1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Nước lũ vẫn dâng cao hàng mét, nhiều nơi bị cô lập

(Dân trí) - Đến sáng nay, 6/11, nước lũ vẫn còn chia cắt nhiều nơi ở Quảng Nam; nước vẫn còn cao và chảy xiết. Thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ cho biết, trong đợt lũ này, các sông trên địa bàn Quảng Nam dự kiến sẽ có lũ đặt biệt lớn.

Theo báo cáo, đến sáng nay (6/11), sông Vu Gia tại Ái Nghĩa ở mức 9,96m (trên BĐ3 là 0,96m; sông Thu Bồn tại Giao Thủy ở mức 9,42m (trên BĐ3 là 0,82m); tại Câu Lâu ở mức 5,13m (trên BĐ3 là 1,13m, thấp hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1964 là 0,35m); tại Hội An ở mức 3,15m (trên BĐ3 là 1,15m, thấp hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1964 là 0,25m).

Nước lụt ở Hội An đang rút nhưng rất chậm
Nước lụt ở Hội An đang rút nhưng rất chậm

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch TP Hội An – cho biết, mực nước lũ tại Hội An từ 7h-8h50 ngày 6/11 giữ nguyên ở mức 3,09m, trên BĐ 3 là 1,09m.

“Thủy điện đang xả 3.145 m3/s, thủy triều đang chảy cạn nhưng lượng nước lũ từ thượng nguồn về lớn nên thoát không kịp. Mực lũ vẫn rất cao, đề nghị mọi người cẩn trọng, đảm bảo an toàn”, ông Hùng nói.

Trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch huyện Nam Trà My – ông Hồ Quang Bửu – cho biết, hiện nay tình hình mưa rất lớn, nước tại các sông đều lên, các phương tiện qua lại trên quốc lộ 40B từ Bắc Trà My đi Nam Trà My bị chia cắt. Tuyến quốc lộ này có 11 điểm sạt lở, tổng khối lượng khoảng 790m3 (chủ yếu khu vực TakPor đi các xã).

Tuyến đường chính từ Đà Nẵng lên Đại Lộc vẫn còn cấm vì nước chưa rút
Tuyến đường chính từ Đà Nẵng lên Đại Lộc vẫn còn cấm vì nước chưa rút

Ngoài ra, đường giao thông từ trung tâm huyện đi các xã bị sạt lở nhiều nơi, xe máy và ô tô không thể lưu thông được, chỉ có thể đi bộ.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Phú Thủy – Phó Chủ tịch huyện Nông Sơn – cho biết, đến sáng nay, lũ vẫn còn chia cắt nhiều nơi trong huyện. Từ trung tâm huyện không thể đi về các xã được vì nước vẫn còn cao và chảy xiết.

Nhà dân ở xã Đại An (huyện Đại Lộc) ngập sâu. (Ảnh: Q.H)
Nhà dân ở xã Đại An (huyện Đại Lộc) ngập sâu. (Ảnh: Q.H)

“Dự báo đỉnh lũ có thể bằng đỉnh lũ lịch sử năm 2007 nhưng hiện nước đang có xu hướng rút, tuy nhiên nhiều nơi nước vẫn đang chảy xiết. Trên địa bàn huyện chưa thiệt hại về người, còn thiệt hại tài sản chưa thể thống kê được”, ông Thủy nói.

Tại huyện Tây Giang, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, trên địa bàn huyện đã có mưa lớn trên diện rộng làm cho tuyến đường từ trung tâm huyện lên các xã vùng cao bị sạt lở gây ách tắt giao thông. Hiện nay việc đi lại của người dân nơi đây hết sức khó khăn.

Người dân xã Đại An được hỗ trợ mì tôm. (Ảnh: Q.H)
Người dân xã Đại An được hỗ trợ mì tôm. (Ảnh: Q.H)

Ông Nguyễn Văn Phú - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết, mưa lớn hai ngày qua đã làm cho tuyến đường từ xã Lăng đi xã Tr’hy, từ xã Tr’hy đi xã Axan bị sạt lở gây gây ách tắc giao thông cục bộ. Mưa lớn làm cuốn trôi có 1 nhà dân ở thôn Pơr’ning, xã Lăng, làm sạt lở một nhà ở 1 hộ dân thôn Voòng và nhà ở dân quân xã Tr’hy.

Sạt lở ở huyện Tây Giang
Sạt lở ở huyện Tây Giang

Trước tình hình đó, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện đã họp khẩn để triển khai công tác phòng chống và khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Trong đó, tập trung cho việc khắc phục sạt lở đất, tuyên truyền vận dộng người dân không đường ra sông vớt củi, bắt cá. Người dân 4 xã vùng cao hạn chế đi lại.

Chủ tịch huyện - ông Bhling Mia - cho biết, huyện đã đã triển khai các phương án phòng chống cơn bão số 12 với phương châm 4 tại chổ. Trong đó, đã có kế hoạch dự trự lương thực, xăng dầu nhất là đảm bảo lương thực, thực phẩm cho học sinh nội trú, bán trú trong năm học mới.

Người dân chuẩn bị lương thực cho mùa mưa bão
Người dân chuẩn bị lương thực cho mùa mưa bão

Đặc biệt sẽ bố trí xe múc tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao để tiến hành sửa chưa ngay nếu có sạt lở xảy ra. Hiện Tây Giang đã san ủi 72 mặt bằng sắp sếp bố trí dân cư ở những vùng có nguy có sạt lở về sinh sống ổn định lâu dài.

Ông Trần Văn Mai – Chủ tịch huyện Đại Lộc – cho biết, từ sáng đến 11h ngày 6/11, nước lũ đang rút nhưng rất chậm. “Từ sáng đến giờ, nước chủ rút được nửa mét. Hiện ngoài sân ủy ban huyện nước còn cao đến rốn, trong các phòng làm việc tầng dưới thì mấy anh em đang dọn lụt”, ông Mai nói.

Ở các huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn… đến sáng nay nước lũ đã có dấu hiệu rút nhưng chậm, nhiều tuyến đường chính từ trung tâm một số huyện còn bị chia cắt, không thể lưu thông được.

Quảng Ngãi: "Áo xanh" vượt lũ hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị cô lập

"Áo xanh" vượt lũ hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị cô lập

Tối 5/11, 30 đoàn viên, thanh niên của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã thực hiện hỗ trợ khẩn cấp lương thực, nước uống cho 200 hộ dân huyện Tư Nghĩa bị nước lũ bao vây, cô lập.

Chuyến hàng đầu tiên gồm 200 thùng mì tôm, nước uống đã được lực lượng thanh niên xung kích dùng ghe vận chuyển đến khu vực thôn Điền An (xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa).

Xuyên đêm trong làn mưa dày đặc, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã mang thực phẩm, nước uống trao tận tay cho từng hộ dân tại thôn Điền An.

Nước lũ vẫn dâng cao hàng mét, nhiều nơi bị cô lập - 7

Cùng đi với đoàn, ông Nguyễn Quang Lâm - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Điền - thông tin: thôn Điền An là khu vực bị nước lũ chia cắt suốt 2 ngày qua, đây cũng là khu vực bị ngập sâu nhất trên địa bàn xã. Đến chiều ngày 5/11, nước lũ đã cô lập hoàn toàn 200 hộ dân, nhiều nhà dân trong thôn ngập sâu hơn 2 m.

Trao đổi với PV Dân trí, Bí thư Tỉnh đoàn Đặng Minh Thảo, cho biết: dù trời đã tối và thời tiết tiếp tục có mưa lớn, tuy nhiên nhận thấy người dân bị nước lũ cô lập gặp rất nhiều khó khăn nên Tỉnh đoàn Quảng Ngãi quyết định triển khai hoạt động hỗ trợ khẩn cấp ngay trong đêm.

"Thời tiết tiếp tục diễn biến xấu, khả năng sẽ có thêm nhiều hộ dân trong tỉnh bị nước lũ cô lập. Vì vậy, trong những ngày đến Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chuyến cứu trợ cho người dân để kịp thời chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ", anh Đặng Minh Thảo chia sẻ.

Nước lũ vẫn dâng cao hàng mét, nhiều nơi bị cô lập - 8

Dùng ghe vận chuyển mì tôm, nước uống vào thôn Điền An, trao tận tay dân.
Dùng ghe vận chuyển mì tôm, nước uống vào thôn Điền An, trao tận tay dân.

Công Bính - Quốc Triều

Dòng sự kiện: Cơn bão số 12