DMagazine

Nữ thạc sỹ xinh đẹp rời "phòng lạnh" về làm nông dân trồng dưa sạch

(Dân trí) - Mạnh dạn rời khỏi "vùng an toàn" để khởi nghiệp với lĩnh vực nông nghiệp, cô gái Vĩnh Long - Lê Ngọc Hiền đã xây dựng thành công mô hình nông trại công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm.

Mạnh dạn rời khỏi "vùng an toàn" để khởi nghiệp với lĩnh vực nông nghiệp, cô gái Vĩnh Long - Lê Ngọc Hiền đã xây dựng thành công mô hình nông trại công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm.

Tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ chuyên ngành tài nguyên - môi trường và có hơn 10 năm công tác tại cơ quan nhà nước, nhưng chị Lê Ngọc Hiền (38 tuổi, Vĩnh Long) lại quyết định nghỉ việc, về quê trồng nông sản sạch công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm.

Hiện, nông trại 1000m2 của chị Hiền cho thu hoạch 3 - 3,5 tấn dưa lưới mỗi vụ. Để nông trại thêm phong phú, chị Hiền còn trồng thêm nhiều nông sản sạch như cà chua, dưa leo, dưa hấu… nhằm cung cấp cho bà con và thực hiện các tour trải nghiệm nông nghiệp.

Nông trại của chị Hiền trở thành địa điểm du lịch có tiếng tại Vĩnh Long, được nhiều du khách ví von như "Đà Lạt thu nhỏ". Dịp cao điểm lễ, tết, nông trại của chị đón cả trăm du khách/ngày.

Nữ thạc sỹ xinh đẹp rời phòng lạnh về làm nông dân trồng dưa sạch - 1
Nữ thạc sỹ xinh đẹp rời phòng lạnh về làm nông dân trồng dưa sạch - 2

Năm 2019, bằng số tiền tiết kiệm cá nhân, cộng thêm vốn hỗ trợ từ dự án của tỉnh Vĩnh Long và tiền vay ngân hàng, chị Hiền đã quyết định đầu tư nhà màng trồng dưa lưới theo mô hình công nghệ cao trên diện tích 1.000 m² đất bỏ không của gia đình.

"Khi mình ngỏ ý mượn bố mẹ 1000 m² đất gia đình để làm nông trại dưa lưới, bố mẹ không đồng ý, do mình chưa từng trồng bất cứ cây gì và cũng chưa biết qua về nông nghiệp, thêm nữa đầu ra của nông sản phải giải quyết thế nào cũng làm bố mẹ trăn trở, hoài nghi về hiệu quả của mô hình.

Làm nông nghiệp vất vả, chịu nắng mưa, có khi nhiệt độ tại nhà màng vào buổi trưa xấp xỉ 50 độ C, không dễ dàng gì cho một cô gái đã quen ngồi máy lạnh, làm công việc văn phòng như mình"- chị Hiền nhớ lại.

Tuy nhiên với quyết tâm cao, chị Hiền vẫn mày mò nghiên cứu tài liệu trên internet, tìm đến các nhà vườn để học hỏi kinh nghiệm người đi trước, đồng thời tận dụng kiến thức cơ bản đã học ở hệ cử nhân/thạc sĩ để áp dụng vào mô hình nông trại. Chị lựa chọn dưa lưới để khởi nghiệp vì đây là loại dưa có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao.

Dồn tâm sức cho nông trại nhưng vụ dưa đầu không mấy thuận lợi, gặp sâu bệnh, hao hụt mất 500 cây. Chị Hiền cũng nhập viện vì kiệt sức.

Nữ thạc sỹ xinh đẹp rời phòng lạnh về làm nông dân trồng dưa sạch - 3

Không bỏ cuộc, chị Hiền lại tiếp tục lao vào tìm nguyên nhân thất bại để sửa chữa sai sót. Sau 3 tháng, vườn dưa cho thu hoạch gần 3 tấn, thu về 100 triệu đồng. Trừ chi phí, chị Hiền có lợi nhuận 50 triệu đồng.

"Dưa lưới là loại nông sản nhạy cảm, khó tính. Mình phải nắm chắc đặc tính; nhu cầu nước, phân bón trong từng giai đoạn; nắm được các loại bệnh và cách khắc phục. Nhưng nắm được lý thuyết không đủ, phải dựa theo thực tế để rút ra kinh nghiệm", chị Hiền chia sẻ.

Với kiến thức hóa - sinh nền tảng, chị Hiền có cơ sở để tiếp cận thông tin về phân bón, đất; biết cách chọn lựa loại phân bón thích hợp, liều lượng thích hợp với dưa lưới. Đến đầu năm 2020, vườn dưa lưới đã cho trĩu quả, đạt năng suất cao.

Nữ thạc sỹ xinh đẹp rời phòng lạnh về làm nông dân trồng dưa sạch - 4

"Đúng lúc vườn dưa trĩu quả thì Covid-19 ập tới, cả nước thực hiện giãn cách xã hội. Thương lái đến mua ép giá xuống còn một nửa, tức là khoảng 20.000 đồng/kg. Nếu bán với mức giá này thì tôi không đủ chi trả cho các khoản chi phí, còn nếu không bán kịp thì chỉ độ 1 tuần là 5 tấn dưa đến giai đoạn chín, lên men sẽ phải hủy toàn bộ ", chị Hiền cho hay.

Không chấp nhận để thương lái ép giá kiếm lời và nhìn nông sản của mình bị bỏ uổng, chị Hiền chủ động tìm cách để "tự mình quyết định giá sản phẩm của mình".

Chị quy hoạch lại nông trại thật đẹp mắt, tự chụp ảnh/quay video giới thiệu nông trại và sản phẩm dưa lưới trên mạng xã hội để "bán dưa bằng hình thức kết hợp du lịch".

Chị Hiền cải tạo nông trại để khách có thể đến đây vừa tham quan, chụp ảnh, vừa tự tay chọn cắt những quả dưa chín để thưởng thức ngay tại vườn hoặc mua mang về.

Thông qua mạng xã hội, công nghệ thông tin và các mối quan hệ xã hội, nông trại của chị dần được nhiều khách biết đến. Ban đầu chỉ là người quen đến tham quan, mua hàng, sau đó họ giới thiệu đến những người khách khác

Sau 1 tuần, chị đã bán hết vườn dưa gần 5 tấn, doanh thu trên 100 triệu đồng và lợi nhuận gần 50 triệu.

Nữ thạc sỹ xinh đẹp rời phòng lạnh về làm nông dân trồng dưa sạch - 5

Ngay từ khi quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp với lĩnh vực nông nghiệp, chị Hiền đã xác định sẽ làm nông nghiệp sạch, hướng tới yếu tố bền vững.

Chị Hiền cho biết vườn nông sản của chị được xây dựng theo mô hình nông sản công nghệ cao và theo chuẩn VietGAP, tưới và bón phân theo công nghệ nhỏ giọt vào ngay gốc cây, giúp tiết kiệm chi phí. Sản phẩm ở đây được chú trọng về độ an toàn.

"Nếu theo các nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật ghi trên bao bì, chỉ cần cách ly 7 - 10 ngày, nông sản đã đạt độ an toàn, thì ở đây tôi cách ly trên 20 ngày để đạt độ an toàn tuyệt đối. Bên cạnh đó, tôi tuân thủ về liều lượng sử dụng; nguồn gốc thuốc", chị cho biết. "Do đó, khách đến tham quan có thể yên tâm hái trái cây và ăn ngay tại vườn".

Để cây đậu trái nhiều, vườn nuôi thêm một bầy ong, cứ đến mùa thụ phấn, ong sẽ được thả vào nhà màng.

Không chỉ áp dụng công nghệ cao, chị Hiền còn kết hợp làm du lịch trải nghiệm. Sau khi "làm chủ" được giống dưa lưới khó tính, chị Hiền "tấn công" thêm cả dưa leo, dưa hấu, cà chua, cà tím, các giống bí nhập ngoại có dinh dưỡng cao… để đa dạng nông sản, tăng thu nhập và tạo thêm khung cảnh cho khách hàng chụp ảnh và "check-in".

Chị còn tận dụng khoảng sân nhà làm quán nước, để khi khách đến tham quan có chỗ giải khát và thưởng thức nước ép, sinh tố các loại nông sản do tự tay mình thu hoạch.

"Mình xác định, thay vì mở rộng diện tích đất thì tập trung tăng năng suất, hiệu quả sử dụng đất. Đó cũng là hướng phát triển của nông nghiệp trong tương lai khi nguồn đất có giới hạn", chị chia sẻ.

Nữ thạc sỹ xinh đẹp rời phòng lạnh về làm nông dân trồng dưa sạch - 6

Nông sản tại vườn của chị Hiền thường được bán với giá cao, thậm chí nhiều khi cao hơn giá siêu thị nhưng khách hàng vẫn sẵn sàng chi tiền mua vì "an tâm" và "tin tưởng".

Sau 2 năm gắn bó với mô hình trang trại nông nghiệp công nghệ cao, chị Lê Ngọc Hiền đã có nguồn khách ổn định; doanh thu tốt; xây dựng được hình ảnh và thương hiệu riêng.

"Khởi nghiệp từ nông nghiệp, bạn phải xác định chấp nhận thất bại", chị Hiền cho biết. "Bởi lẽ, trong nông nghiệp, có kiến thức, kinh nghiệm chưa đủ mà còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan như thời tiết, khí hậu. Phải mất rất nhiều thời gian thì ta mới có thể khắc phục được".

Khởi nghiệp vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị Hiền phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau: lượng khách hàng giảm; vận chuyển hạn chế; giá thành biến động;...

Bên cạnh nghiên cứu đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, chị không ngừng tìm hiểu về marketing online và những hướng đi sáng tạo, mới lạ để mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Nữ thạc sỹ xinh đẹp rời phòng lạnh về làm nông dân trồng dưa sạch - 7

"Hiện, mình đang triển khai liên kết với các trường cao đẳng, đại học, các trung tâm Anh ngữ… để thực hiện các tour trải nghiệm nông nghiệp. Đồng thời mình tìm cách đa dạng hóa phương thức hoạt động để tạo được sức hút cho du khách đến nông trại", chị cho biết.

Mô hình nông nghiệp đô thị xanh sạch của chị Hiền nhiều lần được Tỉnh ủy Vĩnh Long đến tham quan, tổ chức tuyên truyền nhân rộng. Đầu tháng 9/2020 chị được tặng bằng khen tại hội nghị thi đua yêu nước của tỉnh nhà.

Ngoài ra, chị còn được UBND tỉnh, UBND TP Vĩnh Long trao tặng nhiều bằng khen tuyên dương sự nỗ lực trong việc phát triển ngành nông nghiệp.

Nữ thạc sỹ xinh đẹp rời phòng lạnh về làm nông dân trồng dưa sạch - 8

"Làm nông nghiệp cực lắm nhưng tôi vui khi có thể truyền cảm hứng, năng lượng tích cực cho những bạn trẻ khác trong quá trình khởi nghiệp.

Tôi cũng giúp người nông dân địa phương có cái nhìn khác hơn về nông nghiệp công nghệ cao, cải thiện dần phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống, chia sẻ cùng nông dân hướng đi mới nhằm nâng cao giá trị hàng hóa", chị Hiền chia sẻ.

Thực hiện: Hương Thảo

Thiết kế: Khương Hiền 

Chuyên mục "CHUYỆN NGÀY MỚI" do Báo điện tử Dân trí phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - AGRIBANK được triển khai từ ngày 15/3/2021.

Chuyên mục "CHUYỆN NGÀY MỚI" là nơi cung cấp thông tin, chia sẻ kiến thức, xu hướng sống tích cực nhằm truyền tải thông điệp ý nghĩa về phong cách sống xanh - sống đẹp - sống tử tế & nhân văn. Chuyên mục hướng tới độc giả là 95 triệu người dân Việt Nam cùng phấn đấu chung một mục tiêu "vì tương lai xanh" với giá trị bền vững "Sống hôm nay, cho mai sau".

"Chuyện ngày mới" là dự án phi lợi nhuận đầu tiên được thực hiện bởi một trong những Ngân hàng nhà nước uy tín nhất Việt Nam - AGRIBANK phối hợp với Dân trí thực hiện trên tinh thần, tôn chỉ vì cộng đồng và vì một Việt Nam tươi đẹp.

Để cập nhật những thông tin mới nhất về AGRIBANK, quý độc giả vui lòng truy cập:

Website: https://www.agribank.com.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/Agribank.VN