Nước mặn đã "tràn vào" TP Cần Thơ

(Dân trí) - Nguồn tin từ văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ cho biết, những ngày qua, nồng độ mặn đo được trên sông Hậu (đoạn cảng Cái Cui) luôn ở mức trên 2.000 mg/l. Đây là lần đầu tiên Cần Thơ bị mặn xâm nhập.

img-0511-1458030415222

Nước mặn đã xâm nhập đến cảng Cái Cui, cách Bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ) khoảng 7km

Cụ thể, tính đến ngày 11/3, trên sông Hậu, tại đoạn Cảng Cái Cui (quận Cái Răng), nồng độ mặn đo được luôn trên mức 2.000 mg/lít (2‰). Độ mặn đang giảm xuống nhưng sẽ tăng trở lại vào con nước rằm tháng 2 Âm lịch.

Thành phố Cần Thơ hiện có 3 nhà máy cấp nước với tổng công suất hơn 82.000 m3 mỗi ngày đêm đều nằm trong vùng nguy hiểm trong đợt hạn, mặn lịch sử này. Tuy nhiên, hệ thống bồn dự trữ của đơn vị này đã tích đầy nước ngọt, đủ cho các nhà máy hoạt động vài giờ trong lúc chờ độ mặn trên sông giảm.

Thời gian qua hạn, mặn kéo dài đã có nhiều dòng sông ở ĐBSCL cạn trơ đáy
Thời gian qua hạn, mặn kéo dài đã có nhiều dòng sông ở ĐBSCL cạn trơ đáy

Liên quan đến vấn đề này, mới đây tại hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn của các tỉnh ĐBSCL, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết, Cần Thơ đã yêu cầu ngành nông nghiệp theo dõi sát tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn, vận hành hệ thống thủy lợi hợp lý; hướng dẫn nông dân tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên tinh thần tiết kiệm tối đa.

Sắp tới, Cần Thơ sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, điều chỉnh quy hoạch cấp nước trong mối tương quan liên kết vùng.

Như vậy tính đến thời điểm hiện tại hầu như toàn bộ vùng ĐBSCL đều đã bị mặn tấn công (chỉ còn Đồng Tháp ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu chưa bị ảnh hưởng). ĐBSCL đã có đến 8/13 tỉnh, thành công bố thiên tai do hạn, mặn. Hàng trăm nghìn ha lúa, cây ăn trái, hoa màu, vùng nuôi thủy sản đã bị thiệt hại.

Phạm Tâm

Dòng sự kiện: Hạn, mặn khốc liệt