Hà Tĩnh:

Nữ đội trưởng đội quân tóc dài “canh trời” bắn rơi máy bay Mỹ

(Dân trí) - Năm 1969, nữ đội trưởng Tưởng Thị Diên được vinh dự là đại diện của Hà Tĩnh ra thăm và báo cáo thành tích của đơn vị với Bác Hồ. Gần 50 năm trôi qua, mỗi lần nhớ lại kỷ niệm về lần gặp mặt ấy, bà vẫn nghẹn ngào xúc động.

9 cô gái bắn rơi 3 máy bay Mỹ trong vòng 27 ngày

Về đến đất Kỳ Phương (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) hỏi tên bà Diên, nữ đội trưởng đội gái dân quân tự vệ (DQTV) Kỳ Phương, không chỉ người lớn mà con nít cũng biết. Cái tên của bà cùng tiểu đội đã trở nên “nổi tiếng” ở mảnh đất một thời là trận địa ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ.

Tiểu đội nữ đội dân quân 9 cô gái Kỳ Phương với chiến thuật bắn chẻ đầu máy bay Mỹ đã giành nhiều thành tích lớn chỉ trong 27 ngày.
Tiểu đội nữ đội dân quân 9 cô gái Kỳ Phương với chiến thuật "bắn chẻ đầu" máy bay Mỹ đã giành nhiều thành tích lớn chỉ trong 27 ngày.

Người nữ đội trưởng năm xưa đã ở tuổi gần 70, sức khỏe đã phần nào giảm sút nhưng đôi mắt và trí nhớ bà vẫn rất tinh anh. Đặc biệt, khi được hỏi về những năm tháng tham gia bảo vệ Tổ quốc, lòng bà như trẻ lại.

Lần giờ những bức ảnh cũ, bà kể cho chúng tôi nghe lại những ký ức hào hùng một thời của bà và tiểu đội.

Vào những năm 1967 – 1968, Kỳ Phương là một trận địa huyết mạch trong kháng chiến chống Mỹ. Thế trận ở đây vừa có rừng lại có biển và địa thế cách trở bởi Đèo Ngang. Bởi vậy, quân Mỹ ra sức oanh tạc hòng chiếm trận địa này.

Năm 1966, Xã đội Kỳ Phương thành lập một tổ thanh niên xung phong gồm 13 người: 9 nữ và 4 nam; nam trực pháo và nữ đánh phòng không. Năm 1967, tổ thanh niên xung phong tách ra 2 tổ, tổ nữ tham gia trực đánh phòng không và tổ nam đánh tàu khu trục hạm. Từ đó đội gái thanh niên xung phong Kỳ Phương ra đời gồm 9 cô gái tuổi từ 17 đến 19. Tiểu đội được biên chế một khẩu trung liên và có nhiệm vụ tham gia đánh phòng không.

Nữ đội trưởng Tưởng Thị Diên cùng đồng đội thăm lại trận địa pháo năm xưa tại thôn Quyết Tiến, xã Kỳ Phương.
Nữ đội trưởng Tưởng Thị Diên cùng đồng đội thăm lại trận địa pháo năm xưa tại thôn Quyết Tiến, xã Kỳ Phương.

Sau khi nhận quân khí, chỉ trong vòng 27 ngày, tiểu đội toàn chị em phụ nữ đã bắn hạ 3 máy bay, phối hợp với các lực lượng khác bắn rơi 12 chiếc máy bay của đế quốc Mỹ.

Thế nhưng để làm nên điều kỳ diệu, 9 cô gái của tiểu đội đã nhiều đêm mất ăn, mất ngủ, nằm hầm, vùi trong cát để nghiên cứu chiến thuật.

“Qua thực tế chiến đấu, chúng tôi thực hiện tác chiến với phương châm “phải bắn chẻ đầu máy bay Mỹ”. Tức là chờ cho địch nhào xuống thấp nhất, gần nhất, nhằm thật trúng để những viên đạn bắn lên găm thẳng vào máy bay Mỹ”, bà Diên hào hứng kể lại.

Trong những chiến công của tiểu đội không thiếu những nước mắt, máu và cả sự hy sinh.

Mỗi lần có dịp những thành viên trong tiểu đội lại cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thời hoa lửa
Mỗi lần có dịp những thành viên trong tiểu đội lại cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thời hoa lửa

Chạm tay vào khuôn mặt của một cô gái chừng 17 tuổi trên bức ảnh chung, bà Diên nghẹn ngào: “Đây là em Hoàng Thị Văn. Người duy nhất trong 9 chị em đã hy sinh. Đó là khoảng tháng 8/1968, trận địa chúng tôi bị máy bay quan sát của Mỹ phát hiện và quay lại tập kích. Toàn bộ căn hầm bị đánh sập, cả 9 chị em đều bị thương nhưng Văn là người bị nặng nhất. Sau đó, Văn được đem về trạm quân y điều trị và hy sinh”.

Mỗi dịp họp mặt, mỗi người trong tiểu đội gái vẫn không khỏi nguôi ngoai trước sự ra đi khi còn rất trẻ của người đồng đội.

Với những thành tích của mình, năm 1971, tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương đã được phong tặng đơn vị anh hùng lực lượng VTND – một trong 3 đơn vị bắn rơi 2 máy bay trở lên được phong tặng danh hiệu anh hùng của cả nước lúc bấy giờ.

Nhớ mãi lời dạy của Bác Hồ

Trong những năm tháng tham gia chiến đấu và sản xuất, bà Tưởng Thị Diên đã có vinh dự được gặp và báo cáo thành tích với Bác Hồ tại Thủ đô.


Bà Tưởng Thị Diên chụp ảnh cùng Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1969

Bà Tưởng Thị Diên chụp ảnh cùng Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1969

Khi gặp Bác, tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên là một trong 5 người được báo cáo thành tích với Người. Sau khi bà báo cáo thành tích của tiểu đội, Bác Hồ tấm tắc gật đầu: “Người thì nhỏ như hạt mít mà đánh giặc giỏi ghê!".

Bức ảnh bà Tưởng Thị Diên (người ngồi) được chụp lúc làm nhiệm vụ tại trận địa
Bức ảnh bà Tưởng Thị Diên (người ngồi) được chụp lúc làm nhiệm vụ tại trận địa

“Nghe Bác khen tôi vừa ngượng ngùng nhưng cũng cảm thấy rất tự hào. Sau đó Bác còn dặn thêm tôi “không được thỏa mãn với thành tích của mình, phải cố gắng hơn nữa”. Những lời dặn của Bác luôn khắc ghi trong trí nhớ của tôi. Sau này dù ở cương vị nào tôi cũng luôn phấn đấu hết mình để hoàn thành”, giọng bà chợt lắng lại.

Cũng tại buổi gặp mặt, bà được đích thân Bác Hồ tặng một bộ quân phục và Huy hiệu Bác Hồ.

Nhắc tới kỷ vật, bà Diên vui vẻ kể thêm: “Trong một lần về thăm Hà Tĩnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe chuyện về tiểu đội chúng tôi đã tặng tôi chiếc bi đông đựng nước làm kỷ niệm”.

Số hiện vật này hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Quân khu 4 và bảo tàng Hà Tĩnh.

Huy hiệu đích thân Bác Hồ trao tặng đội nữ dân quân Kỳ Phương
Huy hiệu đích thân Bác Hồ trao tặng đội nữ dân quân Kỳ Phương


Chiếc bi đông do Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng

Chiếc bi đông do Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng

Sau chiến tranh, tiểu đội nữ dân quân gái lại tiếp tục cống hiến xây dựng cho quê hương. Một số thì theo gia đình đi làm ăn ở xa, chỉ còn 4 người ở lại quê hương. Dù bận rộn nhưng chị em vẫn hay gặp nhau ôn chuyện cũ. "Không chỉ các chị em trong thời kỳ đầu mà nhiều chị em tham gia tiểu đội qua các thời kỳ vẫn thường góp quỹ để hỗ trợ, giúp đỡ nhau vay vốn làm ăn, cải thiện cuộc sống".

Riêng nữ đội trưởng Tưởng Thị Diên dù thời chiến hay thời bình vẫn hăng hái tham gia các hoạt động tại địa phương. Bà làm Bí thư Đoàn xã rồi Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Phương. Đến thời kỳ nghỉ hưu, bà Diên vẫn tích cực đóng góp, đi đầu trong các phong trào. Năm 2010, bà là một trong những người đầu tiên tự nguyện dỡ bỏ hàng rào để hiến đất xây dựng nông thôn mới tại Kỳ Phương.

Phượng Vũ