1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Núi sạt lở sau tiếng vang lớn, hàng chục người dân không dám về nhà

Thanh Tùng

(Dân trí) - Núi bị sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều hộ dân ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa không dám về nhà, phải sống trong những căn lều tạm.

Gần 3 tháng qua, gia đình chị Hà Thị Thiếu và 4 hộ dân ở thôn Ấm Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa phải di tản, dựng lều tạm ven dòng suối Khanh gần nhà để ở.

Chị Thiếu cho biết, do núi Văng Tá Póng phía sau khu dân cư bị sạt lở, người dân trong thôn không dám về nhà.

Trong túp lều tranh rộng chừng 10m2, chị Thiếu còn chưa hết hoảng sợ mỗi khi nhắc lại sự cố thiên tai, xảy ra vào sáng 3/8. Chị kể, thời điểm đó, cả gia đình chị vừa ngủ dậy, giật mình nghe tiếng vang lớn, rung lắc mạnh, kèm theo lượng lớn đất, đá từ trên núi Văng Tá Póng ầm ầm sạt xuống suối.

Núi sạt lở sau tiếng vang lớn, hàng chục người dân không dám về nhà - 1

Hiện trường xảy ra sạt lở núi (Ảnh: Thanh Tùng).

"Nghe tiếng sạt lở như bom nổ, tôi và mọi người chỉ kịp hô hoán nhau tháo chạy khỏi căn nhà. Sự việc diễn ra quá bất ngờ, rất may không có ai bị thiệt mạng", chị Thiếu kể.

Một ngày sau khi xảy ra trận sạt lở, vợ chồng chị Thiếu vội vã về nhà thu dọn đồ đạc và những vật dụng cần thiết rồi dựng tạm túp lều ra xa chân núi để ở.

"Có nhà nhưng chẳng ai dám về vì lo sợ sạt lở núi. Mấy tháng sống ở lều tạm, chúng tôi sống rất khốn khó. Hôm nắng thì nóng, trời mưa nước tạt vào khắp nơi, cả đêm không thể chợp mắt", chị Thiếu nói.

Cách lều chị Thiếu không xa, 7 nhân khẩu của gia đình ông Hà Đình Lan (thôn Ấm Hiêu) cũng đang sống tạm bợ bên túp lều ven suối Khanh.

Ông Lan cho biết, năm nay đã 65 tuổi nhưng chưa bao giờ thấy cảnh tượng sạt lở kinh hoàng như đợt vừa qua.

Núi sạt lở sau tiếng vang lớn, hàng chục người dân không dám về nhà - 2

Núi bị sạt lở, gia đình chị Thiếu phải dựng lều tạm để ở (Ảnh: Thanh Tùng).

"Nếu không di chuyển kịp thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chưa bao giờ thấy núi Văng Tá Póng sạt lở như hôm vừa rồi. Khi thấy đất đá sạt xuống, tôi vội vã bế 2 đứa cháu rồi hô người thân tháo chạy", ông Lan nhớ lại.

Theo ông Lan, gần 3 tháng qua, ông vẫn chưa dám về nhà. "Mình sống tạm bợ cũng được nhưng nhìn mấy đứa trẻ thấy tội. Giờ chỉ mong chính quyền sớm bố trí đất, xây nhà để người dân yên tâm ổn định cuộc sống", ông Lan cho biết.

Ông Lương Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết, sau khi xảy ra sạt lở núi Văng Tá Póng, chính quyền địa phương đã tổ chức hỗ trợ người dân di dời khẩn cấp.

Theo ông Kiên, có 5 hộ dân thuộc diện di dời và 18 hộ trong vùng có nguy cơ sạt lở. Vừa qua, địa phương đã cắm biển cảnh báo, thường xuyên bố trí người tuần tra, giám sát đề phòng sự cố bất ngờ xảy ra.

Núi sạt lở sau tiếng vang lớn, hàng chục người dân không dám về nhà - 3

Gia đình ông Lan dựng lều tạm bên suối Khanh để ở, không dám về nhà sau sự cố thiên tai (Ảnh: Thanh Tùng).

"Việc dựng lều để người dân sinh sống là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, địa phương đã rà soát, lập quỹ đất tái định cư để người dân xây dựng nhà ở nơi khác. Nhưng vì chưa có kinh phí nên chúng tôi chưa thể thực hiện được", ông Kiên cho biết.

Thống kê của UBND huyện Bá Thước, có hơn 60 hộ dân thuộc 2 xã: Lũng Niêm, Cổ Lũng, nằm trong diện phải di dời do ảnh hưởng của sạt lở đất.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước cho biết, nhằm ổn định đời sống người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, địa phương đã rà soát và có đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa bố trí vốn thực hiện dự án sắp xếp ổn định dân cư cho các hộ dân tại các xã nói trên.

Theo ông Tâm, dự án khu dân cư có diện tích khoảng 0,5ha với đầy đủ cơ sở hạ tầng, tổng kinh phí khoảng 11,6 tỷ đồng.

"Huyện đã có đề xuất chi tiết về dự án gửi lên tỉnh. Chúng tôi cũng đang đợi tỉnh quyết định, khi nào có vốn sẽ triển khai thực hiện", ông Tâm nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm