1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

Nông dân cắt lúa... cho bò ăn!

(Dân trí) - Đất đai nứt nẻ, ao hồ cạn kiệt, người dân thiếu nước sinh hoạt, hàng ngàn hecta lúa, hoa màu bị hạn hán. Thậm chí, nhiều diện tích lúa không thể cứu, nông dân đành cắt cho bò ăn…


Đó là tình trạng nắng hạn đang diễn ra gay gắt tại tỉnh Bình Định, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt mà còn gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của người dân tỉnh này.

Lúa "đắng" bò cũng không thèm ăn!

Tình hình nắng hạn đang diễn ra khốc liệt trên địa bàn tỉnh Bình Định, trong đó địa phương phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất là huyện Phù Mỹ (hơn 2.100 ha); Hoài Ân (1.030 ha), Phù Cát (712 ha), Tuy Phước (216 ha), Vĩnh Thạnh (254 ha), Tây Sơn (129 ha)... Dự báo trong 10 ngày tới, nếu không có mưa, diện tích lúa bị hạn hán tấn công sẽ lên tới trên 10.000 ha.

Bà Cúc phờ phạc bên đám ruộng phải cắt bỏ cho bò ăn
Bà Cúc phờ phạc bên đám ruộng phải cắt bỏ cho bò ăn

Tại điểm nóng về tình hình hạn hán đang diễn ra khốc liệt ở xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ) đi đến đâu cũng nghe người dân than trời trách đất. Tại các cánh đồng lúa đang trổ bông ở xã Mỹ Tài, nhiều gia đình phải cắn răng cắt lúa về cho bò ăn. 

Anh Đặng Đình Thúc, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Mỹ Hội 3, ngao ngán: “Lúa đang trổ bông mà không có nước tưới, đến mạch nước ngầm cũng cạn kiệt. Thiếu nước, lúa không trổ được, nếu trổ được thì hạt cũng lép xẹp đành cắt cho bò ăn nhưng đến bò cũng chê không thèm ăn. Vậy là bao công sức, tiền đầu tư phân bón, làm đất coi như mất trắng, người dân lại lo thiếu đói…”.

Giữa cái nắng như đổ lửa, bà Trần Thị Cúc (59 tuổi, thôn Mỹ Hội 3, xã Mỹ Tài) đứng giữa đám lúa đang ngắc ngoải, hấp hối” vì thiếu nước: “Hai năm nay, hạn hán liên tiếp tấn công người dân xã Mỹ Tài, nhưng năm nay mức độ khốc liệt hơn. Gia đình làm 3 sào lúa nhưng tương lai cắt cho bò ăn mất 1 sào, hai sào còn lại dù có cứu được thì năng suất cũng không đủ trả tiền điện bơm nước”, bà Cúc thở dài.

Cách đó vài đám ruộng, hơn 1 sào lúa bị chết cháy của gia đình ông Nguyễn Sỏi (68 tuổi, thôn Mỹ Hội 3) do không đủ khả năng khoan giếng, đào giếng ngay tại ruộng nên đành bỏ không buồn chăm sóc.

Lúa chết cháy đến bò cũng không buồn ăn
Lúa chết cháy đến bò cũng không buồn ăn
Hoa màu đang có nguy cơ chết cháy
Hoa màu đang có nguy cơ chết cháy
Hàng trăm ha mất trắng và bỏ hoang
Hàng trăm ha mất trắng và bỏ hoang

Ông Hồ Văn Long, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tài, cho biết: Đây là năm thứ 3 liên tiếp xã Mỹ Tài bị hạn nặng trong vòng 10 năm trở lại đây, nhưng năm nay mức độ trầm trọng hơn. Chỉ riêng trong 354 ha lúa hè thu có 150 ha bị hạn, 80 ha mất trắng. Chưa kể đến hơn 760 ha hoa màu, chủ yếu trồng cây mì đang bị thiếu nước, một số diện tích mì đang bị chết cháy. Hạn hán kéo dài, nguy cơ dân thiếu đói chắc chắn sẽ xảy ra tại địa phương. Mấy năm trước, cả xã có 50 – 70 hộ dân phải cứu đói do hạn hán. Nếu hạn hán tiếp tục kéo dài thì con số dân thiếu đói có thể sẽ tăng lên. Tuy nhiên, địa phương đã có kế hoạch cứu đói cho bà con trên tinh thần không để người dân nào bị đói bị khát”.

Đào ao, khoan giếng cứu cây lúa

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, do nắng hạn kéo dài nên nhiều công trình cấp nước sản xuất, nước sinh hoạt bị trơ đáy. Hiện nay, trong tổng số 161 hồ chứa nước chỉ còn 286,5 triệu m3, bằng 49% dung tích thiết kế. Hiện toàn tỉnh có gần 5.000 ha lúa hè thu đang bị hạn nhưng phần lớn diện tích đang trong thời kỳ trổ đòng nên nguy cơ mất trắng là rất cao.


Hiện nay, trên các cánh đồng lúa ở xã Mỹ Chánh Tây, Mỹ Châu, Mỹ Hiệp, Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ) đang bị hạn nghiêm trọng. Các địa phương trên đang tìm mọi phương án để chống hạn cho cây lúa, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Tại xã Mỹ Tài, khắp các cánh đồng lúa đang thời kỳ trổ nhưng chẳng khác nào đại công trường. Người dân nơi đây tập trung khoan giếng, đào ao, thậm chí đào giếng ngay tại ruộng “vắt” từng giọt nước ngầm cứu cây lúa.

Đang loay hoay đào giếng ở chân cầu Dốc Tầm, ông Đặng Thanh Liêm (62 tuổi, ở thôn Mỹ Hội 3) phân trần: “Nhà tôi làm được 3,5 sào lúa nhưng phải cắt 1,5 sào cho bò rồi. Trồng cây lúa sắp đến thời kỳ thu hoạch mà phải bỏ thì tiếc lắm nên nhà nào cũng tìm mọi cách cứu cây lúa. Thấy ở đây còn chút nước tôi ráng đào được chút nào hay chút. Bây giờ chỉ còn trông chờ vào ông trời chứ biết làm sao bây giờ”.

Ông Liêm vét mương vắt từng giọt nước mong cứu 2 sào lúa còn lại
Ông Liêm vét mương vắt từng giọt nước mong cứu 2 sào lúa còn lại

Tại các cánh đồng thôn Mỹ Hội 1, 2, 3 xã Mỹ Tài, nhiều gia đình dựng lều, cơm đùm cơm nắm túc trực 24/24 giờ tại ruộng để canh bơm nước cho lúa. Thế nhưng, nguồn nước ngầm nhỏ giọt cũng đủ để “giữ ẩm” cho cây lúa cầm cự trong vài ngày tới. “Hơn 1 tuần qua, 2 chú cháu phải thay phiên ở ngoài ruộng cả ngày lẫn đêm canh bơm nước cứu gần 1 mẫu của hai gia đình. Hạn quá, nước ngầm cũng hết, chỉ bơm 5 đến 10 phút lại phải nghỉ 30 phút chờ nước hồi lại rồi mới bơm tiếp. Mới cách đây 3 hôm, do không để ý máy bơm đang chạy mà hết nước không biết nên bị cháy máy phải sửa mất 400 ngàn. Cả ngày ăn nằm ngoài bờ bụi, không biết khi thu hoạch tiền bán lúa có đủ tiền điện, tiền sửa máy bơm không”, chị Trần Thị Thanh nói.

Tình hình nắng hạn ở xã Mỹ Tài rất gay gắt. Để chủ động chống hạn, chính quyền địa phương vận động người dân chủ động khoan giếng, sử dụng nước giếng khoan gia đình cứu cây lúa. Đồng thời, xã cũng chủ động ứng trước kinh phí 24 triệu đồng ngân sách HTX nông nghiệp đào 4 ao, mỗi ao sâu 4 m, rộng 10m để lấy nước cứu lúa. Tuy nhiên, thực tế cả 4 ao lúc nào cũng trong tình trạng trơ đáy do mạch nước ngầm cũng cạn kiệt. Đến nước tưới cho lúa, người dân cũng phải bốc thăm chờ đến lượt được bơm. “Một cái ao phải gánh 57 hộ dân xếp hàng chờ tới lượt được bơm nhưng mỗi lần bơm chỉ 15 phút là hết nước. Sau đó lại phải đợi hơn 5 tiếng đồng hồ chờ những giọt nước rỉ ra từ lòng đất”, ông Nguyễn Thành Lâm, cán bộ giao thông thủy lợi xã Mỹ Tài lắc đầu ngao ngán.

Đào giếng ngay tại ruộng lấy từng giọt nước ngầm 
Đào giếng ngay tại ruộng lấy từng giọt nước ngầm 
Đào ao lấy nước tưới cho lúa
Đào ao lấy nước tưới cho lúa

Hạn hán gay gắt không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt người dân. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng gần 8.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt tập trung ở khắp các huyện như Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, TP Quy Nhơn…

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Trước mắt bằng mọi cách phải đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân cũng như vật nuôi. Riêng về cây trồng, tỉnh sẽ tăng cường nạo vét kệnh mương, đào ao, khoan giếng nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn. Về lâu dài, tỉnh sẽ xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với các vùng thường xuyên bị hạn hán...”.

Doãn Công