1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nước mắt muộn màng của “dân chơi”

(Dân trí) - Trần Thị Thanh, Lê Thị Kim Anh rơi nước mắt vì cảnh con nhỏ bơ vơ khi mẹ thụ án; Đào Phương Trí, Lê Quốc Vương nghẹn lời xin một cơ hội cho tuổi trẻ, cho những ước vọng của mình… Những “dân chơi” trong vụ New Century bộc bạch trước toà.

Mong con không sa vào “vết xe đổ” của mẹ

2 trong 3 bị cáo nữ đứng trước vành móng ngựa vì những tội danh liên quan đến việc mua bán, đưa thuốc lắc vào vũ trường New Century đã làm mẹ, khi tuổi đời còn rất trẻ. Trần Thị Thanh (SN 1982), gái Hà Nội chính gốc, khu “36 phố”, có 2 con nhỏ, một lên 5, một lên 6. Bị bắt tạm giam hơn 2 năm qua, kể từ ngày xảy ra vụ án, 2 đứa nhỏ giao phó, trông chờ bà ngoại tuổi cao, sức yếu.

Bị truy tố ở khoản 2, Đ194-BLHS vì hành vi mua bán 150 viên thuốc lắc, Thanh bị đề nghị 7 năm 6 tháng đến 8 năm 6 tháng tù, tổng hợp với bản án 30 tháng tù về tội tàng trữ ma tuý trước đó, bà mẹ trẻ phải đối mặt với 10 -11 năm tù giam.
 
Nước mắt muộn màng của “dân chơi” - 1
Trần Thị Thanh (áo xanh) không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ tội.

“Bị cáo đã biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật, chỉ xin toà xem xét vì 2 đứa con nhỏ không có người nuôi. Mẹ bị cáo đã 70 tuổi, già yếu, không biết các cháu còn nương tựa được ngày nào. Bị cáo chỉ mong được sớm về nuôi con” - Thanh cúi đầu, cố không bật khóc.

Câu chuyện của Lê Thị Kim Anh qua lời bộc bạch sau cùng của cô càng đắng giọng khi sự trượt dài của bản thân cũng là dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân trái luật, cho một gia đình xây trên nền những lỡ làng, ép uổng. Kim Anh kể bản thân lập gia đình khi còn quá nhỏ, khi cô mới 14, người chồng cũng chỉ hơn 2 tuổi. Không đủ tuổi đăng ký kết hôn, tờ hôn thú cũng “treo” luôn cho đến giờ, dù đám cưới của 2 đứa trẻ vẫn rình rang cả 2 bên họ hàng.
 
Nước mắt muộn màng của “dân chơi” - 2
Lê Thị Kim Anh: “Bị cáo mong được sớm trở về với con”.

15 tuổi, Kim Anh làm mẹ trong nỗi đau khổ phát hiện chồng nghiện ma tuý, phải đi cai. Xa chồng, một mình nuôi con nhỏ lại không được gia đình bên nội cảm thông, Kim Anh trượt theo lối sống ăn chơi, sa đoạ, mất cả tuổi trẻ, tự do, tương lai.

“Con bị cáo còn quá nhỏ, côi cút, không có bàn tay chăm sóc của mẹ. Bị cáo rất muốn được về nhà, chung tay nuôi dạy con gái để nó không sa vào vết xe đổ như mẹ nó. Xin toà cho hưởng mức án thấp nhất để bị cáo sớm trở về với con” - những lời sám hối muộn, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt trẻ măng ít phút trước vẫn nhí nhảnh cười đùa với đồng phạm, với người giám hộ.

Ai cho bị cáo kỹ năng đứng vững trước cạm bẫy?

Đến lượt Trương Thu Hiền, cô “hoa khôi vũ trường” tiến tới sát vành móng ngựa. Hiền chỉ đơn giản xin toà xét hành vi của mình là do bồng bột, ham chơi. Thấy bạn bè có nhu cầu món hàng “lên tiên”, bị cáo dẫn mối để hưởng chênh lệch vài trăm nghìn đồng mỗi lần, số tiền cũng chỉ để đủ góp thêm cho những cuộc vui hàng đêm trên sàn nhảy.

Luật sư của “hoa khôi”, phần bào chữa cho thân chủ, cũng không tranh luận thêm về tội trạng. Ông chỉ làm rõ động cơ, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo. Phòng xử án lắng lại trước câu chuyện cuộc đời một cô gái đẹp sa ngã.

Gương mặt xinh đẹp, yêu kiều, nước da trắng đứng trước vành móng ngựa, khó tin lại là kết quả của cuộc hôn nhân giữa người mẹ rất kém nhan sắc và một người cha tật nguyền, bệnh tật, sớm qua đời khi cô con gái chưa tròn 2 tuổi. Với người phụ nữ lỡ làng, mặt chằng chịt vết rỗ, sẹo, biến dạng (vì bệnh thuỷ đậu), cuộc sống cô độc, đầy mặc cảm từ nhỏ thì cô con gái đẹp như hoa là tất cả những gì bà có được từ cuộc đời.

Đến lúc ấy, nhiều người mới hiểu lý do mẹ Hiền không xuất hiện suốt mấy ngày diễn ra phiên toà xét xử con.
Nước mắt muộn màng của “dân chơi” - 3
Hiền trước vành móng ngựa
 
Thương, nuông chiều con, dù gia đình khó khăn, mẹ Hiền luôn cố để đáp ứng bất cứ nhu cầu nào của cô bé, cho đến khi không thể bao bọc được con với sở thích vũ trường, với thuốc lắc và những cuộc chơi “vô tiền khoáng hậu”, việc mua bán những viên thuốc màu hồng để kiếm thêm tiền ăn chơi là hệ quả dễ hiểu.

“Không thể đổ tội hoàn cảnh. Mỗi con người cần có kỹ năng, bản lĩnh để vượt qua chính mình. Nhưng ai cho Hiền những kỹ năng để đứng vững trước cạm bẫy. Việc phạm tội của cô bé không phải là tất yếu nhưng thể hiện rất rõ ảnh hưởng từ gia đình, nhà trường” – LS Nguyễn Văn Tú khái quát. Theo ông, động cơ phạm tội của Hiền là bột phát, không có sự chuẩn bị từ đầu. Bị cáo cũng không phải đối tượng buôn bán ma tuý chuyên nghiệp, lao vào bằng mọi cách vì lợi nhuận.

Nghe lời bào chữa cho mình, Hiền chỉ còn biết khóc, gương mặt xinh đẹp úp trong đôi bàn tay nuột nà mang còng số 8.

Đứng cạnh Hiền, Lê Quốc Vương - bị cáo bị “kết” đồng phạm với Kim Anh trong việc mua, tàng trữ 20 viên thuốc lắc đứng lặng lẽ. Bị cáo cao, sơ mi dài tay đóng măng-séc, sơ vin quần âu, giầy tây đĩnh đạc, lịch lãm.

Nói lời sau cùng, bị cáo thanh minh bản thân không phải người nghiện ngập, chơi bời. Chỉ vì một phút bốc đồng bạn bè, hào phóng chi tiền (3 triệu đồng) cho Kim Anh mua thuốc lắc cho cả nhóm thả sức vui chơi. “Bị cáo đang làm dự án cầu Nhật Tân, công việc bị cáo đã dồn rất nhiều tâm huyết. Xin toà cho bị cáo một cơ hội để tiếp tục công việc” - thật nhiều ngậm ngùi trong lời nói ngập ngừng của Vương.

Chiều nay, toà sẽ có phán quyết cho hành vi của các bị cáo.

P.Thảo