1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tranh luận “nảy lửa” về tội danh của ông chủ New Century

(Dân trí) - 2 công tố viên đối mặt với 2 luật sư có tiếng cùng 1 bị cáo nối danh khiến phần tranh luận về tội kinh doanh trái phép của Nguyễn Đại Dương tại Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm sáng nay 26/8 nhiều kịch tính…

Chế sôđa để hạ độ cồn, không điều khoản nào cho phép!?
 
Nhắc lại quan điểm buộc tội, đại diện VKS quận Hoàn Kiếm cho rằng Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long của Nguyễn Đại Dương có chứng nhận đăng ký kinh doanh rượu bia thuốc lá nhưng chỉ có giấy phép kinh doanh rượu riêng ở địa chỉ 216 đường Trần Duy Hưng, không có tác dụng tại vũ trường ở số 10B Tràng Thi.
 
Kiểm sát viên cũng dẫn số liệu CQĐT thu được 497 chai rượi ngoại tại vũ trường, hoá đơn bán hàng cũng cho thấy New Century bán rượu nguyên chai cho khách chứ không hẳn theo “gói dịch vụ” như bị cáo thanh minh.
 
“Việc vũ trường cho nhân viên pha thêm nước đá, sôđa vào ly rượu không làm thay đổi bản chất vấn đề. Rượu vẫn là rượu, dù pha thêm nguyên liệu khác cũng không làm rượu chuyển hoá, không còn là rượu” - nữ kiểm sát viên nhấn mạnh.
 
Tranh luận “nảy lửa” về tội danh của ông chủ New Century - 1
Đại diện Sở Công thương xác nhận New Century chưa có giấy phép kinh doanh rượu trên 30 độ cồn.
 
Đại diện cơ quan công tố cũng dẫn lời của đại diện Sở Công thương Hà Nội khẳng định trước toà trong buổi thẩm vấn hôm qua: kinh doanh rượu phải theo đúng địa điểm ghi trong giấy phép được cấp.
 
Bị cáo Nguyễn Đại Dương lập tức “phản pháo”: “VKS luôn tránh né “gọi đúng tên” giấy phép theo quy định tại Thông tư 12 là giấy phép kinh doanh rượu trên 30 độ cồn. Dưới giới hạn ấy, mọi cá nhân tổ chức đều có thể kinh doanh khi được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành hàng bia, rượu, thuốc lá”.
 
LS Nguyễn Minh Tâm bổ sung, nếu chỉ lạnh lùng đánh giá sự việc đơn thuần là vũ trường không có “giấy phép con” thì không đúng bản chất. Chỉ dừng lại ở biểu hiện vũ trường bán rượu nguyên chai cũng chưa đủ.
 
Đại diện VKS đáp lời kiểu “đố” người bị cáo buộc phạm tội chỉ ra văn bản pháp luật, quy định nói việc kinh doanh rượu dưới 30 độ cồn là không cấm. “Việc chế biến thêm nguyên liệu để hạ độ cồn trong rượu, tôi đọc cả Thông tư 12 cũng không thấy điều khoản nào cho phép làm vậy”.
 
Luật mới có lợi cho bị cáo nhưng không… dùng được
 
Về vấn đề luật sư cáo buộc VKS cố tình “lờ” những quy định mới, cởi mở hơn cho hoạt động kinh doanh rượu bia tại Nghị định 40 và Thông tư số 10, chỉ áp theo Nghị định 11, Thông tư số 12 từ năm 1999, kiểm sát viên lý giải vì những nội dung của Thông tư 12 không trái với văn bản mới.
 
Theo đó, các văn bản đều thể hiện chỉ đạo xuyên suốt là buộc cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Lời nói sau cùng của ông chủ New Century: “Mong toà không chấp nhận đề nghị của VKS về việc tiêu huỷ 3 CPU máy tính bị hỏng, cho phép bị cáo nhận lại. Nếu có cách mở lại được những CPU này, sẽ làm rõ được việc ai đã ném hàng trăm viên ma tuý tổng hợp, bao cao su xuống sàn vũ trường; ai là người đã trộm cướp tài sản rất nhiều khách hàng của bị cáo. Bị cáo nợ họ điều đó”.

Đại diện VKS cũng “bắt bài” một chiêu lập lờ của luật sư Phạm Danh Tín. Trước đó, ông Tín trích điều 3, Thông tư số 10 để chứng minh vũ trường New Century đủ điều kiện kinh doanh rượu như an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm…
 
Tuy nhiên, công tố viên cho rằng, luật sư đã “lờ” hẳn vế sau của điều luật này là các cơ sở được kinh doanh rượu khi có đủ điều kiện và có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
 
Bị cáo Nguyễn Đại Dương rành rọt dẫn chứng những điểm khác biệt giữa Thông tư 10 (mới) và Thông tư 12. Theo đó, Thông tư 12 có điều khoản cấm việc kinh doanh rượu trên 30 độ cồn ở những nơi công cộng (bến tàu xe, điểm vui chơi giải trí, vũ trường…).
 
Trong khi đó, Thông tư số 10 đã “bãi” những điều cấm đó. Nếu New Century vẫn còn hoạt động thì việc bán rượu tại đây đương nhiên được phép khi vũ trường đã được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh.
 
Luật sư Nguyễn Minh Tâm không giấu giọng gay gắt: “Tôi không hiểu sao VKS lại cho rằng không có sự khác biệt giữa thông tư mới và cũ. Nếu thế thì cần ra quy định mới, huỷ bỏ quy định cũ làm gì”.
 
Ông Tâm phân tích, thay đổi từ việc cấm thành không cấm bán rượu tại vũ trường, đây là sự khác biệt cơ bản, có lợi cho bị cáo, cần được toà áp dụng.
 
Đến lúc này, nữ kiểm sát viên xuống nước: “Tôi đồng ý quan điểm của luật sư là Nghị định 40 và Thông tư 10 không cấm kinh doanh rượu ở vũ trường, đó là điều có lợi cho bị cáo. Nhưng không cấm không có nghĩa là kinh doanh tự do, vũ trường chỉ được bán rượu khi có giấy phép”.
 
“Kết tội” vũ trường thì phải hoàn trả thuế!
 
Đánh giá yếu tố lỗi của bị cáo, cơ quan công tố cho rằng, Nguyễn Đại Dương biết rất rõ quy định kinh doanh rượu phải có giấy phép. Vì vậy, tháng 6/2006, ông chủ New Century đã cho nhân viên tới Sở thương mại Hà Nội hỏi thủ tục xin cấp giấy phép nhưng bị từ chối.
 
Đại diện VKS cũng bác hoàn toàn quan điểm của bị cáo là chỉ “lách luật”, không phạm luật vì có hiểu luật mới biết cách “lách”. Điều này thể hiện ý thức chủ quan của bị cáo, biết rõ là sai mà vẫn bất chấp, cố tình làm.
 
Tranh luận “nảy lửa” về tội danh của ông chủ New Century - 2
Nguyễn Đại Dương nói lời sau cùng tại toà.
 
Vẫn không chịu, luật sư Phạm Minh Tâm yêu cầu chứng minh bị cáo phạm lỗi cố ý trực tiếp hay gián tiếp. Ông Tâm cho rằng, lỗi của bị cáo Dương nếu có chỉ là vô ý do chủ quan, đinh ninh rằng “lách” được luật, thời gian dài được các cơ quan chức năng chấp nhận, không bị xử lý nghĩa là đã làm đúng, sẽ không bị xử lý pháp luật.
 
Vị luật sư đến từ TPHCM cũng xoáy thêm, nếu Viện “khép tội” vũ trường kinh doanh trái phép thì tất cả những khoản thuế truy thu từ hoạt động bán rượu của vũ trường xử lý thế nào, có trả lại cho bị cáo? Còn nếu thừa nhận việc thu thuế đúng thì đương nhiên việc kinh doanh của New Century là hợp pháp.
 
Nữ công tố viên tránh câu hỏi với lý do VKS không đề cập đến vấn đề về thuế, những tài liệu đang lưu ở Cục thuế Hà Nội cũng như vấn đề hưởng lợi của bị cáo.
 
P.Thảo