1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nước lũ dâng cao, vận tải trên trục Bắc Nam tiếp tục đình trệ

(Dân trí) - Trong đêm qua và sáng nay 6/10, hàng loạt chuyến tàu Bắc - Nam tiếp tục bãi bỏ do đường sắt qua khu vực miền Trung bị sạt lở nghiêm trọng. Hoạt đồng vận tải bằng đường bộ cũng bị tê liệt vì nước lũ dâng cao.

Thông tin từ ga Hà Nội, hôm nay 6/10, ga Hà Nội bãi bỏ các chuyến tàu SE7, SE1, SE3 (Hà Nội - Sài Gòn), TN1 (Hà Nội - Huế); tàu SE5 xuất phát từ Hà Nội lúc 23h (chậm hơn so với giờ quy định 7h15phút).

Ga Hà Nội cho biết, hành khách có vé các tàu bãi bỏ mời đến cửa trả vé của nhà ga để trả lại vé hoặc đổi sang đi các chuyến tàu khác, nhà ga sẽ hoàn trả hành khách 100% tiền vé. Để biểt thêm kế hoạch và thông tin chi tiết các tàu đi và về ga Hà Nội, hành khách liên hệ qua số điện thoại: 04.39423697 hoặc 04.37470303 máy lẻ 2395.
 
Bà Phùng Thị Lý Hà - Phó Trưởng ga Hà Nội - cho hay: “Ngày 07/10/2010, ga Hà Nội sẽ tổ chức chạy bình thường 4 đôi tàu Thống Nhất gồm: TN1 (10h05), SE5 (15h45), SE1 (19h00), SE3 (23h00), tạm thời ngừng chạy tàu SE7 (6h15). Trong trường hợp tiếp tục có ảnh hưởng của mưa lũ, ngành Đường sắt sẽ tổ chức chuyển tải hành khách bằng ô tô, hành khách không phải trả thêm bất cứ chi phí nào phát sinh”.
 
Nước lũ dâng cao, vận tải trên trục Bắc Nam tiếp tục đình trệ - 1
Các chuyến tàu xuất phát từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam
buộc phải dừng lại tại ga Vinh (ảnh: Nguyễn Duy)

Tại ga Sài Gòn, tối qua 5/10 nhà ga vẫn nhận lệnh chạy tàu bình thường. Tuy nhiên từ sáng nay 6/10 các chuyến tàu nhận lệnh bãi bỏ là SE8, SE4, TN2; tàu SE2, SE6 khả năng chạy bình thường.

Bà Nguyễn Thị Thanh Phương - Trưởng ga Sài Gòn cho biết: “Đối với những chuyến tàu có khả năng bãi bỏ, nhà ga tạm thời dừng không bán vé. Những hành khách có vé đi trên các chuyến tàu bãi bỏ, chậm tàu hoặc có nhu cầu chuyển tải, nhà ga sẽ hoàn trả lại 100% tiền vé”.

Đối với vận tải hàng không, đại diện Hãng hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) cho biết, hãng vẫn thực hiện khai thác bay bình thường tới các sân bay khu vực miền Trung. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên một số chuyến bay đã phải lùi giờ khởi hành chậm hơn giờ quy định để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Theo thông tin mới nhất từ các đơn vị báo cáo về Bộ, Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo nhanh về thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả bước đầu về tình hình ngập úng, sạt lở.

Tuyến quốc lộ 1 ở Quảng Bình bị ngập các đoạn: Km598-Km621, Km622-Km625+300, Km630-Km631+700, Km640-Km645, Km651+300-Km651+600, Km661-Km660+600, Km664+700-Km670, Km673-Km696 (thành phố Đồng Hới) ngập sâu từ 0,6 đến 1,1m gây tắc đường.
 
Nước lũ dâng cao, vận tải trên trục Bắc Nam tiếp tục đình trệ - 2
Nước lũ dâng cao, giao thông trên quốc lộ 1A tê liệt (ảnh: Hồng Kỹ)

Khu vực Quảng Trị có đoạn Km755+100-Km755 bị ngập nhưng đã thông xe chiều 5 - 10. Khu vực Thừa Thiên Huế, một đoạn bị hỏng mặt đường như từ Km792 đến Km844.

Đường Hồ Chí Minh Nhánh Tây thuộc Quảng Bình có đoạn Km0 - Km175 bị sạt taluy gây ách tắc giao thông.

Quảng Trị: Đoạn Km175 - Km231 (Chà Lỳ - Khe Sanh) sạt taluy dương 43 vị trí gây tắc giao thông; đoạn Km250 - Km313+800 (Đăk Rông-Tà Rụt) sạt lở taluy dương 14 điểm nhưng không tắc đường.

Nguy hiểm nhất là đường Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế: Đoạn Km33+500-Km406+950 bị lở, hư hỏng 17 cống các loại; tại Km319+950 sạt lở taluy âm gây đứt đường (kích thước dài 60m, rộng 8m, sâu 40m) khiến kè rọ đá gia cố bị trôi gây ách tắc giao thông; Cầu Tà Rê (Km339+595) xói lở mố phía hạ lưu, cầu Tà Ho (Km340+356) bị xói lở mố phía thượng lưu; tại Km406+980 sạt lở taluy gây tắc đường.

Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông ở Quảng Bình nhiều đoạn ngập sâu tới gần 3m, như: Km878-Km878+600 ngập sâu gây tắc giao thông nhiều ngày nay; đoạn Km903+900-Km905 ngập sâu 1,5m; đoạn Km909-Km912+600 ngập sâu tới 2,8m gây ách đến ngày 5-10. Nhiều đoạn khác sạt lở taluy cản trở giao thông: Km945-Km945, Km851-Km923, Km957-Km960, Km962-Km965.

Tuyến quốc lộ 12A nhiều đoạn ngập nước sâu khiến giao thông đình trệ: Đoạn phía tây đầu cầu Yên Tố, đoạn cầu Chợ Gát đến UBND xã Đức Hóa; cầu tràn Soong (Km61+800) ngập 2m; đoạn Km66+200 đến Km68+800 (trước Bộ Chỉ Huy quân sự huyện Minh Hóa) ngập 1m; cầu Cha Lo 3 (Km138+250) ngập sâu 1,8m gây tắc đường nhiều ngày.
 
Nước lũ dâng cao, vận tải trên trục Bắc Nam tiếp tục đình trệ - 3
Nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng (ảnh: Hồng Kỹ)

Đặc biệt, quốc lộ 15 tại cầu Quảng Hóa (Ngầm Khe Đèng, ngầm Khe Mưng) nước ngập sâu 3m. Cầu Tân Ấp 2 - (ga Khe Chuối), đoạn xã Hà Linh (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), cầu Nghiêng (xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh); đoạn xã Lộc Yên (Hương Đô, Phúc Trạch, Hương Khê) nước ngập sâu từ 1 m đến 2,5m.

Quốc lộ 49 (Tỉnh Thừa Thiên Huế) có một số đoạn m23+670, Km23+700, Km23+720 sạt lở taluy âm; Km50+532 xói lở hạ lưu cống; Km57+150 sạt taluy âm.

Chiều 5/10/2010, Bộ Giao thông Vận tải đã có Công địên số 64/CĐ-BGTVT chỉ đạo các đơn vị Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Y tế; Các Ban QLDA: 1, 85, Hồ Chí Minh; các Khu QLĐB: II, IV, V; Các TCT: Hàng hải, Đường sắt, Hàng không, CTGT 1, 4, 6, 8;

Các Sở GTVT: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; Công ty Thông tin điện tử hàng hải… Triển khai phương án đối phó với mọi diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông; đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống và có biện pháp bảo vệ các công trình cầu, cống, kho tàng, nhà ga, bến cảng, phương tiện vận tải, máy móc thi công...

Quỳnh Anh

Dòng sự kiện: Mưa lũ ở miền Trung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm