai thác là công ty TNHH Đông Thành và công ty TNHH Thành Nam. Tìm hiểu tại khu vực khai thác của Công ty TNHH Thành Nam, được biết, việc khoan đá và nổ mìn là do công nhân của công ty phụ trách. Công ty cũng đã có những quy định trong việc đảm bảo an toàn lao động cho lực lượng công nhân khi đến làm việc tại mỏ đá. Trong đó công ty bỏ tiền ra mua bảo hiểm thân thể cho công nhân theo thời hạn từ 3 đến 6 tháng. Riêng việc đảm bảo an toàn lao động cho công nhân nếu chủ bến không tuân thủ thì công ty sẽ buộc dừng khai thác, tắt máy, thu mìn.

Quy định là vậy, nhưng trên thực tế tại các bến khai thác hầu hết công nhân đều làm việc trong tình trạng mất an toàn lao động, không có đầy đủ dụng cụ bảo hộ cần thiết. Thợ khoan đá, bóc tách đá, đứng cheo leo trên vách đá dựng ngược, đầu trần, chân dép lê và phó mặc số phận cho một chiếc dây thừng đã bị cứa mòn. Bên dưới, nhiều thanh niên đầu trần, lưng trần hì hục bốc đá lên xe tải mà không hề có một dụng cụ bảo hộ nào đúng nghĩa. Lý giải điều này, ông Lê Thanh Nam (Giám đốc mỏ) cho biết: “Hiện công ty đang đặt đồ ở TP Vinh, sắp tới sẽ trang bị cho công nhân dụng cụ bảo hộ lao động” - dù rằng công ty đã đi vào khai thác từ tháng 6/2011. Trong khi đó, một người tự xưng là quản lý công nhân trên công trường lại khẳng định: Đồ bảo hộ đã được trang bị đầy đủ cho công nhân nhưng do trời nắng nóng quá nên công nhân cởi hết ra để làm việc... cho mát!

Một năm sau thảm họa Lèn Cờ - Ám ảnh nỗi đau! - 7
Những người thợ khoan đá cheo leo trên vách núi dựng đứng chỉ với 1 dây bảo hộ

Chiều ngày 30/3, chúng tôi tìm đến Phòng TN-MT huyện Yên Thành để tìm hiểu công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn lao động tại các mỏ đá trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Đức Thiện - Trưởng Phòng TN-MT huyện Yên Thành không có ở phòng làm việc, liên lạc qua điện thoại nhiều lần cũng không thấy bắt máy. Hỏi nhân viên của Phòng TN-MT đều nhận được những cái lắc đầu: Không biết trưởng phòng và phó phòng đi đâu. Liệu đây có phải là một cách né tránh cung cấp thông tin của cơ quan chức năng huyện Yên Thành về thực trạng an toàn lao động tại các mỏ đá?

Với thực trạng này, thảm họa Lèn Cờ dù đã qua 1 năm nhưng ai dám chắc nó không tái diễn?

Hoàng Lam