1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những vành khăn trắng trên đỉnh Lèn Cờ

(Dân trí) - Lèn Cờ, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An mấy ngày nay u ám, sầu não... Tiếng khóc ai oán của người thân các nạn nhân hòa lẫn tiếng máy xúc, tiếng nổ mìn phá đá của công tác tìm kiếm những nạn nhân cuối cùng còn nằm trong đống đổ nát...

Những vành khăn trắng trên đỉnh Lèn Cờ - 1

Nỗi đau gia đình Nguyễn Thị Thủy và hai đứa con trai đang tuổi ăn học nay trở thành mồ côi mẹ. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã, lúc chị mất anh đi làm ăn ở miền Nam, mới về chịu tang vợ sáng nay 2/4.

18 con người ra đi trong giây lát và nỗi đau như vô tận...

Ngày cuối tuần định mệnh

Thứ 6, ngày 1/4/2011 - được xem là ngày định mệnh tại Nghệ An nói chung và xã Nam Thành nói riêng. Nơi đây - Lèn Cờ mới ngày nào anh chị em công nhân là những lao động chính trong những gia đình nghèo còn háo hức lao động mưu sinh, chỉ trong tích tắc khi một tảng đá khổng lồ đổ ụp xuống, đã cướp đi sinh mạng của gần 20 con người.

Cuộc sống vốn cơ hàn, đói nghèo nay lại thêm khốn cùng khi những trụ cột của gia đình đã lìa xa cõi đời để lại sau lưng những nỗi đau khôn cùng. Lèn Cờ ngày định mệnh không nói được hết bằng lời và những gì còn sót lại là nỗi đau không bao giờ vơi...

 
Những vành khăn trắng trên đỉnh Lèn Cờ - 2
Đứa con trai út của nạn nhân Nguyễn Thị Thủy chưa nhận thức được hết nỗi đau mất mẹ.

Ông Nguyễn Văn Nam - một nhân công bốc đá - kể lại: “Lúc đó, mấy chị em đang khẩn trương bốc đá lên chuyến xe đầu tiên thì đột nhiên khối đá trên cao chừng 20m ập xuống nhanh quá nên phần lớn chạy không kịp… 18 con người bị chôn vùi dưới đó...”.

Nạn nhân Nguyễn Sỹ Trọng - có vợ là Nguyễn Thị Hoa và 4 người con (3 gái, 1 trai). Đứa đầu học lớp 12 là Nguyễn Thị Hằng, đứa nhỏ nhất là Nguyễn Sĩ Lâm học lớp 4. Mẹ anh Trọng đã mất, còn người bố năm nay đã 76 tuổi.

Chị Nguyễn Thị Lân - chị gái anh Trọng - vừa khóc vừa nói: “Nó hiền lắm, làng xóm ai cũng thương. Gia đình nghèo nên phải đi làm phu đá kiếm tiền nuôi con ăn học. Ngày được 80.000 ngàn. Ngày nào nó cũng đi làm. Hôm nay trời nắng nên nó đi sớm, ai ngờ…" chị bỏ lửng câu nói nghẹn ngào xót xa.

Đau xót nhất là gia đình ông Nguyễn Thọ Phượng cùng lúc mất 2 người con trai là các anh Nguyễn Thọ Hoàng và Nguyễn Thọ Vũ. Anh Nguyễn Thọ Hoàng đã có vợ và 1 con gái 2 tuổi. Chị Hoàng Thị Phượng vợ anh đang mang bầu đứa con thứ hai.
 
Những vành khăn trắng trên đỉnh Lèn Cờ - 3

Cháu Vương Thị Thảo Linh - 18 tháng tuổi con của nạn nhân Nguyễn Thị Ngân - phải chịu tang mẹ từ quá sớm.
 
Lèn Cờ cũng não nề theo tiếng khóc của mẹ chồng và chồng chị Ngân. Bên xác người con dâu không còn toàn vẹn, bà Vương Thị Thi chỉ biết than trời. Con trai bà, chồng chị Ngân xót vợ, thương đứa con nhỏ khát sữa, khóc váng: “Răng em bỏ cha con anh mà đi hả em? Em đi rồi con sẽ ai nuôi, tỉnh lại đi Ngân ơi!”.

Xóm nhỏ và 7 đám tang

Bốc vác đá đã trở thành "nghề truyền thống" với người dân xã Nam Thành, Bắc Thành, Trung Thành từ lâu. Có hàng trăm người dân trong xã, từ những người tóc đã có sợi bạc đến những đứa trẻ mới lớn đều bán sức mình trên bãi đá mong muốn kiếm được chút cơm ăn. Thế nhưng, bạc bẽo như sắt đá, cái nghề cơ cực không biết bao lần phụ bạc người dân nghèo.

Theo người dân, công nhân lao động ở bãi đá này hầu như là người địa phương, hoàn cảnh khó khăn nên phải mưu sinh ở bãi đá qua ngày. Cái nghề lợi thì ít mà chỉ toàn mang lại tai ương. “Đi bốc đá bị đá cắt chân cắt tay là chuyện thường, có người bị mìn nổ, đá văng đứt đầu… Thảm lắm, cực khổ lắm nhưng chúng tôi cũng có biết làm gì nữa”, ông Nguyễn Văn Long một người dân cho biết.

Đau đớn nhất là xóm Đăng Lưu (xã Nam Thành) với 7 đám tang trong một ngày. Không dám vào nhìn mặt hai đứa con dâu lần cuối, ông Nguyễn Duy Ngụ (hơn 70 tuổi) nước mắt cứ lưng tròng: "Vất vả lắm chú ơi, sáng dậy sớm, tối về muộn, vác trên vai hàng trăm cân đá thế mà cũng chỉ có được dăm ba chục nghìn. Thế mà cũng đâu đã hết tai ương...".

Những vành khăn trắng trên đỉnh Lèn Cờ - 4

Nỗi đau xé tâm can người ở lại.

Con đường liên thôn Đăng Lưu - Sơn Thành vốn bình yên đã phủ một màu tang trắng. Những chiếc xe tang, những con người không còn sức để đau, liêu xiêu bấu víu vào nhau. Những đứa trẻ mồ côi cứ ngỡ mẹ còn đi chợ về muộn, khóc đòi quà trong xót xa.

Chúng tôi lau nước mắt, bám theo những chiếc xe tang còn mùi hương khói về xóm Phan Đăng Lưu, nơi có 7 chiếc áo quan cùng khâm liệm một ngày. Xóm làng không còn sức sống, buông chùng đau đớn. Ông Nguyễn Duy Nhụ ngồi vật vờ bên di ảnh của 2 người con dâu, chị Phan Thị Tam và Nguyễn Thị Lộc.

Buổi sáng định mệnh 1/4 đã cướp đi của gia đình ông 2 sinh mạng, để lại 6 người cháu mồ côi ôm lấy tấm di ảnh người mẹ xấu số. Vợ chồng chị Phan Thị Tam, anh Nguyễn Duy Long làm thuê quần quật nuôi 3 đứa con ăn học. Đầu năm, anh Long đi miền Nam, để lại người vợ ở nhà với lời dặn dò chăm sóc đàn con thơ dại. Những tảng đá vô tri Lèn Cờ đã đẩy 3 đứa trẻ nheo nhóc vào cảnh mồ côi. Con dâu thứ 2 của ông Nhụ, chị Nguyễn Thị Lộc ra đi để lại 3 đứa con cùng người chồng không còn nước mắt, không còn sức để đau.

Xóm Phan Đăng Lưu có 15 người vào chân Lèn Cờ đập đá thuê kiếm sống. 15 người đàn bà lầm lụi bán sức lao động, bán mồ hôi và bây giờ là máu. 7 người đàn bà nằm lại dưới chân lèn. Nỗi đau chồng lên nỗi đau dưới chân núi mồ côi tang tóc!

Những vành khăn trắng trên đỉnh Lèn Cờ - 5

Nỗi đau không nói nên lời của gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Mùi

Ông Nguyễn Thọ Phượng và bà Trần Thị Phượng xóm Sơn Thành không còn sức để gượng dậy. Phía trước nhà ông bà, dưới hàng nghìn tấn đất đá, xác hai người con là Nguyễn Thọ Hoàng và Nguyễn Thọ Vũ đang bị vùi lấp, xác anh Hoàng vừa mới được đưa lên.

Anh Nguyễn Thọ Vũ mới từ miền Nam trở về, đang chuẩn bị làm lễ cưới với một người con gái ở địa phương. Giờ anh nằm xuống, cô gái anh yêu và đã làm lễ ăn hỏi đang bấu vào từng tảng đá tìm anh trong vô vọng.

Tôi đã tới Lèn Cờ. Đã đau. Đã khóc khi viết những dòng này. Người ta ví Yên Thành bờ xôi ruộng mật, vậy mà xã Nam Thành năm trước sáu vành tang do thiên tai chưa nguôi ngoai, năm nay máu lại thấm đỏ Lèn Cờ.

Nguyễn Duy - Anh Tuấn