1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nửa thế kỷ nữa, TPHCM sẽ ra sao?

Q.Huy

(Dân trí) - Lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, TPHCM cần định hướng quy hoạch đô thị vừa có tầm cao, vừa có chiều sâu. Trong đó, việc phát triển không gian ngầm, hạ tầng trên cao là điều địa phương cần chú trọng.

Sáng 5/10, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì hội nghị công bố kết quả và trao giải cuộc bình chọn ý tưởng quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060. Sau hơn một năm, ban tổ chức đã chọn ra những ý tưởng độc đáo, phù hợp thực tiễn, mang đến những giải pháp tổng thể trong quy hoạch TPHCM.

"Cuộc thi là một trong những hoạt động của TPHCM để củng cố thêm những định hướng trong phát triển quy hoạch, tạo không gian phát triển cho địa phương giai đoạn nửa thế kỷ tới", ông Võ Văn Hoan nhận định.

Nửa thế kỷ nữa, TPHCM sẽ ra sao? - 1

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì sự kiện (Ảnh: H.Q.).

Lãnh đạo UBND TPHCM thông tin, các đơn vị đang chuẩn bị tích cực, gánh khối lượng công việc đồ sộ để hoàn tất cơ bản đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM vào quý III/2023. Sau đó, các cơ sở pháp lý về đồ án sẽ được hoàn thiện để kịp trình Thủ tướng phê duyệt trong quý IV/2023.

Đồ án quy hoạch chung của TPHCM cần tuân thủ những quy tắc cơ bản của sự kế thừa và phát triển. Cụ thể, những điểm đặc trưng, thế mạnh của thành phố cần được giữ gìn, phát huy. Đồng thời, những yêu cầu mới trong quá trình phát triển đô thị TPHCM cần được nghiên cứu, bổ sung, cập nhật.

"Đồ án quy hoạch chung cần tạo không gian phát triển cho TPHCM theo những định hướng, nhiệm vụ mới như đô thị thông minh, trung tâm tài chính, đô thị lấn biển, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực theo nhu cầu hiện tại như logistic, công nghiệp phụ trợ…", Phó Chủ tịch UBND TPHCM đặt yêu cầu.

Nửa thế kỷ nữa, TPHCM sẽ ra sao? - 2

TPHCM cần phát triển cả không gian ngầm và các hạ tầng trên cao (Ảnh: Hải Long).

Một trong những mục tiêu mà quy hoạch TPHCM giai đoạn dài sắp tới cần hướng đến là phát triển vừa có tầm cao, vừa có chiều sâu, không gian mở. Địa phương cần tránh tư duy quy hoạch của thời kỳ trước, khi chỉ tập trung phát triển khu vực trung tâm.

"Hiện tại, quy hoạch TPHCM chủ yếu dàn hàng ngang, chưa đi sâu vào lòng đất, chưa có không gian trên cao. Thành phố cần tư duy phát triển những đô thị kiểu mẫu lớn, nhằm bổ sung cho các khiếm khuyết của đô thị hiện tại, giành không gian lớn để hình thành các dịch vụ xã hội, dịch vụ đô thị", ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Phân tích rõ hơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, công tác quy hoạch cần quan tâm hơn đến phát triển không gian ngầm như nhiều đô thị lớn khác trên thế giới. Trong bối cảnh diện tích đất đai hạn chế và không thể tăng thêm, đây là phương án cần được địa phương tính tới.

Ngoài hình thành không gian ngầm tại khu vực nội đô, thành phố cần tăng tính kết nối không gian ngầm với các huyện giáp ranh, thậm chí với các tỉnh, thành khác. Không gian ngầm cần được trải dài để người dân có thể thông qua đó tiếp cận khu vực trung tâm.

Mặt khác, hạ tầng trên cao cũng là điều công tác quy hoạch thành phố cần hướng tới. Hiện tại, việc giải phóng mặt bằng cho các hạ tầng trên mặt đất gặp rất nhiều khó khăn, chiếm nhiều kinh phí, ảnh hưởng lớn đến người dân.

"Có những dự án mà tổng giá trị 10 đồng thì chi phí giải phóng mặt bằng là 5-6 đồng. Việc giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc khác, gây chậm tiến độ, tăng chi phí thực hiện dự án", ông Võ Văn Hoan nêu thực trạng.

Lãnh đạo UBND thành phố cho rằng, việc thực hiện các dự án hạ tầng trên cao có thể làm phía trên các dòng kênh, trục đường nhằm giải quyết vấn nạn ùn tắc, ô nhiễm môi trường, ngập nước. Những khu vực TPHCM có thể thực hiện hạ tầng trên cao như đường Nguyễn Thái Sơn, đường Phạm Văn Đồng, đường Võ Văn Kiệt, đường Nguyễn Văn Linh, đường Cách Mạng Tháng 8, tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè…