1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nữ tiến sĩ Cơ Tu

(Dân trí) - Từ một bé gái sống trong cô nhi viện đến một nữ tiến sĩ - Đó là quãng đường dài như một câu chuyện đáng khâm phục về số phận nhiều trắc trở của nữ tiến sĩ của đồng bào Cơ Tu Phan Thị Xuân Bốn.

Những ngày cuối năm Tân Mão 2011, chúng tôi gặp cô Phan Thị Xuân Bốn tại Trung tâm học liệu Trường Đại học Quảng Nam sau những ngày tháng “vật vã” với con chữ để bảo vệ Luận án tiến sĩ Dân tộc học cấp nhà nước. Tết Nhâm Thìn 2012 cận kề nhưng trong tâm tưởng cô Bốn vẫn đau đáu 1 nỗi niễm day dứt và nuối tiếc vì Tết này lại không được về ăn Tết cùng đồng bào Cơ Tu.

 

Tuổi thơ lận đận

 

Cô Phan Thị Xuân Bốn sinh trưởng trong một gia đình bần nông tại mảnh đất Quế Lộc (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) nghèo khó, rồi sớm mồ côi cha, cô Bốn sống với 4 đứa em cùng mẹ già ở quê nhà. Khi Bốn 4 tuổi, thương con cơ hàn lại không muốn con mình thất học, mẹ phải đưa cô và người chị gái vào cô nhi viện tận xứ Huế xa xôi. Hơn 10 năm vừa học vừa đan áo, trồng rau, giữ trẻ, chằm nón, dệt chiếu,... cô luôn đau đáu một niềm hy vọng sau này sẽ là một người có ích.

 

Năm 1978, vừa học xong cấp 3, theo tiếng gọi của Tổ quốc, cô Bốn tình nguyện đăng ký lên vùng núi phía tây Quảng Nam – nơi tập trung đông đảo dân tộc Cơ Tu - để làm công nhân cầu đường. Lúc ấy, cô Bốn chưa tròn 17 tuổi. Rồi thời gian, sự ân cần, chịu thương, chịu khó và tấm lòng nhiệt thành của cô đã nhanh chóng lấy được cảm tình của người dân bản. Người dân quý mến cô và xem cô như người một nhà, họ gọi cô là cô Bốn Cơ Tu.
 
Nữ tiến sĩ Cơ Tu - 1

Cô Bốn (phải) cùng mế Cơ Tu

 

Sau khi hoàn thành 3 năm nghĩa vụ, chính những tình cảm của đồng bào đã làm cô Bốn quyến luyến, bịn rịn không muốn xa rời, cô Bốn đã quyết định ở lại dạy cái chữ cho đồng bào Cơ Tu ở bản A Rần (xã Tr'Hy, huyện Hiên, bây giờ là Tây Giang).

 

Mới bắt đầu đứng bảng, cô gặp muôn phần khó khăn và thử thách. Văn hoá, ngôn ngữ và con người Cơ Tu khá lạ lẫm đối với cô. Sau một thời gian cùng ăn, cùng ở và cùng ngủ với đồng bào, cô Bốn đã bị con người và văn hoá Cơ Tu mê hoặc. Đứng lớp được chục năm, cô Bốn đi thi đại học và liền sau đó trúng tuyển. Những ngày học đại học ở Huế, cô Bốn phải làm rất nhiều công việc để có đủ tiền trang trải việc học. Từ lao động chân tay (bưng, bê, dọn dẹp, rửa chén bát,…) đến lao động trí óc (viết lách, nghiên cứu, …), cô đều làm hết và thậm chí là làm rất giỏi. Chưa hết, vì không có tiền học thêm ngoại ngữ ở các Trung tâm Anh ngữ, ngoài giờ học trên lớp, cô Bốn phải tự mày mò tiếng Anh ở nhà và có khi còn phải đi học chui. Cực khổ và vất vả là thế nhưng cô Bốn chưa bao giờ tự ti hay mặc cảm về điều này, trái lại, cô lại rất lạc quan và yêu đời, được thầy yêu, bạn quý. Nhiều thầy giáo từng dạy cô Bốn ở trường ĐHSP Huế luôn hết lòng khen ngợi về tấm gương vượt khó của cô Bốn.

 

Sau khi tốt nghiệp đại học, cô Bốn tiếp tục học cao học. Thời gian học cao học ở Hà Nội, vì điều kiện kinh tế, cô Bốn thuê trọ trong một phố nghèo với mới giá thuê thời ấy gọi là rất “bèo” (4.000 đồng/ngày). Hằng ngày, với chiếc xe đạp cũ kĩ, cô đạp hàng chục cây số đến Viện Văn hóa Dân gian để học, chiều lại gò lưng đạp xe qua khu Thanh Xuân Bắc để học thêm tiếng Anh. Xong việc học, trên đường về, cô tạt qua chợ cóc ven đường để mua bó rau, nhúm tép về nấu ăn qua bữa.

 

Cuộc sống khó khăn thiếu thốn, cô Bốn sống quen rồi. Cứ như thế, ngày qua ngày, mỗi buổi chiều, xóm trọ bình dân Kim Ngưu, Lò Đúc (Hà Nội) lại thấy cô Bốn trên chiếc xe cọc cạch đi về với bao nỗi ưu phiền nhưng trên môi vẫn luôn nở nụ cười.

 

Tuổi đời phiêu nhãn

 

Hoàn thành chương trình đào tạo cao học, bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ Văn hoá học hạng xuất sắc, cô Bốn được điều về công tác tại trường Đại học Quảng Nam. Liền sau đó, Bộ GD & ĐT ra quyết định công nhận Nghiên cứu sinh Tiến sĩ (NCS TS) Dân tộc học (DTH) cho cô. Niềm vui thì ít song âu lo lại nhiều. Là giáo viên mới về trường, lại quá tuổi quy định (năm công nhận NCS TS thì cô đã ngoài 50 tuổi), nên cô Bốn không được trường hỗ trợ kinh phí học tập mà hoàn cảnh cô lại quá nghèo. Vả lại, làm một giáo viên “cắm bản” vốn đã khó và vất vả thì việc làm giảng viên đại học lại càng khó khăn gấp bội phần. Từ môi trường, tiện nghi, cơ sở vật chất, đến nội dung và phương pháp giảng dạy cũng đều xa lạ.

 

Cô Bốn biết rõ điều này và luôn tự hoàn thiện mình. Phương pháp và nội dung giảng dạy của cô Bốn rất khác. Vào mỗi tiết học, cô luôn tìm những mẩu chuyện vui về cuộc đời mình để kể cho học sinh nghe. Và cô cũng hy vọng thông qua đó “lũ trẻ” sẽ tìm thấy được niềm vui và sự hứng thú trong học tập.

 

Hiện nay, tuy cô Bốn đã dọn về sống nơi TP.Tam Kỳ nhưng cuộc sống thiếu thốn và đạm bạc vẫn đi theo cô. Cô vẫn sống trong cảnh nghèo khó trăm bề. Khoản lương ít ỏi cũng không thể nào trang trải đủ cho cuộc sống gia đình.

 

Những ngày học NCS TS, ban ngày, cô Bốn thường đạp xe đi đến các cơ quan để xin hỗ trợ; tối về, cô lên mạng săn tìm học bổng nước ngoài, rồi viết bài gửi báo, tạp chí; những khoản tiền này cũng phần nào phụ cấp thêm cho cô chi phí trong những ngày ở Hà Nội. Tuy nhiên, cô chưa lúc này than vãn hay kêu ca, tự ti hay mặc cảm về điều đó. Cô vẫn sống vui, sống khoẻ, sống tự nhiên như những ngày ở rừng, lúc nào tâm hồn vẫn luôn hướng về rừng. Về đồng bằng, những lúc nhớ rừng, nhớ làng, cô lại trèo đèo lội suối, băng bộ lên với các đồng bào Cơ Tu.

 

Hơn 35 năm phấn đấu và vươn lên trong cuộc sống cũng là chừng đó thời gian cô Bốn trưởng thành lên rất nhiều. Hiện giờ, cô Bốn sắp nhận tấm bằng TS DTH. Niềm ước ao bao lâu, nay chỉ còn trong gang tấc.

 

Thời gian gần đây, ngoài việc làm Luận án TS, cô Bốn còn dành thời gian cho việc viết sách và dịch thuật. Rồi những cuốn sách đầu tiên về dạy tiếng Cơ Tu do cô biên soạn đã ra đời và được Bộ GD & ĐT đưa vào chương trình giảng dạy tiếng dân tộc cho đồng bào. Không những thế hằng đêm, cô Bốn vẫn đi sớm về khuya dạy tiếng Cơ Tu cho mấy trăm cán bộ cán bộ miền núi Quảng Nam. Cô Bốn còn được mời tham dự các Hội thảo Khoa học quốc tế về văn hoá (Thái Lan- 2008, Hoa Kỳ-2009, Đài Loan- 10/2010 và Trung Quốc- 2011).

 

Tuy bận bịu nhưng cô Bốn vẫn mộc mạc và chân thành như những ngày ở bản, ở rừng. Trông cách xưng hô, nói chuyện của cô khó có ai mà đoán được nỗi khổ cực mà người phụ nữ này phải cam chịu. Có ai biết, khi cô về nhà, biết bao khó khăn chồng chất đang đợi ở phía trước? Từ một cô bé xuất thân trong cô nhi viện, đến giáo viên miền núi, rồi giảng viên đại học cho đến khi trở thành sứ giả văn hoá Cơ Tu là chừng ấy thời gian cô phải không ngừng cố gắng.

 

 

Dương Văn Út