Gia Lai:
Nước mắt đôi vợ chồng nghèo mất 3 con bò gia sản
(Dân trí) - Tài sản lớn nhất của vợ chồng bà Lút là 3 con bò, có được nhờ vay tiền ngân hàng chính sách để mua. Bỗng một ngày, cả 3 con bò “biến mất”, khiến vợ chồng bà rầu rĩ, thất thần. Người dân làng Ốp hoang mang, vì xưa nay làng chưa bao giờ mất trộm.
Nhắc tới chuyện “tài sản lớn nhất đời mình” bị mất, bà Lút (70 tuổi, trú làng Plei Ốp, phường Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai) chỉ biết khóc. Nước mắt của bà lão nghèo có lẽ đã khô, chỉ có những nỗi buồn khổ hằn rõ lên từng nếp nhăn.
Cũng như nhiều người dân trong làng, hàng ngày, bà Lút mưu sinh từ sáng đến tối bằng nghề nông. Bởi, mang tiếng là địa bàn thành phố, lại thuộc một trong những phường trung tâm, nhưng làng Plei Ốp lại gần như đối lập hoàn toàn với cảnh phồn hoa của phố thị.
Căn nhà lụp xụp của vợ chồng bà Lút, ông Ui nằm lẻ loi bên cạnh khu nhà mồ của làng, nhà vẫn chưa có đường điện. Ông bà sinh được 5 người con, tất cả đều đã lập gia đình và ra ở riêng.
Những ngày đầu mới mất bò, ông bà đã bỏ nhà đi lang thang khắp nơi tìm kiếm mà không thấy. Bà Lút kể, vợ chồng ông bà sống bằng nghề nông, từ khi các con lập ra đình ra ở riêng, hầu hết ruộng rẫy ông bà đều chia cho các con. Hai vợ chồng già chỉ còn lại 1 sào ruộng và ít đất vườn. Ước mơ bấy lâu nay của họ là có một con bò làm giống, làm của để dành khi không còn sức lao động nữa. Nhưng vì quá nghèo, dành dụm mãi cũng không đủ tiền mua bò.
Năm 2012, ước mơ của họ trở thành hiện thực khi được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách. Nhận được tiền vay, ngay lập tức vợ chồng bà Lút về tìm mua được 2 con bê. Sau gần 3 năm chăm sóc, 2 con bê đã lớn và sinh sản được 1 chú bê con. Vợ chồng bà Lút vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Lần đầu tiên trong đời, họ được sở hữu số tài sản lớn đến như vậy. Vợ chồng bà Lút nghĩ, rồi mai đây, mình sẽ trả được hết nợ ngân hàng, sẽ có của để dành khi chân tay không còn lên rẫy được nữa… Nhưng ông trời không cho họ cái may mắn đó!
Gần 2 tháng trước, trong làng có một người đàn ông chết vì tự tử. Để chia sẻ nỗi đau với gia đình cũng như theo phong tục của người J’Rai, vợ chồng bà Lút đã túc trực ở đám ma từ chiều tối hôm trước đến sáng hôm sau mới về nhà.
Về tới nhà, đôi vợ chồng già sững sờ khi cả 3 con bò - tài sản lớn nhất đời họ - đã không còn trong chuồng. Hai vợ chồng già ngồi bệt xuống đường gào khóc… Họ vẫn chưa tin bò của mình bị mất, có thể chúng sổng chuồng đi lang thang đâu đó. Nghĩ vậy, đôi vợ chồng già đi khắp nơi để tìm bò về. Không chỉ vậy, họ còn tới gặp thầy cúng để nhờ chỉ xem bò nhà mình đang ở đâu. Dù đã được “thầy” chỉ đường nhưng họ tìm mãi cũng không thấy bò. Sau hơn một tuần lang thang tìm kiếm, họ đành tay trắng trở về nhà.
Việc vợ chồng bà Lút mất 3 con bò khiến cả làng xôn xao, bàn tán. 3 con bò có giá trị hơn 50 triệu đồng, với nhiều người nông dân đó là khối tài sản quá lớn, không buồn, không tiếc sao được! Sự việc cũng khiến cả làng hoang mang, đây là lần đầu tiên người dân trong làng bị mất tài sản lớn như vậy. Ngay đến một số hộ người Kinh sống trong làng cũng vẫn chủ quan, để tài sản ở ngoài đường khi đi ngủ buổi tối.
Nhiều người bày tỏ sự xót xa cho vợ chồng bà Lút, tiền họ vay ngân hàng chưa trả được đồng nào, giờ bò lại mất, sức họ cũng đã già yếu… Dân hoang mang không biết đối tượng trộm bò là ai, chúng có quay lại trộm cắp của nhà nào nữa không?
Chị É, một người dân trong làng chia sẻ: “Ai cũng tưởng bò nhà bà Lút đi đâu đó chứ không nghĩ là mất, làng mình trước nay chưa bị mất trộm cái gì nên mình rất sợ. Nhà mình cũng muốn có bò nuôi nhưng chưa có tiền để mua, nếu bị mất nhiều bò như vậy chắc mình khóc không ăn được cơm. Từ lúc mất bò đến nay, không ai còn thấy vợ chồng bà Lút cười nữa, nhìn họ già thêm mấy tuổi nữa”.
Ông Thok, Trưởng thôn cho biết, vợ chồng bà Lút là hộ cận nghèo, số tiền ông bà vay mua bò vẫn chưa trả được đồng nào nay bò đã mất. Sau khi nắm thông tin, ông đã đưa vợ chồng bà lên phường báo công an. Do trong làng chưa bao giờ mất trộm tài sản lớn như vậy, nên bản thân ông Thok cũng không biết phải xử lý như thế nào.
“Mình rất buồn, miệng đắng lắm, ăn cơm không còn thấy ngon nữa”, bà Lút lẩm bẩm nói rồi khóc.
Trời đã tối nhem, chờ mãi mà vẫn chưa thấy ông Ui về, nhìn bà cụ một mình trong căn nhà lụp xụp nằm chơ vơ bên cạnh khu nhà mồ, ôm nỗi buồn thê thiết, chúng tôi không khỏi xót xa.
Thiên Thư